Chúng ta

Thâu tóm mảng robot của Google, SoftBank muốn dẫn đầu công nghệ AI

Thứ ba, 13/6/2017 | 14:42 GMT+7

Ông lớn công nghệ Nhật chính thức mua hai công ty chế tạo robot nổi tiếng trên thế giới cho mục tiêu phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai.

Theo Reuters, hai công ty nằm trong danh sách thâu tóm mới nhất của Softbank là Boston Dynamics, công ty chế tạo robot của gã khổng lồ Alphabet - hãng mẹ của Google, và Schaft (trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản), chuyên thiết kế và sản xuất robot mô phỏng các hoạt động của con người. Cả Softbank, Boston Dynamics và Schaft đều không tiết lộ giá trị của các thương vụ này.

Boston-Dynamic-robot-3473-1497325478.jpg

Boston Dynamics về chung nhà SoftBank với loạt công ty robot khác. Ảnh: Forbes.

Masayoshi Son, Chủ tịch SoftBank, cho biết, robot thông minh sẽ trở thành động lực chủ chốt tiếp theo trong cuộc cách mạng thông tin, và Marc cùng nhóm nghiên cứu của ông tại Boston Dynamics rõ ràng đang đi tiên phong trong ngành công nghiệp robot. "Tôi rất vui mừng chào đón cả nhóm đến với gia đình Softbank. Chúng tôi rất mong đợi có thể hỗ trợ họ tiếp tục phát triển robot và khám phá thêm nhiều ứng dụng robot, giúp cuộc sống trở nên dễ dàng, an toàn và tốt hơn".

Đáp lại, ông Marc Raibert, CEO kiêm đồng sáng lập Boston Dynamics, khẳng định, công ty rất vui mừng khi được trở thành một bộ phận của Softbank, một công ty có tầm nhìn táo bạo và hứa hẹn sẽ tạo nên cuộc cách mạng công nghệ trong tương lai.

Gần đây, SoftBank đẩy mạnh chiến dịch thâu tóm để tăng khả năng nghiên cứu và phát triển. Tập đoàn này cũng ủng hộ quỹ Vision Fund trị giá 93 tỷ USD, quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới chuyên tìm kiếm và đầu tư vào các công nghệ dự kiến sẽ phát triển đáng kể trong tương lai gần, chẳng hạn như robot và trí thông minh nhân tạo.

Trong khi đó, Boston Dynamics là công ty có tuổi đời 25 năm được Google mua lại vào năm 2013. Hãng này chuyên sản xuất một số robot mô phỏng hoạt động của con người và động vật. Nổi bật nhất trong số này là Atlas, một robot hình người điều phối chuyển động và thăng bằng bằng tay chân, có thể tự đứng lên khỏi mặt đất khi bị ngã.

Google mua lại Boston Dynamics vào năm 2013, thời điểm kỹ sư Andy Rubin (cha đẻ hệ điều hành Android) vẫn đang mơ về các mẫu robot của tương lai. Tuy nhiên, khi Andy Rubin ra đi, Boston Dynamics không còn nằm trong chiến lược phát triển của Google trong tương lai. Nguồn tin thân cận tại Alphabet cho biết, công ty quyết định bán đi bộ phận robot do có những lo ngại về việc không thể bán được các sản phẩm robot trên thị trường trong nhiều năm tới.

Trong khi đó, nhà mạng Nhật Bản SoftBank với thế mạnh chính là viễn thông đang dần mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, bao gồm robot. Hồi cuối năm ngoái, hãng đã mua lại nhà sản xuất chip ARM với giá 24 tỷ USD. Hãng cũng đạt được thỏa thuận "nắm trọn" nhà mạng Sprint của Mỹ vào năm 2013. Sở hữu Boston Dynamics, hãng có thể nắm trong tay thêm nhiều mẫu robot khác như Handle, Big Dog, Atlas, WildCat…

Trước Boston Dynamics, Softbank từng mua lại một công ty robot có tên Aldebaran Robotics SA. Sau hơn hai năm nghiên cứu, thành quả mới nhất của bộ phận này là Pepper, mẫu robot có giá 1.600 USD và được khẳng định có đầy đủ cảm xúc như con người.

>> Trí tuệ nhân tạo mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn

Chi Vy

Ý kiến

()