Chúng ta

Thứ trưởng Bộ TT&TT: 'FPT Telecom đang làm tốt việc chuyển đổi IPv6'

Thứ ba, 21/7/2015 | 16:40 GMT+7

"FPT Telecom là một trong số ít những doanh nghiệp đi đầu và có kết quả khởi sắc trong việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc chuyển đổi hạ tầng quang, tích cực thực hiện việc cung cấp thử nghiệm dịch vụ trên nền tảng IPv6 cho khách hàng", Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đánh giá. 

Sáng 21/7, tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy, Hà Nội, đoàn Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã có buổi làm việc với FPT Telecom để rà soát đánh giá hiện trạng triển khai IPv6 năm 2015 của đơn vị.

Tham dự chương trình có ông Lê Nam Thắng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Trưởng ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia, đại diện Thường trực Ban Công tác - Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cùng đại diện của FPT Telecom và các doanh nghiệp. 

ip-top_1437454653.jpg

Thứ trưởng Lê Nam Thắng (giữa) đánh giá cao những kết quả FPT Telecom đã đạt được.

Với tốc độ tiêu thụ IPv4 nhanh nhất thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã chính thức hết IPv4 và chuyển sang áp dụng chính sách cấp IPv4 hạn chế từ 15/4/2011. Trong bối cảnh đó, việc triển khai IPv6 trở thành yêu cầu cấp thiết và bắt buộc nếu muốn duy trì hoạt động internet ổn định. Đây là một thách thức không nhỏ với các nhà viễn thông và nhà cung cấp dịch vụ internet toàn cầu. Hiểu được xu thế cấp thiết này, FPT Telecom luôn là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6.

TGĐ FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa nhấn mạnh việc chuyển sang IPv6 là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Hiện đơn vị đã thử nghiệm thành công IPv6 cho 90.000 hộ dân đang dùng dịch vụ của FPT Telecom và sẽ tiếp tục chuyển đổi đến 500.000 thuê bao vào năm 2016 nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng.

Thời gian qua, Ban Triển khai IPv6 FPT Telecom đã có nhiều hoạt động tích cực trong việc chuyển đổi sang giao thức mới như: Tham gia vào Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, xây dựng đề án chuyển đổi IPv6 cho mạng FPT Telecom, đào tạo cán bộ kỹ thuật của đơn vị về IPv6, tham gia các khóa đào tạo của VNNIC, phối hợp xây dựng bộ tiêu chuẩn IPv6 và cùng với các đơn vị kỹ thuật tiến hành thử nghiệm, chuyển đổi dịch vụ sang IPv6.

ip-2.jpg

TGĐ FPT Telecom Nguyễn Văn Khoa cam kết sẽ đẩy mạnh việc triển khai chuyển đổi IPv4-IPv6.

Tại buổi làm việc, anh Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT Telecom, đã báo cáo hiện trạng, các mốc triển khai, chính sách quảng bá, giải pháp, kinh nghiệm triển khai và lộ trình chuyển đổi IPv6 cho mạng lưới, dịch vụ của đơn vị.

Bên cạnh đó, anh Tú cũng chỉ ra những khó khăn FPT Telecom đang gặp phải, gồm: Một số hệ thống nội bộ cũ không hỗ trợ IPv6, các dịch vụ nội dung trong nước hỗ trợ IPv6 chưa nhiều và chi phí thay thế thiết bị ở phía đầu cuối khách hàng và các thiết bị cần nâng cấp.

Theo kế hoạch đề ra, giai đoạn 2016-2017, FPT Telecom sẽ hoàn thiện kết nối và chất lượng dịch vụ sử dụng IPv6. Đơn vị cũng đề xuất Bộ TT&TT đẩy nhanh tiến độ triển khai IPv6 cho các doanh nghiệp và xây dựng chương trình truyền thông cụ thể về giao thức này.

Ngoài ra, trong cuộc họp, đoàn Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia đã trao đổi về việc triển khai IPv6 tại FPT Telecom theo mục tiêu, kế hoạch giai đoạn 2 của Kế hoạch quốc gia. Cụ thể: Triển khai IPv6 cho người dùng cuối, khách hàng doanh nghiệp; Triển khai IPv6 cho các dịch vụ ứng dụng (website, e-mail...) và IDC; Thảo luận về khả năng sẵn sàng chuyển sang giai đoạn 3 của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 đối với FPT Telecom.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá cao việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 của FPT Telecom với lộ trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng, là một trong số ít những doanh nghiệp đi đầu và có kết quả khởi sắc trong việc chuyển đổi giao thức IPv6, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ thông qua việc chuyển đổi hạ tầng quang và tích cực thực hiện việc cung cấp thử nghiệm dịch vụ nền tảng IPv6 cho khách hàng.

Ông Lê Nam Thắng cũng bày tỏ sự đồng thuận với những đề xuất của FPT Telecom về bộ tiêu chuẩn IPv6, lộ trình mua sắm thiết bị CNTT tương thích với IPv6, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi và đẩy mạnh công tác truyền thông trong các cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp CNTT-Viễn thông. 

Đồng thời Thứ trưởng đề nghị đơn vị tích cực nghiên cứu kinh nghiệm của các nhà mạng lớn trên thế giới, làm tốt công tác truyền thông trong nội bộ các công ty thành viên FPT và trong tập khách hàng lớn hiện có về tính cấp thiết của IPv6 để giúp cho việc chuyển đổi IPv4 - IPv6 thuận lợi hơn

IPv6 là địa chỉ internet thế hệ mới với thiết kế chiều dài 128 bit cho phép đánh số địa chỉ internet lên tới con số gần như vô hạn là 2^128 địa chỉ (IPv4 chỉ gồm 2^32 địa chỉ). IPv6 cũng được thiết kế với những khả năng ưu việt đáp ứng nhu cầu của thế hệ mạng mới và hỗ trợ bảo mật vượt trội. Hiện tại, các cơ quan quản lý cũng đang làm việc với các doanh nghiệp internet để triển khai IPv6 cung cấp cho người dùng cuối.

Theo lộ trình chuyển đổi này, từ 2011-2012 là giai đoạn chuẩn bị nhằm đánh giá thực trạng và tính sẵn sàng của mạng lưới internet cho việc chuyển đổi sang IPv6, hình thành mạng thử nghiệm IPv6 quốc gia, tuyên truyền và trang bị kiến thức, đào tạo nhân lực cho việc chuyển đổi. Từ 2013-2015 là giai đoạn khởi động và 2016-2019 là giai đoạn chuyển đổi.

Tử Quyên

Ý kiến

()