Chúng ta

Trí tuệ nhân tạo có thể bảo vệ con người như thế nào

Thứ tư, 20/9/2017 | 17:35 GMT+7

Gạt bỏ nỗi lo trí tuệ nhân tạo (AI) "đánh cắp" việc làm, trên thực tế các ứng dụng công nghệ tiên tiến đang bảo vệ con người theo nhiều cách khác nhau.

Cùng với đột phá về khoa học công nghệ, danh sách các công việc robot có thể làm và làm tốt hơn con người trong tương lai được dự đoán sẽ ngày càng nhiều hơn. Theo India Times, AI và viễn cảnh máy móc xuất hiện trong nhiều công ty đã làm dấy lên mối lo ngại về tác động của khoa học công nghệ với lực lượng lao động. Không ít nghiên cứu đưa ra dự báo robot "cướp" việc làm của con người trong tương lai không xa.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Takeo Kanade của Đại học Carnegie Mellon, công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo (AI) đang bắt đầu hỗ trợ chúng ta trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách của thế giới, từ bệnh tật tới bạo lực. "Chúng ta không nên coi AI là "đối thủ" cạnh tranh, mà là thứ giúp chúng ta tăng cường các khả năng vốn có", ông nhận định.

1-5325-1505895008.jpg

AI lần theo tiếng súng nổ và định vị nơi xảy ra vụ nổ súng. Ảnh: ShotSpotter.

Đối phó với bệnh truyền nhiễm

Đối với hàng tỷ người trên thế giới, tiếng muỗi vo ve bên tai còn ám ảnh hơn vết muỗi cắn, bởi đó có thể là dấu hiệu báo trước dịch bệnh và thậm chí là cái chết. Muỗi vằn Aedes aegypti đã reo rắc nỗi kinh hoàng tới nhiều khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới với bệnh dịch sốt vàng da, sốt xuất huyết, virus Zika và chikungunya.

Rainier Mallol, kỹ sư máy tính tại Cộng hòa Dominica cùng bác sĩ Dhesi Raja từ Malaysia, đã phát triển thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán điểm bùng phát dịch có thể xảy ra, xuất phát từ loài muỗi như "quái vật nhỏ" này.

Hệ thống Aime tích hợp thời gian và địa điểm từ mỗi báo cáo đợt dịch mới với 274 yếu tố khác nhau như hướng gió, độ ẩm, nhiệt độ, mật độ dân số... từ đó xác định khả năng lây lan. Thử nghiệm tại Malaysia và Brazil cho thấy AI có thể dự đoán được trước ba tháng, với độ chính xác 88%. Hệ thống cũng có thể xác định tâm điểm của đợt bùng phát dịch trong phạm vi 400 m, giúp cán bộ y tế can thiệp kịp thời.

Các chuyên gia đang thử nghiệm AI để dự đoán dịch Zika và chikungunya. Nhiều công ty công nghệ lớn cũng đang theo đuổi mục tiêu này. Có thể kể đến dự án dùng máy bay không người lái của Microsoft để định vị "ổ" muỗi, robot tự động phun khí và bẫy ánh sáng để thu thập mẫu côn trùng. AI sẽ phân tích mẫu ADN từ muỗi và các loài bị cắn để tổng hợp dữ liệu, giúp truy lùng mầm bệnh.

Ngăn chặn súng đạn

Năm 2016, 15.000 người đã thiệt mạng vì bạo lực súng đạn ở Mỹ. Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia và chính quyền thành phố đã tìm đến giải pháp công nghệ, trong đó có ShotSpotter.

ShotSpotter sử dụng cảm biến âm thanh để dò tiếng súng và ứng dụng thuật toán để xác định vị trí trong phạm vi 25 m. Trong vòng 45 giây sau khi kích hoạt, nó có thể định vị nơi xảy ra súng nổ và báo cảnh sát. Công nghệ cũng được dùng để xác nhận tiếng súng và đếm số lần nổ súng, giúp cảnh sát lường trước khả năng đối mặt với một hay nhiều tay súng.

90 thành phố trên thế giới, bao gồm cả ở Mỹ và Nam Phi, Nam Mỹ, đang sử dụng ShotSpotter. Các hệ thống nhỏ hơn được triển khai tại khuôn viên 9 trường đại học ở Mỹ. Mật vụ Mỹ cũng lắp hệ thống này tại Nhà Trắng.

2-4949-1505895008.jpg

DeepMind có thể giúp bác sĩ trong việc điều trị ung thư. Ảnh: DeepMind.

Phòng chống ung thư và mất thị lực

Theo số liệu thống kê, 14 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và căn bệnh quái ác này cướp đi sinh mạng của hơn 8,8 triệu người mỗi năm. Phát hiện ung thư sớm có thể cải thiện tỷ lệ sống sót của bệnh nhân và hạn chế nguy cơ tái phát. Hiện nay, tầm soát âm thư là một trong những phương pháp quan trọng nhất để xác định ung thư, nhưng lại mất khá nhiều thời gian.

Cả hai công ty DeepMind và IBM đều đã ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực này. Deepmind bắt tay cùng Cơ quan Y tế Quốc gia Anh để đào tạo AI khoanh vùng các mô khỏe mạnh trong khối u ở đầu và ổ, đồng thời hợp tác với bệnh viện mắt Moorfields ở London để phát hiện dấu hiệu suy giảm thị lực.

Theo người đứng đầu nghiên cứu Dominic King, công nghệ AI giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhanh hơn so với cách thông thường.Trong khi đó, công cụ Watson AI của IBM có thể phân tích hình ảnh và đánh giá dữ liệu liên quan đến bệnh nhân và "bắt bệnh" chính xác 96%. Hệ thống đang được thử nghiệm tại 55 bệnh viện khắp thế giới, hỗ trợ chẩn đoán ung thư vú, phổi, đại tràng, cổ tử cung, dạ dày, tuyến tiền liệt.

Kiểm soát nạn đói

Khoảng 800 triệu người trên thế giới vẫn đang sống bằng nguồn lương thực duy nhất là củ sắn. Tuy nhiên, loài cây này dễ bị sâu bệnh và ảnh hưởng đến các loài khác. Theo BBC, nhóm nghiên cứu Đại học Makerere, Uganda, đã phát triển hệ thống tự động có chức năng đối phó với sâu bệnh ở cây sắn. Với dự án Mcrops, nông dân sẽ chụp ảnh cây trồng của mình và dùng phần mềm máy tính để phát hiện 4 loại bệnh chính ảnh hưởng đến năng suất.

Thông thường, nông dân phải chờ chuyên gia chính phủ tới xác định bệnh cho cây và quy trình kéo dài vài ngày tới vài tuần. Trong khi đó, AI cũng có thể làm được điều này với chính xác 88%, nhờ vậy, nông dân biết cách xử lý kịp thời và nhanh chóng, theo chuyên gia công nghệ Ernest Mwebaze.

Nhờ hệ thống hình ảnh có sẵn, MCrops cũng xác định được đợt bùng phát dịch. Mwebaze và đồng nghiệp hy vọng công nghệ mới cũng "chẩn bệnh" ở cây chuối và tự động phát hiện nhiều loại sâu bệnh hại cây trồng khác.

Anh Anh

Ý kiến

()