Chúng ta

Lớp sư phụ - đệ tử đầu tiên học qua video conference

Chủ nhật, 20/5/2018 | 12:48 GMT+7

Chiều ngày 17/5, TGĐ Bùi Quang Ngọc đã có buổi sinh hoạt với các đệ tử tại FPT Japan thông qua hình thức video conference. Đây là lớp sư phụ - đệ tử đầu tiên tại FPT sinh hoạt qua hình thức này.

Sau lần đầu mở lớp sư phụ - đệ tử ở Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, TGĐ Bùi Quang Ngọc đã nhận thêm 7 đệ tử mới đến từ FPT Japan bao gồm: Quách Liễu Hoàn, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh; Nguyễn Hải Dương, Trưởng nhóm Phát triển Phần mềm; Bùi Vĩnh Thắng, Trưởng phòng Phát triển Phần mềm; Phạm Thị Thanh Hoa, Kế toán trưởng; Phạm Thị Quỳnh Như, Trưởng phòng Nhân sự; Nguyễn Thanh Hoa, Trưởng phòng Tài chính; và anh Nguyễn Việt Vương, PGĐ FPT Japan.

32932580-1755958187825506-6045-5913-9956

Sư phụ Bùi Quang Ngọc sinh hoạt cùng các đệ tử FPT Japan thông qua hệ thống video conference ngay tại phòng họp tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy.

Trong buổi sinh hoạt đầu tiên với các đệ tử FPT Japan bằng hình thức video conference (họp trực tuyến từ xa), sư phụ Bùi Quang Ngọc đã hỏi thăm từng đệ tử của mình về công việc, nhiệm vụ mà họ đang đảm nhiệm và những mong muốn, kỳ vọng của họ khi tham gia lớp sư phụ - đệ tử đặc biệt này.

Đặc biệt, mỗi đệ tử sẽ chia sẻ những vấn đề, khó khăn, vướng mắc mà họ gặp phải trong công việc để sư phụ và đồng môn cùng chia sẻ, giải đáp. Mỗi vấn đề sẽ là một chủ đề cho các buổi sinh hoạt tiếp theo của lớp. 

Từ vấn đề “công ty phát triển nhanh, doanh thu lớn, số người đông, hay thay đổi tổ chức... khiến các BA (business analyst) bị cuốn theo công việc, quá tải, sống quá nhanh, quá gấp” mà chị Phạm Thị Thanh Hoa, Kế toán trưởng FPT Japan, đưa ra, sư phụ Bùi Quang Ngọc cùng các đệ tử khác đều nhất trí chọn chủ đề “Làm thế nào để sống chậm lại, tĩnh lại để có thời gian chỉnh đốn hệ thống, quy trình giúp công việc diễn ra mượt mà hơn, cân bằng hơn” cho buổi sinh hoạt tiếp theo diễn ra vào tháng 6 tới.

Bên cạnh vấn đề của chị Hoa đưa ra thì các đệ tử khác cũng có những vấn đề riêng và sẽ được bàn luận, giải quyết trong các buổi sinh hoạt sau như vấn đề làm sao để nhân viên gắn bó với tổ chức của chị Phạm Thị Quỳnh Như, Trưởng phòng Nhân sự; vấn đề đào tạo cán bộ của anh Nguyễn Việt Vương; anh Bùi Vĩnh Thắng thuyết phục lãnh đạo theo mô hình mà anh đề xuất…

Do khoảng cách về địa lý nên để tiết kiệm thời gian và chi phí, lớp sư phụ - đệ tử FPT Japan của anh Bùi Quang Ngọc sẽ chủ yếu sinh hoạt qua hình thức video conference. Một số buổi sinh hoạt offline sẽ được thông tin tới nhóm khi có lịch. Số buổi sinh hoạt dự kiến diễn ra ít nhất 8 buổi trong một năm và trung bình mỗi tháng một buổi sinh hoạt.

Chương trình sư phụ - đệ tử mới sẽ bám sát dự án "Phát triển năng lực lãnh đạo FPT" (Radar Chart). Radar Chart là chương trình đánh giá năng lực cán bộ quản lý cấp cao theo 13 tiêu chí lãnh đạo FPT, từ đó, mỗi lãnh đạo sẽ lập kế hoạch phát triển năng lực hằng năm, chủ động triển khai và được đánh giá vào cuối năm. 

Buổi sinh hoạt đầu tiên cùng sư phụ Bùi Quang Ngọc đã có 6/7 đệ tử FPT Japan tham dự, anh Nguyễn Việt Vương, phụ trách kinh doanh (ngồi giữa); chị Phạm Thị Thanh Hoa, Kế toán trưởng họp qua facetime di động; chị Nguyễn Thanh Hoa, Trưởng phòng Hành chính vắng mặt vì lý do cá nhân. 

Buổi sinh hoạt đầu tiên cùng sư phụ Bùi Quang Ngọc đã có 6/7 đệ tử FPT Japan tham dự, anh Nguyễn Việt Vương, phụ trách kinh doanh (ngồi giữa); chị Phạm Thị Thanh Hoa, Kế toán trưởng họp qua Facetime di động; chị Quách Liễu Hoàn, vắng mặt do bận công tác tại TP HCM.

Từ năm 2017, Ban tổ chức cũng mở rộng đối tượng tham gia làm sư phụ. Ngoài cán bộ level 6 và 7, các công ty thành viên được tiếp tục duy trì các sư phụ level 5 trong năm 2016 tại đơn vị. Đây là những lãnh đạo đang nắm giữ vai trò quan trọng trong FPT, có kiến thức chuyên sâu, uy tín, giàu trải nghiệm và tâm huyết trong việc truyền đạt và lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm của bản thân cho các thế hệ tiếp theo.

Ban tổ chức cũng khuyến khích cán bộ cốt cán tham gia chương trình để chia sẻ lại kiến thức được học từ khóa đào tạo của Crestcom cũng như các khóa học khác của công ty. Tuy nhiên, nhóm này không được tính vào số lượng sư phụ theo quy định tại đơn vị.

Với chủ đề sinh hoạt mỗi buổi, các sư phụ lựa chọn một trong những hướng sau: Chiến lược kinh doanh, các vấn đề “nóng” tại đơn vị, phát triển đệ tử theo định hướng “13 tiêu chí lãnh đạo FPT”. Mỗi nhóm sinh hoạt tối thiểu 6 buổi mỗi năm và 3 giờ mỗi buổi (tương đương tổng thời lượng tối thiểu 18 giờ một năm).

Sư phụ - đệ tử là chương trình do Trường Đào tạo Cán bộ FPT (FCU) và Ban Nhân sự FPT phối hợp tổ chức, được thiết kế dựa trên mô hình YPO Forum - hoạt động thường niên của tổ chức Lãnh đạo trẻ thế giới. Đây là hình thức huấn luyện nhằm kết nối các nhà lãnh đạo trẻ với những lãnh đạo giàu trải nghiệm thông qua các buổi offline, trong đó các thành viên sẽ có cơ hội chia sẻ những vấn đề của mình và lắng nghe sự tư vấn từ các sư phụ. Mô hình này được áp dụng và thành công với nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia. Tại Việt Nam, FPT đã triển khai áp dụng mô hình cho đội ngũ lãnh đạo các cấp từ năm 2012 và mô hình đã góp phần đào tạo được nhiều nhà quản trị có năng lực.

Tham gia chương trình, các đệ tử sẽ được sư phụ chia sẻ kinh nghiệm đúc rút từ nhiều năm làm lãnh đạo, trong đó có nhiều bí kíp chỉ dành riêng cho đệ tử; được tham vấn các sư phụ về những vướng mắc trong công việc, cuộc sống để có giải pháp nhanh chóng; được kết nối với các đệ tử khác trong nhóm, là những người có cùng đam mê và chí hướng, để học hỏi lẫn nhau; có cơ hội tiếp cận với phương pháp tư duy kiến tạo của người Do Thái (Constructivism).

Ngoài mục đích chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm liên quan đến cuộc sống, các vấn đề chuyên môn và bí kíp nghề nghiệp dựa trên việc thảo luận, phân tích tình huống thực tế, các hoạt động của chương trình sư phụ - đệ tử được xem là một kênh giao tiếp gần gũi giữa thế hệ cán bộ quản lý các cấp, giúp FPT duy trì được bản sắc của riêng mình.

Theo quy định của Trường Đào tạo cán bộ FPT (FCU), sư phụ là cán bộ lãnh đạo/cán bộ cốt cán/quản lý FPT từ level 5 trở lên. Từ năm 2018 FPT khuyến khích một số cán bộ level 4 có năng lực lãnh đạo, quản lý tham gia làm sư phụ, danh sách cán bộ cấp 4 này do FCU phê duyệt. Số buổi sinh hoạt và số giờ sinh hoạt của các cán bộ cấp 4 cũng được tính như cán bộ cấp 5 trở lên. Số giờ sinh hoạt của các sư phụ được tính theo quy định đào tạo nội bộ năm 2018. Theo đó, số buổi sinh hoạt tối thiểu trong năm 2018 là 6 buổi, tương đương tối thiểu 18 giờ/năm.

Diệu Anh

Ý kiến

()