Chúng ta

FPT Japan bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới

Thứ tư, 9/1/2019 | 11:08 GMT+7

Từ ngày 1/1/2019, anh Nguyễn Việt Vương bắt đầu nhiệm kỳ 3 năm Tổng Giám đốc FPT Japan thay cho người tiền nhiệm - anh Trần Đăng Hòa.

Anh Nguyễn Việt Vương sinh năm 1976, tốt nghiệp Đại học Ritsumeikan Asia Pacific University - Khoa Quản trị Kinh doanh Châu Á Thái Bình Dương.

Anh Vương gia nhập FPT từ năm 2007 với vị trí Phó phòng Phát triển kinh doanh FPT Japan. Sau đó, lần lượt trải qua các vị trí Trưởng phòng Kinh doanh số 1, Trưởng văn phòng Đại diện kinh doanh Osaka. Từ năm 2013 đến 12/2019, anh đảm nhiệm vị trí Phó Giám đốc FPT Japan trước khi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc FPT Japan nhiệm kỳ 3 năm từ ngày 1/1/2019 đến 31/12/2021.

Anh Nguyễn Việt Vương có gần 12 năm gắn bó với FPT Japan, làm việc với tất cả các đời Tổng giám đốc của công ty từ chị Bùi Thị Hồng Liên, anh Nguyễn Thành Lâm, bác Ogawa Takeo, anh Trần Xuân Khôi đến anh Trần Đăng Hòa, những người đã tạo ra nền móng vững chắc cho FPT tại xứ sở hoa anh đào. Quá trình công tác lâu dài tại Nhật Bản giúp anh Vương có sự am hiểu khách hàng, thị trường nước ngoài lớn nhất của FPT. Với những đóng góp cho FPT, anh Nguyễn Việt Vương đã đạt được những danh hiệu: Hiệp sĩ bạch kim FSOFT năm 2009, Top 100 CBNV xuất sắc FPT năm 2013, FSOFT Manager of the year 2014 và HC FPT hạng Nhì năm 2017.

VuongNV-3959-1546920681.jpg

Anh Nguyễn Việt Vương là tân CEO FPT Japan từ ngày 1/1/2019. Ảnh: ĐVCC. 

Theo tân CEO, FPT Japan luôn được xem là anh cả của nhà Phần mềm FPT, do đó, trách nhiệm và kỳ vọng đặt ra cho Ban điều hành vô cùng lớn. Với trọng trách mới, anh Nguyễn Việt Vương cam kết sẽ nỗ lực để đưa FPT Japan phát triển hơn nữa, đạt đến những đỉnh cao mới.

Trong năm 2019, FPT Japan đặt mục tiêu tăng trưởng 35% và nhân sự tăng lên 2.000 người. “Chúng ta sẽ cùng nhau đưa FPT Japan vào Top 20 công ty CNTT lớn nhất Nhật Bản trong 3 năm tới”, CEO FPT Japan nhấn mạnh.

Năm 2019, cùng với đợt tái cấu trúc của toàn FPT Software, FPT Japan cũng sẽ chuyển đổi sang mô hình mới bao gồm 4 VI (Vertical Industry/ngành kinh tế lớn): MFG - Manufacturing Group, FSG - Finance Service Group, DLG - Digital Logistics Group, và JSI - Japan System Integration. Đây được kỳ vọng là bộ máy giúp FPT Japan và FPT Software phát triển vững chắc trong những năm tới.

Năm 2018, lợi nhuận và doanh thu của FPT Japan đều vượt mục tiêu, tăng 30%, hoàn thành mục tiêu nhân sự 1.000 người vào tháng 6. Điều này tạo tiền đề để đạt 1.300 nhân sự vào dịp sinh nhật FPT Japan 13 năm (13/11). Trong năm 2018, FPT Japan đã mở thêm 4 văn phòng đại diện, bao gồm: Shizuoka, Yokohama, Sapporo, Hiroshima và 2 trung tâm phát triển (Toyota-shi, Kariya). Năm 2018 cũng chứng kiến sự phát triển tích cực tại 2 chi nhánh ngoài nước là FPT Korea và FPT Thượng Hải, trong đó FPT Thượng Hải tăng trưởng đột phá 1.200%. Ngoài ra, trong năm 2018, FPT Japan săn được 26 “cá voi” mới là những công ty hàng đầu Nhật Bản.

Ngày 13/11/2005, FPT chính thức mở công ty tại Nhật Bản. Sau 13 năm phát triển, FPT Japan đã khẳng định vị thế công ty CNTT nước ngoài có quy mô nhân sự lớn nhất tại Nhật với 1.300 người làm việc tại 9 văn phòng, chi nhánh ở khắp Nhật Bản, trải rộng từ Bắc xuống Nam: Sapporo, Tokyo, Yokohama, Shizuoka, Nagoya, Osaka, Hiroshima, Fukuoka và Okinawa.

Bên cạnh đó, FPT Japan có 8.000 nhân sự tại Việt Nam làm việc trong các dự án với thị trường Nhật Bản. Đơn vị kỳ vọng trong vòng 2-3 năm tới sẽ trở thành một trong 20 doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Nhật Bản với doanh số từ thị trường này đạt 500 triệu USD và 3.000 nhân sự làm việc trực tiếp tại Nhật.

Xuân Phương

Ý kiến

()