Chúng ta

Người chèo lái FPT Pháp ‘trỗi dậy’ sau khủng hoảng

Thứ ba, 9/1/2018 | 17:21 GMT+7

Bước chân sang Pháp khi còn rất nhiều bất cập, anh Ngô Duy Khang vực dậy nhà Phần mềm bằng những nỗ lực chưa bao giờ từ bỏ. 

“Nếu được lựa chọn lại, tôi vẫn sẽ ‘onsite’ ở Pháp. Đơn giản vì tôi yêu nước Pháp từ bé. Đối với tôi, Pháp như là quê hương thứ hai nên tôi nghĩ bản thân muốn làm gì đó tốt đẹp cho mối quan hệ hai nước. Mặc dù khó thật, nhưng khó thì mình thử”, Giám đốc FPT France (FPT Pháp) - anh Ngô Duy Khang chia sẻ về lý do chọn Pháp là nơi để làm người tiên phong, cùng đồng nghiệp “khai thông, mở lối” cho FPT Software đến châu Âu lần đầu tiên.

20170403-101721-1-1759-1515491882.jpg

Bộ ba FPT tại tòa nhà với FPT Pháp đặt văn phòng ở Pairs: (từ trái qua) Nguyên CEO FPT Software hiện là Hiệu trưởng FUNiX Nguyễn Thành Nam, CEO FPT France Ngô Duy Khang và chị Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Đào tạo Viện Quản trị Kinh doanh FPT (FSB).

Nghe theo lời khuyên của bố, anh Khang, chàng trai xuất thân từ mảnh đất Nha Trang hiền hòa, quyết chí rời quê hương lên TP HCM để theo đuổi niềm đam mê tin học tại Đại học Khoa học Tự nhiên. Sau đó, anh được nhận học bổng sang Pháp học Thạc sĩ về công nghệ thông tin và trở về nước, làm việc cho FPT Software từ năm 2007. Lúc ấy, mức lương ở nhà Phần mềm thấp hơn công ty đầu tiên anh làm sau khi ra trường, nhưng ở FPT sẽ "cho tôi thực hiện được những điều tôi muốn mà không phải không ty nào cũng có được", anh Khang trải lòng. Từ đó, “Pháp” và “Tin học” trở thành hai từ khóa gắn liền với cả sự nghiệp của vị CEO này.

So với các chi nhánh của nhà Phần mềm ở các quốc gia khác, FPT Pháp có sự khởi đầu “ngàn cân treo sợi tóc”. “Anh em vừa mở văn phòng xong thì tháng 8/2008, Pháp bị ảnh hưởng khủng hoảng toàn cầu”. Năm đó, trụ sở tại Pháp chỉ có 3 người: anh Lê Hà Đức, Giám đốc đầu tiên của FPT France, anh Nguyễn Tiến Dũng và CEO hiện tại anh Ngô Duy Khang đảm nhận việc kinh doanh. Bối cảnh ở Pháp lúc này là tình cảnh hàng loạt các cuộc đình công diễn ra hằng ngày, các doanh nghiệp phải sa thải người 'nhiều chưa từng thấy' và những cuộc biểu tình trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.

Anh Khang nhớ lại, cả 3 người lúc đó đều cố gắng tìm cách giải quyết khó khăn nhưng các hợp đồng từ các đối tác ký trước với FPT trong thời điểm ấy đều bị hủy bỏ. Đến năm 2011, anh Khang cùng các đồng nghiệp quyết định quay về Việt Nam và chỉ duy trì văn phòng ảo tại đây. 

Hinh-anh-2-4189-1515491882.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến và CEO FPT Pháp Ngô Duy Khang chụp ảnh lưu niệm cùng ông Jean Lemierre - Chủ tịch tập đoàn BNP Paribas. Không gian là trong phòng từng là toà thị chính và nơi chứng kiến hôn lễ của Vua Napoleon và hoàng hậu Josephine. Hiện căn phòng này là nơi làm làm việc của Chủ tịch tập đoàn BNP Paribas. “Dù chưa chinh phục được thị trường Pháp, đây vẫn là thị trường đầy tiềm năng đối với FPT”, anh Khang cho biết.

Hai năm sau kể từ ngày trở về Việt Nam, FPT Software trở thành đối tác Nghiên cứu và phát triển (R&D) với tập đoàn Criteo - một thương hiệu nổi tiếng của Pháp, được ví như ‘Google châu Âu’. Lúc này, anh Ngô Duy Khang nắm vai trò quản lý Offshore Development Center - Trung tâm Phát triển phần mềm (ODC) từ năm 2013 đến 2015. Trong khoảng thời gian này, anh Khang và các anh em trong đội miệt mài nâng trình công nghệ, cải thiện kỹ năng lập trình tốt hơn. Hiện tại, thành viên của đội R&D hỗ trợ Criteo ngày ấy đa phần đang công tác tại Mỹ với những dự án hoành tráng khác.

Sau khi hoàn thành các dự án với Criteo, lời gợi ý quay lại Pháp từ nguyên CEO FPT Software Nguyễn Thành Lâm như là một bước đệm vững vàng để anh Khang quyết định viết tiếp câu chuyện còn dang dở, “onsite” Pháp lần hai khi tiết trời đang vào dịp cuối đông, tháng 3/2016. 

Lúc mới trở lại, dư âm đau thương năm 2012 còn để lại nên báo cáo tài chính công ty khi ấy bị âm “nặng” và các chủ nhà không cho ký hợp đồng gia hạn nhà ở. Sau đó, anh phải đặt cọc trước 1 năm tiền nhà mới được phép sử dụng. Ngày trở lại, FPT gần như không có khách hàng, không tài chính và không có nhân viên. CEO FPT France vừa làm sếp vừa kiêm nhân viên. Đúng nghĩa, anh sang Pháp “start-up” lại từ đầu. Dù lúc ấy FPT vẫn có các công ty ở nước sở tại đồng ý hợp tác nhưng  chưa mang lại nhiều thành công.

fpt-phap_1515498677.jpg

Đoàn FPT và Airbus trước cuộc gặp lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.

Đối diện với “Song trùng khổ lao” - không khách hàng, âm tài chính - cơ hội phát triển đã đến với FPT Pháp sau đó ít lâu, trong buổi trao đổi giữa Chủ tịch FPT Trương Gia Bình với ông Marc Fontaine, Giám đốc Số hóa (CDO - Chief Digital Officer) của tập đoàn hàng không Airbus tại Pháp. 

Sau khi bàn bạc, ông Marc Fontaine, đại diện Airbus, hứa sẽ sang Việt Nam để đánh giá chất lượng của FPT trong thời gian tới. Cụ thể, anh em FPT đã phải “chiến đấu” gian khổ trong đợt kiểm định năng lực (audit) vào tháng 11/2016 và chuẩn bị ráo riết cho việc ra mắt các dự án POC (Proof of Concept) vào tháng 3/2017. Từ đó, sự khẳng định về chất lượng hoạt động đã giúp FPT có được cơ hội chạm đến “trái tim” ngành hàng không - nền tảng Skywise do Airbus vận hành.

Anh Khang chia sẻ, việc ‘kết duyên’ với Airbus cùng chiến lược ‘Whale-hunting’ (săn cá voi) đã giúp cho con đường phát triển của FPT France ‘sáng hơn’. Cạnh đó, 'Để có thêm nhiều thành công thuận lợi, vẫn còn phụ thuộc ở nhiều yếu tố, trong đó việc ký kết với Airbus chỉ mới là bước khởi đầu vì yêu cầu của họ khá cao nên chúng tôi còn cả một hành trình dài phía trước”.

Về kế hoạch phát triển FPT Software tại Pháp, đầu năm 2018, Phó Giám đốc Chuyển đổi số lĩnh vực Logistic Nguyễn Việt Đức, Quản lý khách hàng Hoàng Nam Hải sẽ cùng sang Pháp để tiếp tục phát triển kinh doanh tại đây.

fpt-phap-2_1515498765.jpg

Tiệc tối cùng CEO của Geopost, ông Paul Marie Chavanne, tập đoàn chuyển phát nhanh số 1 của Pháp! 

Chia sẻ về dự định bảo lãnh gia đình nhỏ sang Pháp sinh sống, anh Khang tâm sự, ở Paris, lủi thủi sáng lên văn phòng một mình, ăn trưa cũng một mình và ăn tối cũng chẳng ai ngồi trò chuyện. "Tôi 'đơn thương, độc mã’ học hỏi nhiều thứ để tìm cách khôi phục FPT Pháp. Tuy nhiên, cuộc sống và công việc chưa ổn định nên đành hoãn dự định ấy”, anh Khang trầm tư trong một buổi chiều vội ở Sài Gòn trước khi công việc mới cuốn đi.

Trong chuyến về Việt Nam lần này, anh Khang tranh thủ dành thời gian cho gia đình, gặp gỡ một số cộng sự để hoàn thành các dự án còn lại vào dịp cuối năm và sẽ trở lại Pháp đầu tháng 1/2018 để tiếp tục vạch ra những hoạch định lâu dài cho FPT tại “xứ sở tình yêu”, nơi đang chờ đợi FPT Pháp thăng hoa và thành công hơn nữa. “Còn trẻ thì nên đi. Đi được nhiều sẽ học hỏi được nhiều, mở mang kiến thức và sau này khi trở về Việt Nam, chúng ta sẽ đóng góp một phần tri thức cho sự phát triển của đất nước”, anh Khang chia sẻ.

>> FPT chạm ‘trái tim’ của ngành hàng không

Đình An

Ý kiến

()