Chúng ta

Trí tuệ nhân tạo 'học' con người thế nào

Thứ sáu, 17/11/2017 | 08:48 GMT+7

Trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng học hỏi không giới hạn, thậm chí có thể giải quyết các vấn đề mà người bình thường không làm được.

Trí tuệ nhân tạo là gì?

Ngày nay, Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) ngày càng phổ biến, đặc biệt là khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần. Tuy nhiên, thuật ngữ "trí tuệ nhân tạo" được đề cập lần đầu tiên vào thập niên 1950 bởi John McCarthy (1927-2011).

Robot có thể học các hành vi con người nhờ trí tuệ nhân tạo.

Robot có thể học các hành vi con người nhờ trí tuệ nhân tạo.

Có thể hiểu một cách đơn giản, AI là trí tuệ của máy móc do con người lập trình nên nhằm giúp máy móc có thể học hỏi, từ đó tự động hóa các hành vi như con người. Nó liên quan đến cách cư xử, sự học hỏi và khả năng thích ứng của máy móc, từ đó, có thể tự lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi.

Hiện tại, AI được ứng dụng ở một số lĩnh vực, như phần mềm nhận dạng chữ viết, tiếng nói, trợ lý ảo trên smartphone, dịch thuật tự động, xe tự lái... Tuy nhiên, nó còn có rất nhiều công dụng khác, giúp cuộc sống con người ngày càng trở nên dễ dàng.

AI 'học hỏi' như thế nào?

Như đã đề cập, AI được hình thành bằng ngôn ngữ lập trình, tồn tại bên trong một hệ thống máy tính nào đó. Tuy nhiên, thay vì được định sẵn một (hoặc một vài) tính năng, nó có thể ghi nhận tình huống thực tế, lưu vào bộ nhớ và sau đó có thể vận dụng để thực hiện công việc hoặc giải quyết vấn đề tương tự trong tương lai mà không cần phải lập trình thêm.

 
Sophia - robot đầu tiên được cấp quyền công dân. Video: CNBC

Dễ hình dung nhất về AI là trợ lý ảo Google Now, Siri trên iPhone hay Cortana trong Windows… Ban đầu, chúng chỉ có thể chào hỏi những câu cơ bản được tích hợp sẵn. Nhưng theo thời gian, trợ lý ảo này có thể gợi ý các thói quen mà chủ nhân thiết bị thường làm, như đi đâu, làm gì, món ăn yêu thích… Hay dịch vụ dịch thuật trực tuyến như Google Translate, Microsoft Translator cũng thu thập từ vựng dựa trên đóng góp của người dùng toàn thế giới, sau đó phân tích và cho ra câu dịch tối ưu nhất thông qua AI.

Tuy nhiên, AI còn có khả năng cao siêu hơn thế. Một số robot hiện nay, như Sophia (vừa được cấp quyền công dân) đã có thể tự giao tiếp với con người và không ngừng học hỏi để có thể bổ sung vốn kiến thức. Theo Jim Breyer, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty đầu tư Breyer Capital, robot tích hợp AI có thể học hỏi với tốc độ ngang ngửa với con người chỉ trong vòng 30 năm nữa, sớm nhất vào năm 2050.

Ứng dụng thực tiễn

AI xuất hiện trên hầu hết các lĩnh vực công nghệ, trong đó có smartphone. Mới nhất, Apple đã đưa AI vào chip xử lý A11 Bionic của mình, hỗ trợ nhận diện khuôn mặt Face ID cho không chỉ bảo mật thiết bị, mà còn có thể dùng để bảo vệ và sử dụng các ứng dụng khác an toàn hơn. Tại sự kiện ra mắt iPhone X, Phó chủ tịch mảng tiếp thị Apple Phil Schiller cũng nhấn mạnh hệ thống với sự có mặt của AI có độ bảo mật cực cao, chỉ có thể bị vượt qua với tỷ lệ một phần triệu.

với lĩnh vực y tế, AI có thể xử lý dữ liệu của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị, xử lý dữ liệu để tự học hỏi, khả năng trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh từ xa

Với lĩnh vực y tế, AI có thể xử lý dữ liệu của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị, xử lý dữ liệu để tự học hỏi, khả năng trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh từ xa.

Không chỉ smartphone, AI được ứng dụng ở rất nhiều lĩnh vực khác. Phổ biến nhất là camera thông minh. Không chỉ giám sát, hệ thống camera này còn kiêm nhiều chức năng như đo đếm người, tự động nhận dạng người đã vào một hoặc nhiều lần, định danh người đó là ai (người quen, người lạ, tội phạm), phát hiện sự kiện, hành vi một cách chính xác… sau đó ghi nhận và báo cáo hoàn toàn tự động.

Ở lĩnh vực nhà thông minh, AI là một phần không thể thiếu khi nó có thể được ứng dụng để điều khiển camera, các thiết bị gia dụng, chiếu sáng, tưới tiêu… Hay với lĩnh vực y tế, AI có thể xử lý dữ liệu của bệnh nhân để đưa ra phác đồ điều trị, xử lý dữ liệu để tự học hỏi, khả năng trả lời các câu hỏi về chẩn đoán bệnh từ xa thay vì đến bệnh viện, từ đó giúp cả bệnh nhân và bác sĩ tiết kiệm được thời gian.

 
Apple nói về nhận dạng khuôn mặt trên iPhone X. Video: Cnet. 

Ngoài ra, AI còn được áp dụng cho xe tự lái, máy bay không người lái, robot chuyên dụng (đào hầm, khai thác tài nguyên khoáng sản) hay đơn giản hơn là để quản lý các chính sách, an sinh xã hội… Như vậy, AI ảnh hưởng đến khá nhiều lĩnh vực trong đời sống, từ giao thông, y tế, an ninh, quốc phòng, ngân hàng cho tới thời trang, ẩm thực, âm nhạc… Đó là lý do vì sao những Apple, Google, IBM, Microsoft… và các công ty công nghệ lớn khác đang có mối quan tâm rất lớn đến AI.

Tiềm năng và nguy cơ

Với AI, con người sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công việc cũng dễ dàng hơn rất nhiều, bởi hệ thống không chỉ kiêm nhiệm các công việc đề ra, mà còn có thể tự học hỏi, từ đó xử lý dữ liệu ở mức rộng lớn hơn, quy mô hơn, hệ thống, khoa học và nhanh hơn so với con người. Thậm chí, nó sẽ giúp giải quyết được các vấn đề mà đầu óc người bình thường không thể làm được.

Trí tuệ nhân tạo có thể giúp con người, nhưng cũng có thể hủy diệt loài người.

Trí tuệ nhân tạo có thể giúp con người, nhưng cũng có thể hủy diệt loài người.

Tuy nhiên, kèm theo đó là mối lo ngại đến một ngày AI sẽ trở nên thông minh hơn bất kỳ người nào trên Trái đất, nhất là sau khi phần mềm Alpha Go của nhóm Google Deep Mind giành 4 trận thắng trong tổng số 5 trận trước huyền thoại cờ vây Lee Se-dol (Hàn Quốc) năm 2016, hay xa hơn là siêu máy tính Deep Blue của IBM đã đánh bại đại kiện tướng cờ vua Garry Kimovich Kasparov (Nga) năm 1997. Các chuyên gia như Stephen Hawking, Elon Musk, Bill Gates… đều hơn một lần bày tỏ sự lo ngại đến một ngày, robot sử dụng AI để kiểm soát trở lại loài người.

Tất nhiên, đây chỉ là sự lo lắng trong tương lai xa. Còn hiện tại, AI vẫn hỗ trợ con người thực hiện rất nhiều công việc ở các lĩnh vực đời sống. Trí tuệ nhân tạo thực sự có khả năng tự kiểm soát hệ thống để xây dựng những chức năng mới, vượt qua tầm kiểm soát của con người giống như trong những bộ phim khoa học viễn tưởng hay không, chỉ thời gian và tiến bộ công nghệ mới trả lời được.

Theo VnExpress

Ý kiến

()