Chúng ta

Vợ chồng salesman trẻ khốn khó khi con trai mắc bệnh hiểm nghèo

Thứ sáu, 8/12/2017 | 15:43 GMT+7

Ngày vui đón con chào đời cũng là lúc anh Nghĩa - chị Loan, FPT Telecom, bắt đầu hành trình khó khăn để giành lại sự sống cho con. 

Vợ chồng anh Ngô Hữu Nghĩa và chị Trần Thị Tuyết Loan đều là nhân viên kinh doanh tại Trung tâm kinh doanh Sài Gòn 9, thuộc Vùng 5 của FPT Telecom. Cưới nhau hơn một năm, niềm vui đến với anh chị là chuẩn bị đón bé Ngô Gia Huy chào đời. "Khi có thai, vợ chồng tôi đều đi khám định kỳ nhưng không phát hiện gì bất thường", anh Nghĩa kể.

sg-9-fpt-telecom-4186-1512721614.jpg

Anh Nghĩa và chị Loan đã cùng Gia Huy vượt qua những tình huống trớ trêu của số phận.

Những tưởng cả nhà sẽ được hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc khi lần đầu làm mẹ, làm cha. Nhưng không may, khi đón bé trai đầu lòng kháu khỉnh vào tháng 6 cũng là lúc cả nhà nhận nỗi đau riêng bởi Gia Huy bị dị tật không hậu môn và có một khối u. “Ban đầu cả nhà nghĩ là khối u bình thường”, anh Nghĩa nhớ lại.

Ngay lập tức, Gia Huy được chuyển sang bệnh viện Nhi đồng để chụp cộng hưởng từ trường (MRI). Các bác sĩ xác định cháu bị thoát vị tủy - màng tủy. Cậu bé được chỉ định phẫu thuật làm mở hậu môn nhân tạo bằng đường bụng để bệnh nhi đại tiện qua lỗ ở hông trái.

Sau 3 tháng nằm viện với bao gian nan vất vả, Gia Huy lần đầu được về nhà ở quận 12. Các bác sĩ nhận định lần xuất viện này cũng là dịp kiểm chứng cơ hội bé có thể bình phục hay không bởi điều trị tại bệnh viện 3 tháng liên tục, mọi xét nghiệm đều đã thực hiện và bệnh viện cũng mời bác sĩ từ bệnh viện chuyên khoa đầu ngành Phạm Ngọc Thạch và bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược thăm khám. "Kết quả đều bình thường nhưng tình trạng viêm phổi vẫn kéo dài nên bệnh viện cho xuất viện với mong muốn môi trường tốt hơn", salesman Sài Gòn 9 chia sẻ.

DSC-0587-JPG-4656-1512721614.jpg

Anh Nghĩa (áo trắng) trong lần nhận quà cho đội xuất sắc từ đại diện Truyền hình FPT.

Ngặt nỗi, khi về nhà, Gia Huy vẫn phải ăn sữa qua ống thông từ mũi xuống dạ dày để duy trì sự sống. Tiếng khóc xé lòng của đứa trẻ mới 3 tháng tuổi khi phải xông ống dẫn sữa từ mũi xuống dạ dày khiến nhiều người chứng kiến không cầm được nước mắt. Cơ thể nhỏ bé, yếu ớt đang từng ngày lay lắt như ngọn cỏ non trước gió như cần người bảo bọc, chở che. Mọi sự quan tâm của gia đình lúc này đều dồn cho Gia Huy. 

Bữa nọ, vừa truyền sữa cho bé xong, khoảng 30 phút sau anh Nghĩa phát hiện con trai khó thở. Ông bố trẻ la lên và tung cửa chạy cầu cứu hàng xóm bởi gần nhà có vị bác sĩ về hưu. Cấp cứu khoảng chừng 1 phút, bác sĩ về hưu ấy nghe mạch và tim rồi báo: "Cháu chết rồi!".

Anh Nghĩa, chị Loan chới với. Cả hai đều không tin con mình ra đi nhanh như vậy. Còn nước còn tát, hai vợ chồng trẻ năn nỉ vị bác sĩ già nhờ hỗ trợ chuyển bé lên bệnh viện quận 12 xem sao. Nào ngờ còn bị đẩy thêm xuống hố bằng câu nói lạnh lùng của người hàng xóm: "Nó chết rồi mà đi gì nữa".

sg-9-8066-1512721614.jpg

Anh Phan Phước Nhật, Trưởng phòng Văn hóa - Đoàn thể FPT Telecom, trao 20 triệu đồng từ quỹ Một ngày lương của đơn vị cho chị Tuyết Loan. Ảnh: FIL.

Nhưng anh Nghĩa vẫn ôm con ra nhờ một anh hàng xóm khác chở đi viện. Ngồi sau xe như ngồi trên đống lửa và ông bố trẻ cũng cảm nhận rằng con mình không ổn nên em liều mình bóp mũi và thổi hơi vào. Đồng thời anh Nghĩa tự nhồi tim cho Gia Huy. Làm đều đặn được 7-8 lần, thấy con có hiện tượng thở được nên anh Nghĩa tiếp tục thì bé khóc lên. Lúc này ông bố mới thở phào. Tới bệnh viện quận 12, các bác sĩ tiếp oxy và chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2. 

Cậu bé buộc phải ở lại bệnh viện từ lần cấp cứu nghẹt thở đó. Khi Gia Huy khỏe hơn, ca phẫu thuật thứ hai vừa diễn ra cuối tháng 11. Thoát vị tủy - màng tủy là một dạng dị tật của hệ thần kinh do rối loạn trong quá trình phát triển của phôi thai. Mục đích của cuộc mổ là bóc tách và đưa các cấu trúc thần kinh trong túi thoát vị vào lại trong ống sống. “Rất may là ca mổ được một bác sĩ giỏi của Bệnh viện Nhi đồng thực hiện”, anh Nghĩa chia sẻ.

Theo anh Nghĩa, mức độ hồi phục sau mổ phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tổn thương thần kinh trước mổ cũng như việc tập luyện sau mổ. “Hành trình dài phía trước là tập vật lý trị liệu bao gồm cả việc tập vận động hai chân và bàng quang”, ông bố trẻ nói.

sg9-2-8704-1512721614.jpg

Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Sài Gòn 9 Nguyễn Anh Huy đại diện tập đoàn trao 15 triệu đồng từ Quỹ Trường tồn hỗ trợ CBNV. Ảnh: FIL.

Trước mắt, Gia Huy sẽ còn hai lần phẫu thuật để tạo hình lỗ hậu môn thật và phẫu thuật để đóng lại hậu môn nhân tạo bằng đường bụng (còn gọi là hậu môn tạm). Cậu bé 6 tháng tuổi sẽ phải được chăm sóc và có sức khỏe thật tốt để trải qua hai lần phẫu thuật nữa.

Anh Ngô Hữu Nghĩa sinh năm 1993, gia nhập FPT từ năm 2014. Trải qua hơn một năm làm việc tại FPT Trading, Nghĩa về đầu quân cho FPT Telecom vào năm 2015 lần lượt các đơn vị INF, PNC trước khi chuyển sang làm nhân viên kinh doanh Vùng 5.

Bén duyên với nữ đồng nghiệp Trần Thị Tuyết Loan, hai người cưới nhau vào năm 2016. Hiện đôi vợ chồng trẻ đang ở nhà ông bà ngoại Gia Huy. Từ khi nghỉ sinh con, chị Loan chưa thể trở lại làm việc dù chế độ thai sản hết từ tháng 11.

Mới đây, anh Nghĩa mắc bệnh thủy đậu nên phải nhập viện. Hiện bệnh đã đỡ nhưng salesman Sài Gòn 9 vẫn đang ở nhà dưỡng sức. Mọi việc chăm sóc Gia Huy ở bệnh viện đều trông cậy chị Loan và bà thay phiên nhau túc trực.

Khi biết thông tin hoàn cảnh của nhân viên, FPT đã trích 15 triệu đồng và FPT Telecom trích 20 triệu từ Quỹ "Người FPT vì cộng đồng" để kịp thời chia sẻ khó khăn cùng gia đình anh Ngô Hữu Nghĩa và chị Trần Thị Tuyết Loan.

Theo anh Nguyễn Anh Huy, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Sài Gòn 9, Nghĩa là salesman ‘cừ’ của đơn vị với lượng khách hàng luôn trong nhóm Top. “Nghĩa hiền lành, chịu khó và trách nhiệm cao”, anh Huy chia sẻ về đồng nghiệp và cho hay, CBNV Trung tâm kinh doanh Sài Gòn 9 luôn sát cánh ủng hộ, giúp đỡ vợ chồng Nghĩa - Loan vượt lên khó khăn.

Độc giả có thể chia sẻ với anh Nghĩa - chị Loan qua số tài khoản: 00624331001 mang tên Ngô Hữu Nghĩa, TPB chi nhánh TP HCM.

>> FPT Small kỳ diệu đến trường sau khi chống chọi ung thư máu

Nguyên Văn

Ý kiến

()