Chúng ta

VIISA hấp dẫn nhiều start-up ngoại

Thứ bảy, 12/8/2017 | 11:29 GMT+7

Vượt qua 160 công ty, 12 start-up đến từ các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Hàn Quốc, Ukraina… đã được Chương trình tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) FPT, Dragon Capital Group và Tập đoàn Hanwha lựa chọn vào khóa đào tạo thứ hai.

Trước khi đến Việt Nam, Yaroslav - Founder DentalTap đến từ Ukraina (start-up về phần mềm dựa trên điện toán đám mây cung cấp dịch vụ cho các nha sĩ), đã tìm hiểu nhiều nước như Trung Quốc, Indonesia, Thái lan. Tuy nhiên, anh nhận thấy không có nơi nào hội tụ đủ nhiều tiềm năng khởi nghiệp như ở Việt Nam và phù hợp với lĩnh vực mình tham gia.

20793176-10155669508930742-338-8005-7913

Các nhà sáng lập các tổ chức khởi nghiệp quan tâm đến VIISA.

“Việt Nam là một quốc gia cởi mở, thân thiện và rất nhanh tiệp cận cái mới. Mạng xã hội và các ứng dụng CNTT phát triển nhanh chóng là một tiền đề rất thuận lợi cho các start-up phát triển. Bên cạnh đó, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ở một nước đang phát triển có tốc độ đô thị hoá cao, nhu cầu nâng cao chất lượng cuộc sống ở Việt Nam cũng rất lớn nên các sản phẩm start-up hướng đến cải thiện đời sống có nhiều cơ hội phát triển”, Yaroslav chia sẻ về lý do chọn Việt Nam làm nơi khởi nghiệp.

Founder cho biết mặc dù mới về Việt Nam được hơn một tuần nhưng VIISA đã giúp đỡ start-up này rất nhiều trong việc liên hệ với các bệnh viện, đối tác và khẳng định “những hoạt động này nếu không được giúp đỡ thì chắc chắn start-up sẽ thất bại”.

Một start-up ngoại khác là CID AUTO (nền tảng bán xe hơi trên điện thoại sử dụng công nghệ video) đến từ Hàn Quốc cũng đầu quân cho VIISA. Miguel Alba, CTO CID Auto, cho biết start-up này bị VIISA hấp dẫn không chỉ bởi số tiền đầu tư mà còn là những hỗ trợ về mạng lưới công việc, kinh nghiệm kinh doanh…

Kim Lâm, CTO Xpath.co (start-up về du lịch của Việt Nam), nhận định khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp là không biết mình đang làm một việc đúng hay sai, quyết định của mình sẽ đi về đâu. Tuy nhiên, ở VIISA, anh được trao cho cơ hội thử và sai, sai rồi lại thử. “VIISA mang đến cho tôi nhiều cơ hội lớn hơn nữa như biết đến cộng đồng start-up rộng lớn để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, cảm xúc… Điều đó giúp tôi vượt qua được những khó khăn về tinh thần và cả về công việc, giảm thiểu rủi ro sai lầm. Các mentor cũng là những người giàu kinh nghiệm giúp tôi phát triển kế hoạch kinh doanh. Qua 3 tháng tham gia VIISA, tôi biết thêm được rất nhiều người, có được nhiều sự trợ giúp cho start-up của tôi trưởng thành từng ngày”, Kim Lâm nhấn mạnh.

Các start-up được chọn vào chương trình tăng tốc sẽ được VIISA đầu tư 15.000 USD tiền mặt cùng khoản dịch vụ trị giá 15.000 USD, bao gồm các khóa đào tạo, nguồn lực kỹ thuật, chỗ ở văn phòng, tiếp cận với hơn 100 nhà tư vấn và quỹ đầu tư. Các đội có triển vọng cũng sẽ nhận được khoản đầu tư bổ sung trị giá 200.000 USD. Các công ty khởi nghiệp tham gia khóa 2 dự kiến tốt nghiệp vào ngày 24/10/2017 tại Ngày Đầu tư VIISA, với sự tham dự của các nhà đầu tư, đối tác và khách mời uy tín.

Trước đó, vào tháng 1/2017, khóa đầu tiên của chương trình tăng tốc đã diễn ra với sự tham gia của 8 start-up Việt Nam.

Danh sách 12 start-up của VIISA khóa 2:

1. SAIGONEER (Việt Nam): Cung cấp cho các thương hiệu địa phương một nền tảng để chia sẻ những câu chuyện và dịch vụ của họ đến các đối tượng khách hàng có mong muốn cao.

2. CRICKETONE (Việt Nam): Cung cấp cho thế giới các sản phẩm protein được sản xuất bền vững dựa trên ứng dụng công nghệ Internet kết nối vạn vật.

3. MARKETOIi (Việt Nam): Cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi theo yêu cầu.

4. CYFEER (Việt Nam): Xây dựng những giải pháp điện tử cho quản lý chung cư và tòa nhà.

5. DENTALTAP (Ukraine): Phần mềm dựa trên điện toán đám mây như là một dịch vụ cho các nha sĩ.

6. AUTHENTIC GUARDS (Indonesia): Bảo vệ các thương hiệu chống lại hàng giả dựa trên giải pháp công nghệ.

7. MOJITOK (Hàn Quốc): Sản phẩm trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) giúp chuyển tải những cảm xúc trong giao tiếp thành stickers.

8. ELLA STUDY (Việt Nam): Nền tảng trực tuyến kết nối sinh viên Việt Nam với cựu sinh viên các trường đại học ở nước ngoài.

9. CID AUTO (Hàn Quốc): Nền tảng bán xe hơi trên điện thoại di động đầu tiên sử dụng công nghệ video.

10. INTERVIEW.VN (Việt Nam): Nền tảng để đào tạo và tìm việc làm trực tuyến.

11. WESPORT (Việt Nam) Kết nối những người đam mê thể thao với các phương tiện thể thao.

12. XPATH.CO (Việt Nam): Mang lại những kinh nghiệm địa phương cho khách du lịch sành điệu.

Bích Hải

Ý kiến

()