Chúng ta

VnExpress - đơn vị nội dung số đầu tiên chuyển đổi thành công IPv6

Chủ nhật, 6/5/2018 | 13:54 GMT+7

FPT Online, đơn vị vận hành báo điện tử VnExpress.net, hoàn tất quá trình chuyển đổi sang IPv6 từ cuối 2017, sớm hai năm so với lộ trình đặt ra.

Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, sự bùng nổ về dịch vụ tiện ích trên mạng viễn thông và Internet là điều tất yếu, đặc biệt tại thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam và khu vực đông dân cư như châu Á. Để đáp ứng sự phát triển ấy, mạng truyền thông cần phải có khả năng linh hoạt cao, tốc độ truyền dẫn lớn, băng thông rộng, đa dịch vụ đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin của xã hội.

VNE-8976-1525426881-7668-1525489543.jpg

Kết quả lưu lượng IPv4 và IPv6 ghi nhận được tại VnExpress sau khi triển khai hoàn tất cuối năm 2017.

Trong bối cảnh đó, vấn đề lớn nhất mà thế giới phải đối mặt là sự cạn kiệt không gian địa chỉ IPv4. Giao thức IPv6 ra đời như một giải pháp công nghệ mới duy trì hoạt động Internet ổn định lâu dài trong tương lai, không những giải quyết được vấn đề cạn kiệt địa chỉ mà còn khắc phục được hạn chế của IPv4 cũng như cung cấp thêm những thuộc tính vượt trội khác.

Với vai trò là nhà cung cấp nội dung lớn cùng mong muốn đem đến sản phẩm tốt nhất cho độc giả, ban lãnh đạo của VnExpress đã sớm thấy được những khó khăn, hạn chế của IPv4 và sự cần thiết, lợi ích của IPv6, do đó kế hoạch chuyển đổi lên IPv6 đã nhận được sự đồng thuận cao.

Bắt đầu từ năm 2009, FPT Online nghiên cứu công nghệ và xin cấp phát địa chỉ IPv6 để chuẩn bị cho kế hoạch triển khai, bám sát lộ trình mà Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia - Trung tâm Internet Viet Nam đưa ra.

Tuy vậy, chuyển đổi IPv4 không đơn giản như đổi số điện thoại và cũng không thể diễn ra tức thì mà cần đến hàng năm. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng phòng Hạ tầng FPT Online, chia sẻ: "Ở giai đoạn chuẩn bị nhằm đánh giá thực trạng và tính sẵn sàng để chuyển sang IPv6, rào cản đầu tiên là trang bị kiến thức và đào tạo nhân lực khi mà thực tế chưa có doanh nghiệp nào triển khai, chưa có 'case study' để VnExpress có thể tham khảo".

Khó khăn thứ hai chính là chi phí đầu tư thiết bị do một số thiết bị trên hệ thống đang chạy không hỗ trợ IPv6. Đồng thời, đội ngũ kỹ thuật cũng phải nâng cấp các công cụ hỗ trợ quản trị cần thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho hệ thống mới trên nền IPv6 song song với hệ thống cũ trên nền IPv4.

Tuy vậy, thách thức lớn nhất chính là việc đảm bảo hệ thống báo và dịch vụ luôn thông suốt. "Với đặc thù của VnExpress là báo có lượng truy cập lớn cả ở Việt Nam và quốc tế nên phương án triển khai phải đảm bảo không gây gián đoạn cho độc giả", ông Sơn nói. "Vì vậy đội ngũ kỹ thuật đã xây dựng một hệ thống mới phục vụ riêng cho IPv6, thử nghiệm nội bộ sau đó mở rộng từng phần".

IP-02-6418-1525426881-4418-1525489543.jp

Ông Nguyễn Văn Ngọc, quản lý kỹ thuật bộ phận nội dung số của FPT Online.

Trong giai đoạn khởi động, từ 2013 đến 2015, FPT Online triển khai chạy thử nghiệm IPv6 trên một số sản phẩm nội bộ trong công ty. Giai đoạn triển khai thực tế bắt đầu từ 2016 đến 2019 với việc chuyển đổi các trang web chính như VnExpress.net, Ngoisao.net... Vượt qua những khó khăn khi là một trong những đơn vị tiên phong, FPT Online đã hoàn tất quá trình từ cuối năm 2017, trở thành đơn vị nội dung số đầu tiên chuyển đổi thành công IPv6 sớm hơn hai năm so với kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 cũng như kế hoạch ban đầu gửi Ban công tác thúc đẩy quốc gia về IPv6.

Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, quản lý kỹ thuật bộ phận nội dung số của FPT Online, trong tổng lượng traffic tới các trang báo và dịch vụ mà FPT Online vận hành, có 10,3% là IPv6. Tỷ lệ IPv6 đến từ Việt Nam chiếm 76,92%, Mỹ là 17,02%, Nhật Bản và Canada đạt trên 1%. Trong tổng số traffic quốc tế, có hơn 27,5% là IPv6, trong khi đó tỷ lệ này với traffic Việt Nam đạt 8,55%.

"Tỷ lệ hơn 10% traffic IPv6 mà FPT Online cũng như VnExpress đạt được là con số đáng kích lệ đối với một đơn vị nội dung quy mô lớn", ông Trần Minh Tân, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam, Phó trưởng Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, đánh giá. Theo ông Tân, VnExpress là đơn vị đi đầu vì không chỉ theo sát lộ trình chuyển đổi của quốc gia mà còn chủ động nghiên cứu nhằm rút ngắn thời gian triển khai.

Ngày 4/5, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 Quốc gia tổ chức Hội thảo IPv6 với 4G LTE và Dịch vụ Nội dung" tại Hà Nội nhằm chia sẻ bài học kinh nghiệm, lộ trình kế hoạch của các đơn vị trong việc triển khai IPv6.

Hiện tỷ lệ IPv6 toàn cầu đạt khoảng 22%, tăng trưởng bình quân 200% mỗi năm. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ chuyển đổi IPv6 mạnh mẽ, trong đó Australia, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam là những quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng IPv6 tốt. Tính đến đầu tháng 4/2018, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 12%, với tốc độ tăng trưởng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện Việt Nam đứng thứ ba khu vực Đông Nam Á, thứ 7 châu Á với hơn 4,8 triệu người dùng.

>> Viễn thông FPT và VnExpress khai màn FQ 2018

Theo VnExpress

Ý kiến

()