Chúng ta

Myanmar và những điều chưa từng nghĩ tới

Thứ sáu, 5/1/2018 | 15:30 GMT+7

"Có cơ hội đến vùng đất giao thoa của ba nền văn hóa là Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan là một điều vô cùng tuyệt vời với người ham thích du lịch như mình", anh Đinh Ngọc Tú, cán bộ phát triển thị trường FPT Telecom Myanmar, chia sẻ.

Với anh Tú, "được cử đi công tác tại Myanmar là điều mình chưa từng nghĩ tới. Đến đây mới thấy rằng, cuộc sống tại xứ sở chùa Vàng thật tuyệt".

Người Myanmar sùng bái đạo Phật. Mỗi phường đều có một ngôi chùa nhỏ và mỗi thành phố lại có dăm ba ngôi chùa to. Ngày nào cũng có sư sãi đi xin khất thực theo đoàn. Người dân hay tổ chức các buổi giảng Phật pháp ngoài đường phố, đông như liveshow ca nhạc, chặn cả tuyến phố để tổ chức. Khi đi vào chùa đều phải mặc quần áo dài, để giày dép ở ngoài, tôn kính với các sư thầy. Đợt cuối năm vừa qua tại Yangon, người ta còn chặn 7-8 con phố để giảng kinh. Dân Myanmar thích nghe kinh niệm Phật và đây là nét văn hoá anh Tú thấy thích thú nhất tại xứ sở chùa Vàng.

Vì vậy, trong công việc, để ký được hợp đồng với khách hàng tại đây rất khó và phải kiên trì, đặc biệt, yếu tố quyết định là phải được họ tin tưởng.

IMG-7754-JPG-2106-1514887236.jpg

Anh Tú (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng nghiệp trong một lần tham gia teambuilding đầu năm 2017. Ảnh: FPT Telecom Myanmar.

Người dân Myanmar rất hiền lành, họ không cãi vã nhau, rất ít tội phạm trộm cắp hay cướp giật. Cuộc sống của người dân Myanmar, ngay cả tại thủ đô Yangon cũng chậm rãi, không quá xô bồ như Hà Nội hay TP HCM.

23511064-2009434432406849-4618-1310-9410

Những hàng quán bán đồ giải khát giống như tại Việt Nam cũng là hình ảnh rất quen thuộc với người dân Myanmar. Ảnh: Đinh Ngọc Tú.

Hình ảnh người già ngồi nhai trầu, trẻ em tự do nô đùa sau khi đi học về là hình ảnh không khó để bắt gặp, nhất là khu vực ngoại ô thủ đô Yangon.

15844651-1604480642900402-3577-9631-4838

Trẻ con thường tự bày trò ra chơi. Những hình ảnh này ở vùng ngoại ô Yangon không thiếu. Ảnh: Đinh Ngọc Tú.

Tuy nhiên, tình hình giao thông  ở Yangon là một điều hoàn toàn khác xa với nhịp sống. Xe ô tô ở đây "lao như điên. "Một lần đi taxi, bác tài xế một tay lái xe, một tay cầm điếu thuốc hút. Đường bé mà ông ấy cứ lách qua lách lại, phanh gấp rồi lại rồ ga. Mình ngồi sau mồ hôi chảy ra như tắm dù ông ấy bảo đừng lo, hôm nào cũng lái như vậy".

DSCF2506-JPG-5748-1514887237.jpg

"Giờ cao điểm thì tắc vài tiếng đồng hồ là chuyện bình thường". Ảnh: Đinh Ngọc Tú.

Bài học "xương máu" được anh Tú đúc kết khi lái xe ra đường: "Nhớ là luôn đóng chặt cửa kính ô tô. Có lần khi chiếc xe buýt đi qua, người trên xe 'thải' nguyên cái bã trầu vào đúng xe mình". Từ đó, anh luôn đóng chặt cửa kính cho an toàn. 

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là việc chật vật với đồ ăn bên xứ sở chùa Vàng”, anh Nguyễn Viết Hòa, người từng đi mở cõi tại Myanmar, chia sẻ. 

18921081-10155321246317071-842-7823-3075

Anh Nguyễn Viết Hoà, một trong những thành viên trẻ nhất trong nhóm những người "mở cõi" xây dựng FPT Telecom Myanmar. Ảnh: Nguyễn Viết Hoà.

"Người Việt chuộng các món hấp, nấu là chủ yếu, các món khác như nem rán hay đồ xào có chăng cũng thả vài cái tóp mỡ vào cho thơm, chứ chẳng bao giờ nguyên một lớp dầu trong món cà ri như bên đó”, anh Hòa chia sẻ. Nhắc đến món cà ri, anh có một kỷ niệm "nhớ đời".

14444944-1496948830320251-8509-9924-3951

Đồ ăn của người Myanmar nổi tiếng nhiều dầu và các loại đậu, hai nguyên liệu không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân. Ảnh: Đinh Ngọc Tú.

Sau vài tuần chỉ ăn toàn đồ Myanmar, anh có dịp cùng người bạn đi ăn buffet ở một khách sạn ngay tại thủ đô. Chưa kịp mừng vì được ăn những món cải thiện khác thì anh "té ngửa" khi thấy cơ mạn là các món cà ri như cà ri gà, cà ri cá, cà ri thịt lợn, cà ri hải sản... không có món gì khác. “Sao mày bảo đây là buffet”, anh Hòa hỏi người bạn Myanmar của mình. “Tao quên nói, đây là buffet cà ri. Dân tao chuộng món này lắm”. Khay đựng đồ ăn nào cũng phủ trên đó một lớp dầu dày đến vài cm, anh Hòa lắc đầu: “Thế này tao chịu. Ăn không nổi nữa”.

18155931-1736311953050603-1321-2861-4411

Đi dọc các hàng quán ăn đêm của Myanmar có thể thấy đồ ăn là những món rán, chiên, luôn ngập trong dầu mỡ. Ảnh: Đinh Ngọc Tú.

Từ đó, anh Hòa cùng các anh em ở văn phòng đề xuất bổ sung một cô đầu bếp nghiệp dư. Kế hoạch được thông qua, các thành viên FPT Myanmar trở thành những người đào tạo "bất đắc dĩ" vì cô đầu bếp không biết về đồ ăn Việt Nam. Rán thế nào cho ít mỡ, làm nộm ra sao cho nó không bị hôi, khử mùi thịt lợn thế nào để có món kho thơm và dạy cho họ cách làm rau luộc – thứ mà trước đó cô đầu bếp không biết đến.

Sau một thời gian thì mọi việc cũng ổn, anh em cũng mong ngóng đến giờ ăn hơn tuy "rau luộc đôi lúc vẫn thấy có chút mỡ nổi trên bề mặt".

Lần đầu tiên anh Phan Duy Thế, Trưởng phòng Kỹ thuật hệ thống, đến Yangon vào khoảng giữa tháng 3/2016, thời tiết lúc đó khá nóng nhưng điều ngạc nhiên là ở đây không khí rất trong lành bởi thành phố được phủ rất nhiều cây xanh.

IMG-7507-JPG-6836-1514887237.jpg

Anh Thế (bên trái) và anh Tú trong một buổi săn ảnh. Hai anh đều là những người mê ảnh và mê làm việc tại mảnh đất Myanmar này. Ảnh: Đinh Ngọc Tú.

"Ở Yangon chỉ toàn xe ô tô nên tuy tắc đường nhưng mọi thứ vẫn nằm trong trật tự, người dân nơi đây dùng phương tiện công cộng như xe buýt và taxi rất phổ biến. Đường xá nhìn khá tốt và sạch sẽ", anh  hồi tưởng lại quãng thời gian mới nhận nhiệm vụ tại Myanmar.

Kiến trúc của Yangon là lối kiến trúc cổ kính. Năm vừa qua, có một số tòa nhà thương mại mới được xây dựng có kiến trúc hiện đại. "Myanmar là miền đất của bình yên, hy vọng và tương lai", anh Thế chia sẻ về miền đất gắn với công việc của bản thân.

FPT chính thức mở văn phòng tại Myanmar từ tháng 7/2013. Trong năm 2015, FPT IS đã khởi động dự án triển khai giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho Tập đoàn United Paints Group (UPG) của Myanmar. Dự án được triển khai cho trụ sở chính, nhà máy, 5 chi nhánh ở Myanmar và một công ty con tại Singapore của UPG.

Năm 2015, FPT cũng là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cấp phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông. Giấy phép có thời hạn 15 năm, cho phép FPT triển khai hạ tầng tuyến trục quốc gia tại Myanmar, tạo cơ sở cho việc phát triển dịch vụ Internet tại đây.

Bên cạnh đó, FPT còn thực hiện nhiều dự án quan trọng như: Cổng thông tin quốc gia Myanmar, Hệ thống chuyển mạch tài chính quốc gia Myanmar, Triển khai hạ tầng mạng tại trung tâm dữ liệu Ooredoo; Hệ thống quản lý phân phối, bán hàng (DMS) cho MMI… Đặc biệt là gói thầu 11,3 triệu USD với Bộ Kế hoạch và Tài chính Myanmar. Đây là dự án CNTT có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong khối Chính phủ Myanmar và cũng là gói thầu lớn nhất về CNTT do World Bank tài trợ cho quốc gia này.

Trọng Nghĩa

Ý kiến

()