Chúng ta

TopDev: Kỹ sư cầu nối lương ngang ngửa Giám đốc công nghệ

Thứ ba, 3/1/2017 | 11:18 GMT+7

Lương kỹ sư cầu nối là 100 triệu đồng trong khi Giám đốc Công nghệ nhỉnh hơn chút, 120 triệu động/tháng, là hai chi tiết thú vị trong báo cáo nhân sự CNTT Việt Nam vừa được công bố.

Chuyên trang TopDev vừa đưa ra bản báo cáo về thị trường Developer (lập trình viên) tại Việt Nam trong năm 2016. Bản báo cáo đánh giá đầy đủ nhiều mặt của ngành, trong đó có những thông tin rất thú vị, bao gồm: độ tuổi của các lập trình viên, các công nghệ phổ biến dành cho các nền tảng, tình trạng tuyển dụng... và đặc biệt là mức lương của các nhân sự làm trong ngành công nghệ thông tin, dao động từ 8 triệu đến 120 triệu đồng.

Cụ thể, mức lương bình quân của các lập trình viên tại Việt Nam năm qua dao động từ 10 triệu đồng đến 25 triệu đồng mỗi tháng. Mức lương cao nhất trong ngành này được ghi nhận ở vị trí Giám đốc Hệ thống thông tin (CIO) với 120 triệu đồng mỗi tháng. Xếp ngay sau là kỹ sư cầu nối (BrSE), dao động từ 45 triệu đến 100 triệu đồng mỗi tháng.

kul-news-toan-canh-thi-truong-7165-3898-

Mức lương các vị trí trong ngành CNTT. Nguồn: TopDev.

Kỹ sư cầu nối (BrSE, thường là với thị trường Nhật) giữ vai trò tìm hiểu yêu cầu từ các doanh nghiệp Nhật, mang những thông tin đó về Việt Nam và truyền đạt cho những kỹ sư không biết tiếng và quản lý tiến trình phát triển phần mềm. Ở FPT Software đang có các kỹ sư cầu nối làm việc cho các dự án và chương trình 10.000 Kỹ sư cầu nối (10K BrSE), là dự án đưa người sang Nhật tập huấn nhằm đạo tào ra những kỹ sư phần mềm am hiểu tiếng Nhật và văn hóa Nhật.

Các vị trí khác như lập trình viên, quản lý CNTT (IT Manager), quản trị hệ thống (System Admin), nhân viên hỗ trợ kỹ thuật (IT HelpDesk)… khoảng 8-40 triệu đồng.

Báo cáo của TopDev cho hay, ngành CNTT có tỷ lệ thất nghiệp thấp và nhân sự đang có thu nhập khá tốt trong năm qua. Lý giải điều này, TopDev cho rằng các công ty start-up đang nở rộ về số lượng khiến nhu cầu tuyển dụng lập trình viên gia tăng. Cùng với đó, một trong những đề tài được nhắc đến nhiều nhất là thiếu hụt nhân sự có tay nghề cao. Nhân sự cấp cao khan hiếm khiến nhiều doanh nghiệp có nhiều hoạt động tuyển dụng đa dạng để thu hút nhân tài và đưa ra các chế độ lương thưởng phù hợp nhằm giữ chân nhân viên, đáp ứng các hướng đi dài cho công ty.

luong-brse-JPG-9636-1483415658.jpg

Hiện nay, tùy thuộc vào năng lực chuyên môn và khả năng tiếng Nhật, một kỹ sư cầu nối tiếng Nhật có thể được doanh nghiệp trả mức thu nhập từ 2.000 USD đến 3.000 USD một tháng (tương đương 43 - 65 triệu đồng một tháng). Ví như FPT Software, năm 2015, đơn vị có hơn 50% doanh thu đến từ thị trường Nhật Bản, từ năm 2015 đã trả cho các kỹ sư cầu nối làm việc tại đây là 4,2 triệu Yên Nhật một năm (tương đương 740 triệu đồng một năm). Ảnh: FSO.

Điển hình là FPT Software, trong khoảng 2 tháng cuối năm 2016, đơn vị cần tuyển khoảng 1.500 người, đặc biệt là nhân sự có kinh nghiệm ở tất cả các vị trí từ kỹ sư công nghệ (C++, Java,.Net…), kinh doanh, đến quản trị dự án, chuyên gia tư vấn giải pháp… Phần mềm FPT đưa ra các chính sách hấp dẫn về thu nhập để hút các ứng viên, đặc biệt là đối với các ứng viên có kinh nghiệm từ 2 - 3 năm trở lên. Trong đó: hơn 50% vị trí có mức thu nhập dao động trong khoảng từ 1.000 – 1.500 USD/tháng và có tới 20% vị trí có mức thu nhập từ 2.000 USD/tháng trở lên.

Chẳng hạn, ở vị trí phát triển ứng dụng Mobile, ngoài mức thu nhập hấp dẫn 1.500 USD/tháng còn được cộng thưởng cuối năm, thưởng theo dự án. Còn đối với vị trí Kỹ sư cầu nối (BrSE) có tiếng Nhật N2, kinh nghiệm 2 năm về một trong các ngôn ngữ lập trình C++/design Analog/ Java/ Mobile sẽ có cơ hội đi làm việc dài hạn tại Nhật Bản với mức thu nhập từ 2.800 - 3.000USD/tháng.

Không chỉ mức thu nhập hấp dẫn, FPT Software còn sẵn sàng “thưởng nóng” cho ứng viên ngay khi trúng tuyển. Theo anh Trần Xuân Khôi, Giám đốc Phát triển Nguồn nhân lực FPT Software, với các ứng viên có 3-5 năm kinh nghiệm về C/C++ đáp ứng yêu cầu của vị trí Senior C++, công ty sẵn sàng thưởng 2 tháng thu nhập, tương đương khoảng 30-80 triệu đồng, ngay sau khi ký hợp đồng chính thức. Cạnh đó, người giới thiệu ứng viên thành công cũng được nhận thưởng của công ty.

TopDev chỉ ra, ngôn ngữ lập trình phổ biến, được nhiều lập trình viên sử dụng nhất trong năm 2016 vẫn là JavaScript. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển nền tảng sang di động cũng chứng kiến sự lên ngôi của Android và iOS, 2 hệ điều hành trên di động lớn nhất hiện nay.

Theo báo cáo, năm 2016, đa phần lập trình viên tại Việt Nam có việc làm. 91% lập trình viên trong lực lượng lao động "được trả lương ngay theo việc", bao gồm cả làm việc toàn thời gian, làm tự do và tự làm chủ. Số lượng lập trình viên vẫn chủ yếu phân bố ở hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội, với tỷ lệ lần lượt chiếm 65% và 30%.

Thống kê cho thấy, hiện kinh nghiệm bình quân của nhân sự ngành IT tại Việt Nam là 3,5 năm. Tuy nhiên, số năm này tương ứng với số năm làm việc chuyên nghiệp của họ. Cùng với đó, hiện có gần 93% lập trình viên tại Việt Nam là nam giới. Số lập trình viên nữ chỉ chiếm chưa đầy 6%, còn lại là giới tính khác hoặc không tiết lộ.

>> 'Chỉ ra nước ngoài mới đạt mức tăng trưởng cao'

Chi Vy

Ý kiến

()