Chúng ta

Tiếp cận xu hướng công nghệ mới khi tham gia SMAC Challenge

Thứ sáu, 9/10/2015 | 09:58 GMT+7

Đại diện các đội tham gia cuộc thi viết ứng dụng do FPT tổ chức đều kỳ vọng, ngoài kiến thức cơ bản, chương trình sẽ giúp thí sinh được nắm bắt những xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới.

Chiều ngày 8/10, đại diện các đội dự SMAC Challenge gặp mặt offline để lắng nghe BTC chia sẻ về kế hoạch sắp tới. Đây là năm đầu tiên cuộc thi được triển khai trên cả hai miền Nam - Bắc, thu hút gần 70 hồ sơ đăng ký. Qua xét duyệt hồ sơ, BTC đã lọc ra danh sách 48 đội đi tiếp với 26 đội ở Hà Nội và 22 đội ở TP HCM.

Trưởng Ban Truyền thông FPT (FCC) kiêm Trưởng BTC Bùi Nguyễn Phương Châu chia sẻ: "Hiện nay, FPT đang là khách hàng, đối tác của những tập đoàn tạo ra công nghệ mới. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn cuộc thi này sẽ tạo sân chơi để mang tới cơ hội tiếp xúc với các xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới cho các bạn trẻ".

Chị Châu cũng nhấn mạnh, vai trò của thí sinh trong SMAC Challenge cần chủ động học hỏi, đưa ra những vấn đề chưa nắm rõ để được giải đáp, hỗ trợ. Và hơn hết, quá trình nghiên cứu, sáng tạo tại cuộc thi sẽ mang tới cho mỗi người sự trải nghiệm thú vị.

Hiện nay, SMAC với sự bùng nổ của nó được xem là bước chuyển mình của ngành công nghệ thế giới. Theo anh Lê Ngọc Tuấn, Ban Công nghệ FPT (FTI), cuộc thi này cũng là cơ hội để các bạn trẻ phát triển những sản phẩm và ứng dụng tiên tiến mang tầm quốc tế.

Hiện nay, SMAC với sự bùng nổ của nó được xem là bước chuyển mình của ngành công nghệ thế giới. Theo anh Lê Ngọc Tuấn, Ban Công nghệ FPT (FTI), cuộc thi này cũng là cơ hội để các bạn trẻ phát triển những sản phẩm và ứng dụng tiên tiến mang tầm quốc tế.

Lần đầu tiên tham gia SMAC Challenge, Phạm Văn Hải, đại diện nhóm PDSun (Đại học Phương Đông), mới chỉ đưa ra ý tưởng về việc xây dựng robot gia đình ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt thông qua giọng nói. "Kiến thức của nhóm em gần như bằng 0. Vì thế, em muốn cuộc thi này sẽ giúp nhóm có thêm kiến thức và trải nghiệm công nghệ mới".

Theo Hải, SMAC Challenge là cuộc thi hữu ích cho sinh viên. Ngoài những giá trị đem lại về cơ hội phát triển, đây cũng là sân chơi khơi dậy tính chủ động và đam mê nghiên cứu.

Không đặt nặng vấn đề giải thưởng, Nguyễn Văn Tân, đại diện Đội AWI (ĐH CNTT, ĐHQG TP HCM), đánh giá, cuộc thi viết ứng dụng bằng giọng nói của FPT là một thử thách lớn khi được giao lưu, làm việc với những người tài giỏi. Với việc tham gia lần này, qua quá trình vận dụng kiến thức đã biết vào thực tế, Tân hy vọng sẽ biết được những điểm mạnh yếu của bản thân để đưa ra những định hướng phấn đấu tiếp theo. Ngoài học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, Tân đề cao tính kết nối cộng đồng mà SMAC Challenge đem lại.

Sau buổi gặp này, các đội sẽ có thời gian đào tạo online trên hệ thống của cuộc thi. Một chương trình team building “Open SMAC Challenge Bắc Nam” sẽ được tổ chức vào các ngày 17-18/10 tại Hà Nội, 24-25/10 tại TP HCM, nhằm giúp thí sinh hiểu rõ hơn về cuộc thi. Tất cả quá trình này đều được tính điểm thành phần.

Với chủ đề “Số hóa giọng nói”, SMAC Challenge 2015 là cuộc thi đầu tiên tại Việt Nam tìm kiếm và phát triển các ý tưởng công nghệ tương tác bằng giọng nói. Ngoài giải thưởng bằng tiền mặt giá trị lớn, cuộc thi còn mang đến nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực công nghệ mới, cơ hội được Quỹ FPT Ventures rót vốn đầu tư cho các ứng viên.

SMAC Challenge là cuộc thi viết ứng dụng công nghệ thường niên, dành cho các bạn trẻ, do Tập đoàn FPT tổ chức. Sau 2 năm, cuộc thi thu hút được hàng nghìn thanh niên trên địa bàn Hà Nội tham gia. Năm 2015, FPT mở rộng phạm vi cuộc thi ra toàn quốc. Cuộc thi được tài trợ bởi Công ty HP Việt Nam (tài trợ Bạc) và Công ty Asus Việt Nam (tài trợ Đồng).

Năm 2014, đội FU-Agile (ĐH FPT) đã giành giải nhất SMAC Challenge. Trước đó, năm 2013, đội SRC PTIT đến từ Học viện Bưu chính Viễn thông đã trở thành nhà vô địch của SMAC Challenge mùa đầu tiên.

Lịch trình cuộc thi:

- Vòng tìm kiếm 16 đội dẫn đầu: Các đội qua vòng loại sẽ được cung cấp tài khoản Cloud để phục vụ cho việc phát triển sản phẩm, được đào tạo liên tục dưới hình thức trực tuyến (online). Đặc biệt sẽ có 2 ngày trải nghiệm tập trung để tham dự các vòng thi trí tuệ thú vị và được các chuyên gia công nghệ đào tạo, giải đáp thắc mắc, nghe giới thiệu về một số dự án công nghệ tiêu biểu. Trong quá trình đào tạo và trải nghiệm này, BTC sẽ tìm ra 16 đội xuất sắc nhất để vào vòng Bán kết.

- Bán kết (14-15/11): 16 đội sẽ demo sản phẩm đã hoàn thiện. 4 đội xuất sắc nhất được lựa chọn vào chung kết.

- Chung kết (16/11 - 19/12): Dự kiến, 4 đội sẽ được đào tạo kiến thức API về lập trình Robot dạng workshop, ghép ứng dụng trên robot ảo, thi đối kháng robot thực hiện yêu cầu mua sắm (robot shopping). Ngoài ra, các đội thi cũng đưa video clip giới thiệu về sản phẩm của mình lên mạng xã hội để người dùng bình chọn, đánh giá và cho điểm. Trận chung kết dự kiến diễn ra ngày 19/12.

- Cơ cấu giải thưởng gồm: Giải Nhất trị giá 100 triệu đồng; Giải Nhì 20 triệu đồng; 2 Giải Ba mỗi giải trị giá 15 triệu đồng. Ngoài ra, còn hàng trăm giải thưởng có giá trị khác như điện thoại di động, gói truyền hình Internet… được trao trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi.

Để đăng ký tham dự cuộc thi, thí sinh truy cập website http://smac.fpt.com.vn.

Thanh Nga

Ý kiến

()