Chúng ta

‘Ý tưởng của Bộ tứ Codefight có thể hiện thực hóa’

Thứ tư, 30/5/2018 | 10:35 GMT+7

“Tôi rất ấn tượng với ý tưởng ‘Theo dõi các chỉ số sinh tồn từ xa’ của đội Bộ tứ Codefight (ĐH FUNiX) bởi tính hiện thực hóa của nó rất cao”, anh Phan Trường Lâm, Giảng viên ĐH FPT, Trưởng ban Công nghê cuộc thi FPT Edu Hackathon 2018, cho biết.

Gây ấn tượng với hội đồng giám khảo FPT Edu Hackathon 2018 ngay từ vòng thi code, Bộ tứ Codefight đã nhanh chóng bước tiếp vào vòng sơ loại. Dù không đủ thành viên tham gia và phải thuyết trình từ xa nhưng đội trưởng Vũ Đăng Nhân vẫn rất tự tin trình bay, bảo vệ ý tưởng “Theo dõi các chỉ số sinh tồn từ xa” trước hội đồng giám khảo. 

Nhờ sự từng trải, kinh nghiệm thực tế cao của những người đã đi làm cùng việc chuẩn bị kỹ lưỡng cho phần thi, ý tưởng của Bộ tứ Codefight nhận được sự đánh giá cao từ ban giám khảo và nhận tấm vé bước vào chung kết một cách đầy thuyết phục. Thế nhưng, ít ai biết được rằng 4 chàng trai của đội Bộ tứ Codefight vẫn chưa một lần gặp nhau trực tiếp, quá trình làm việc nhóm đều diễn ra qua kết nối online.

sdfdgfd-706x385-8190-1527590173.jpg

Bộ tứ Codefight gồm 4 thành viên là những học viên của ĐH Trực tuyến FUNiX nên mỗi người đang học tập, làm việc và sinh sống ở một tỉnh thành khác nhau.

Chia sẻ về việc hình thành ý tưởng “Theo dõi chỉ số sinh tồn từ xa”, đội trưởng Vũ Đăng Nhân tiết lộ, với 8 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực y tế, cho hay xuất phát từ chính công việc thường ngày tại trạm y tế, anh đã nảy ra ý tưởng tạo ra ‘Ứng dụng theo dõi và quản lý các chỉ số sinh tồn từ xa (Fx04)’ để phần nào giúp cho công việc của đội ngũ y, bác sĩ đỡ vất vả hơn. Ứng dụng cũng mang kỳ vọng góp phần hiệu quả hơn trong công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân.

“Từ những lần quan sát thực tế tại các bệnh viên, tôi thấy ở đây được trang bị rất nhiều máy Monitor (máy đo các chỉ số sinh tồn của con người) có cổng kết nối COM với máy tính nhưng gần như chưa được dùng tới do hệ thống dây phức tạp, vướng víu", chàng y sĩ trẻ tuổi trăn trở. "Điều này gây ra sự lãng phí vì máy móc khi chưa phát huy được hết công dụng của nó để phục vụ cho con người”.

Nhận được thông tin Tổ chức Giáo dục FPT tổ chức cuộc thi Hackathon, như “cá gặp nước”, Nhân nhanh chóng tập hợp đồng đội và đăng ký tham gia. “Ngay từ khi tham gia học tại ĐH FUNiX, tôi đã tạo nhóm trên mạng xã hội nhằm hỗ trợ nhau học, tới khi biết tin về sự kiện Hackathon, mình kêu gọi các bạn giỏi về IoT lập đội để tham gia sự kiện này. Thành viên của Bộ tứ Codefight đều là người trong nhóm ‘Hỗ trợ nhau học’ nên chúng tôi làm việc rất ăn ý”, đội trưởng Vũ Đăng Nhân, chia sẻ .

Bốn thành viên của đội đều là những học viên của ĐH trực tuyến FUNiX đang sinh sống, học tập và làm việc ở những tỉnh thành khác nhau trên cả nước. Đội trưởng Vũ Đăng Nhân hiện công tác tại trạm y tế xã Nậm Dạng, Văn Bàn, Lào Cai; Nguyễn Hoàng Long, thành viên nhỏ tuổi nhất (16 tuổi) đang là học sinh lớp 10 tại Hải Phòng, Phạm Khánh Huy tận Phú Yên trong khi Nguyễn Văn Duy ở Hà Nội. 

vong-loai-2-PNG-5413-1527590173.jpg

Nhóm bộ tứ Codefight bảo vệ ý tưởng trước hội đồng giám khảo trong vòng sơ loại của cuộc thi FPT Edu Hackathon 2018 qua Skype.

Dù mỗi người một nơi nhưng khoảng cách về địa lý không cản được niềm đam mê công nghệ của 4 chàng trai. Trước khó khăn rất lớn về khoảng cách địa lý và thời gian online không phải lúc nào cũng đầy đủ thành viên, đội trưởng Vũ Đăng Nhân đã đề ra phương pháp thảo luận nhóm kiểu 1-1. “Ai rảnh sẽ thảo luận thống nhất với tôi, rồi tôi sẽ truyền đạt với các thành viên còn lại. Sau đó tôi bố trí để từng thành viên hẹn giờ để online với nhau. Từ khi cuộc thi bắt đầu diễn ra chỉ duy nhất hôm thi là có đủ 4 thành viên cùng online một lúc”, Nhân cho biết.

Hiện nhóm đang tập trung cho khâu “thực tế hóa” ý tưởng. Các thành viên sẽ lắp đặt thêm một thiết bị kích cỡ nhỏ như chiếc điện thoại phía sau máy Monitor cho phép gửi thông tin dữ liệu từ đó sang máy tính chủ qua kết nối không dây. Chia sẻ về nguyên lý hoạt động, thành viên Nguyễn Văn Duy cho biết: “Nhóm mình sẽ xây dựng ứng dụng này trên máy tính chủ tại buồng trực của các y bác sĩ giúp họ tiện theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân trên một giao diện đơn giản, dễ nhìn, có báo động khi những thông số thay đổi bất thường”.

Ứng dụng Fx04 sẽ hiện đại hóa công tác theo dõi bệnh nhân, hơn thế nó còn có ý nghĩa trong công tác tiên lượng, chẩn đoán và điều trị. “Việc cài đặt ứng dụng Fx04 trên máy tính cũng giúp theo dõi lịch sử diễn biến bệnh để từ đó có thể đưa ra những phân tích, tiên lượng và phương pháp điều trị phù hợp”, Đăng Nhân cho biết thêm. Cạnh đó, Fx04 cũng giúp thuận tiện trong công tác giải trình khi có những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Đội trưởng của Bộ tứ Codefight thông tin thêm, "Theo dõi các chỉ số sinh tồn’’ chỉ là bước đầu trong việc thiết kế ứng dụng "Theo dõi/quản lý các thiết bị y tế’’ trong tương lại. “Ứng dụng này cùng với hệ thống ‘Bệnh án điện tử’’ và ‘phần mềm quản lý bệnh viện’ (đang được thử nghiệm tại một số tỉnh/thành) sẽ tạo nên một hệ thống IoT trong lĩnh vực y tế”, Đăng Nhân nhấn mạnh.

Về phía mentor hướng dẫn, anh Cao Văn Việt, Project Manager, FPT Software đánh giá ứng dụng này không còn quá xa lạ ở nước ngoài. "Tôi hy vọng các bạn sẽ có những cải tiến mới phù hợp với điều kiện thực tế trong nước”.

“Hiện tại nhóm đã chuẩn bị đầy đủ vật tư, trang thiết bị cho vòng Chung kết, nội dung thuyết trình cũng đang được chuẩn bị khẩn trương. Nhìn chung, công việc rất suôn sẻ, mọi chuyện nằm trong tầm kiểm soát và chưa có bất cứ khó khăn gì xảy ra với nhóm. Cả nhóm sẽ thi đấu hết mình trong trận Chung kết không chỉ vì mục tiêu giải thưởng mà bởi mong muốn ý tưởng này sẽ thành hiện thực và giúp ích cho cuộc sống, xã hội”, Vũ Đăng Nhân bộc bạch.

Trận Chung kết FPT Edu Hackathon 2018 diễn ra vào ngày 9-10/6, tại ĐH FPT cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội sẽ là dịp gặp mặt đầu tiên của các thành viên Bộ tứ Codefight.

Hackathon là một sự kiện mà các lập trình viên, cùng những người liên quan trong ngành phát triển phần mềm như các nhà thiết kế đồ họa, thiết kế giao diện, quản lý dự án sẽ hợp tác với nhau trong thời gian ngắn để hoàn thành một dự án phần mềm.

FPT Edu Hackathon 2018 là cuộc thi lập trình dành cho học sinh, sinh viên của Tổ chức giáo dục FPT (FPT Edu), được tổ chức theo mô hình Hackathon nổi tiếng của thế giới. Các thí sinh sẽ thi đấu theo đội, mỗi đội gồm 3-4 người. Cuộc thi có 2 bảng đấu với hệ thống giải thưởng riêng biệt và trải qua 3 vòng thi: vòng ý tưởng, vòng sơ loại và vòng chung kết.

Diệu Anh

Ý kiến

()