Chúng ta

VNNIC khuyến khích FPT Online tiên phong triển khai IPv6

Thứ sáu, 8/12/2017 | 17:37 GMT+7

Giám đốc VNNIC Trần Minh Tân đánh giá cao kết quả triển khai IPv6 của FPT Online trong năm 2017. Ông cũng khuyến khích Công ty Dịch vụ trực tuyến đẩy mạnh công tác truyền thông cũng như tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi dịch vụ nội dung cho các báo điện tử Việt Nam.

Chiều 8/12, tại tòa nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội), đoàn công tác của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã làm việc với FPT Online nhằm đánh giá kết quả triển khai IPv6 và ghi nhận các khó khăn, kiến nghị trong việc thực hiện chuyển đổi IPv6 của đơn vị.

Buổi làm việc có sự tham dự của Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) Trần Minh Tân; Giám đốc Công nghệ FPT Online Nguyễn Lộc Vũ; Quản lý bộ phận nội dung số FPT Online Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng phòng Hạ tầng FPT Online Nguyễn Ngọc Sơn cùng các thành viên trong đoàn công tác từ VNNIC.

oàn công tác của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã làm việc với FPT Online/VnExpress

Đoàn công tác của Ban công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia làm việc với FPT Online/VnExpress, đánh giá kết quả triển khai IPv6.

Tại buổi làm việc, anh Nguyễn Văn Ngọc cho biết, lộ trình chuyển đổi IPv6 của FPT Online bám theo lộ trình chuyển đổi IPv6 quốc gia, với 3 giai đoạn: Chuẩn bị (2011-2012); Khởi động (2013-2015) và Triển khai (2016-2020).

Trong giai đoạn chuẩn bị, cùng với việc xin cấp địa chỉ IPv6, VnExpress cũng đã chủ động tự nghiên cứu, tìm hiểu thông tin liên quan đến việc chuyển đổi IPv4/IPv6 và cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo về IPv6.

Quản lý bộ phận nội dung số FPT Online Nguyễn Văn Ngọc báo cáo công tác triển khai IPv6 của FPT Online.

Quản lý bộ phận nội dung số FPT Online Nguyễn Văn Ngọc báo cáo công tác triển khai IPv6 của FPT Online.

FPT Online đã cam kết từ năm 2016 trở đi sẽ triển khai IPv6 đối với các giao diện mới; Đầu năm 2017 triển khai IPv6 cho một số chuyên trang như ione.vnexpress.net; Kỳ vọng cuối năm 2018 sẽ chuyển đổi hoàn toàn website vnexpress.net chạy IPv6.

Tới nay, trong công tác triển khai IPv6, báo VnExpress đã triển khai tốt trên nên tảng hạ tầng của FPT Online cung cấp, và được hỗ trợ từ FPT Telecom. Sau quá trình nghiên cứu chuyển đổi, VnExpress cũng đã đạt được kết quả như là đơn vị nội dung đầu tiên của Việt Nam triển khai tốt dịch vụ nội dung trên nền tảng IPv6, triển khai theo đúng mục tiêu và kế hoạch theo chương trình làm việc với Ban Công tác hồi tháng 10/2016; Chuyển đổi thành công 13 website cung cấp dịch vụ nội dung (các chuyên trang chính và trang chủ) của báo VnExpress, vượt mục tiêu kế hoạch đã gửi Thường trực Ban trong báo cáo những tháng đầu năm 2017; Tỷ lệ lưu lượng IPv6 trong nước của VnExpress đạt khoảng 6,5%, tỷ lệ IPv6 đi quốc tế đạt khoảng 13% với 1.034.000 người dùng IPv6 truy cập dịch vụ nội dung của đơn vị.

DSC08415-JPG-7213-1512728522.jpg

Cam kết 100% hoàn thành kế hoạch đề ra.

“Điểm hạn chế của quá trình triển khai là chúng tôi vẫn chưa thực hiện được việc gán nhãn IPv6 Ready logo cho các website đã kích hoạt chạy IPv6”, anh Ngọc chia sẻ.

Cũng tại buổi trao đổi, Trưởng phòng Hạ tầng FPT Online Nguyễn Ngọc Sơn nhận định, với những ưu điểm kỹ thuật của IPv6 so với IPv4, việc chuyển đổi sang IPv6 mang rất nhiều lợi ích cho sản phẩm và đơn vị như: Không gian địa chỉ lớn gần như vô hạn giúp giải quyết vấn đề cạn kiệt về IP do sự bùng nổ Internet, tăng khả năng phát triển sản phẩm; tính bảo mật và chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Qua quá trình triển khai, theo đại diện FPT Online, bên cạnh những thuận lợi như được Ban lãnh đạo xác định cần thiết phải chuyển đổi sang IPv6; đội ngũ kỹ thuật có kinh nghiệm; được VNNIC cấp trước IPv6 để test; được sự hỗ trợ tích cực của FPT Telecom…, FPT Online cũng gặp một số khó khăn như thiết bị, hạ tầng chưa hỗ trợ đầy đủ IPv6.

Giám đốc VNNIC khuyến khích FPT Online tiên phong trong triển khai IPv6

Giám đốc VNNIC Trần Minh Tân khuyến khích FPT Online tiên phong trong triển khai IPv6

“Hệ thống báo điện tử VnExpress là một hệ thống lớn, do đó không thể thực hiện chuyển đổi nhanh. Bên cạnh đó, khi tiến hành chuyển đổi, có những thiết bị không hỗ trợ nên phải nâng cấp hoặc thay thế”, anh Sơn cho hay.

Giám đốc VNNIC Trần Minh Tân đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả triển khai IPv6 của FPT Online/ báo VnExpress trong năm 2017. Ông nhận xét VnExpress là đơn vị tiêu biểu, cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ nội dung đầu tiên chuyển đổi thành công cho một loạt website nội dung của đơn vị.

Ông Trần Minh Tân khuyến khích FPT Online/VnExpress tiếp tục hoàn tất công tác chuyển đổi, đảm bảo hệ thống an toàn và ổn định; Thực hiện gán nhãn IPv6 Ready logo cho các website đã chạy IPv6 và cập nhật thường xuyên lên chuyên trang Vietnam IPv6 Ready do Thường trực Ban thiết lập và duy trì.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác truyền thông cho kết quả triển khai IPv6 thành công của VnExpresss; Triển khai IPv6 cho nội bộ; Tích cực tham gia chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi dịch vụ nội dung cho các báo điện tử Việt Nam trong các sự kiện sắp tới và cuối cùng là thúc đẩy FPT Online tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ nội dung số khác, bên cạnh báo điện tử, trong các kế hoạch năm 2018 cũng như Giai đoạn 3 của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

Địa chỉ IPv6 (Internet protocol version 6) là thế hệ địa chỉ Internet phiên bản mới được thiết kế để thay thế cho phiên bản địa chỉ IPv4 trong hoạt động Internet. Với 32 bit chiều dài, không gian IPv4 gồm khoảng 4 tỷ địa chỉ cho hoạt động mạng toàn cầu.

Trong khi đó, địa chỉ IPv6 có chiều dài 128 bit, biểu diễn dưới dạng các cụm số hexa phân cách bởi dấu ::, ví dụ 2001:0DC8::1005:2F43:0BCD:FFFF. Với 128 bit chiều dài, không gian địa chỉ IPv6 gồm 2128 địa chỉ, cung cấp một lượng địa chỉ khổng lồ cho hoạt động Internet.Chương trình làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp tiêu biểu về nội dung thúc đẩy ứng dụng địa chỉ IPv6 được thực hiện nhằm đẩy mạnh hơn nữa kết quả triển khai ứng dụng thực tế về giao thức IPv6, thực hiện mục tiêu đưa dịch vụ IPv6 tới người sử dụng.

Đức Anh

Ý kiến

()