Chúng ta

Tại sao Intel phải nghiến răng chi hơn 15 tỷ USD để mua Mobieye

Chủ nhật, 19/3/2017 | 15:34 GMT+7

Mobileye của Israel là công ty chuyên sâu về các trang thiết bị tin học cho xe ô tô tự động, đặc biệt là công nghệ mắt thần có khả năng đưa ra cảnh báo trước các va chạm.

Ngày 13/3, Intel công bố mua lại Mobileye, hãng sản xuất các hệ thống công nghệ cho xe tự lái lớn nhất thế giới, với giá 63,54 USD mỗi cổ phiếu. Toàn bộ thương vụ sẽ được công ty này thanh toán bằng tiền mặt, TechCrunch cho hay.

960x0-6779-1489906548.jpg

Gã khổng lồ về sản xuất chip máy tính thông báo thâu tóm Mobileye, start-up chuyên nghiên cứu, phát triển các công nghệ trong lĩnh vực xe tự lái của Israel với giá 15,3 tỷ USD. 

Mobileye được thành lập năm 1999 bởi ông Ziv Aviram và giáo sư Amnon Shashua thuộc trường Đại học Hebrew ở Jerusalem. Doanh thu của công ty đã tăng từ 40 triệu USD năm 2012 lên 358 triệu USD năm 2016. Các nhà phân tích tin rằng trong năm 2017, doanh thu của công ty sẽ tăng 40% lên tới 500 triệu USD. Mobileye có khoảng 600 nhân viên, lãi ròng 173,3 triệu USD năm 2016. Ảnh: Forbes.

Nền tảng phần cứng cơ sở ứng dụng công nghệ Mobileye là chip EyeQ do chính công ty sản xuất. Chip đã được công ty phát triển trong vòng 13 năm liên tục và trong thời gian đó, công ty cho ra đời tới ba thế hệ EyeQ.

Trong hai thế hệ đầu tiên, hệ thống tin học hóa ô tô Mobileye hoạt động hoàn toàn thụ động, tức là hệ thống thông báo cho người lái xe trong những tình huống nhất định: những tình huống trong quá trình điều khiển xe, khi đi qua các biển báo giao thông đã được đánh dấu hoặc những tình huống tiếp cận nguy hiểm với các xe đang đi phía trước…

Đến thế hệ thứ 3 của EyeQ, chính thức ra mắt vào năm 2014, hệ thống Mobileye Advanced Driver Assistance System (ADAS) của Mobileye đã có được một số những khả năng tích cực hơn, có nghĩa là hệ thống có khả năng giao tiếp với ô tô mà không có sự tham gia của lái xe.

Hiện nay, hệ thống ADAS của Mobileye đã được đưa vào một số chức năng như cảnh báo phanh khẩn cấp trong tính huống được đánh giá là nguy hiểm, kiểm soát theo dõi hành trình, hệ thống theo dõi vạch trên đường và một số khả năng khác.

Đến thời điểm này, ADAS Mobileye có thể lắp đặt cho bất cứ một chiếc ô tô nào mà không cần phải có máy tính trên xe. Hệ thống gồm có hai bộ phận chủ yếu: bộ thiết bị với một camera và cảm biến, được lắp đặt trên kính chắn gió và một màn hình tròn hiển thị thông tin, được đặt bất cứ chỗ nào thuận tiện cho lái xe.

Trong sơ đồ mạch điện của EyeQ thế hệ thứ tư, các mẫu ô tô có sử dụng chip này sẽ xuất hiện vào cuối năm nay. SoC EyeQ4 được chế tạo theo quy trình công nghệ 28-nm và có 14 lõi: 4 lõi chung có kiến trúc MIPS và 10 lõi tăng tốc vector chuyên dùng xử lý và nhận dạng tín hiệu video.

Chíp EyeQ4 sẽ được sản xuất với 3 phiên bản, phiên bản thứ nhất với một camera tiêu chuẩn, phiên bản nâng cao với sự hỗ trợ của camera 3 tiêu điểm (trifocals camera) dành cho các xe ô tô bán tự động và phiên bản tự động hoàn toàn, được hỗ trợ bằng hệ thống radar và đo xa laser.

Hãng Israel đang phát triển hệ thống Mobileye thế hệ thứ 5, sẽ không chỉ là đôi mắt của ô tô mà còn là bộ não. Đây chính là điểm có sự giao cắt lợi ích giữa Mobileye và Intel. Ô tô tự động sẽ có trí tuệ nhân tạo. Nhưng Intel can dự gì trong tương lai của ngành ô tô? Chính là IoT (Internet của vạn vật) từ đây có thể nhận được những lợi ích khổng lồ. Tham gia vào lĩnh vực ô tô không người lái, Intel có khả năng truy cập vào khối lượng dữ diệu khổng lồ của giao thông. Nguồn dữ liệu là giá trị then chốt trong thời đại thông tin và là một trong những xu hướng phát triển chính của tập đoàn.

Mobileye-900x600-9083-1489906548.jpg

Công nghệ mắt thần do Mibieye phát triển, có khả năng đưa ra cảnh báo trước các va chạm sắp xảy ra với xe phía trước, người qua đường đang di chuyển, xác định khoảng cách giữa xe của mình và các đối tượng phía trước trong tầm duy chuyển, đưa ra cảnh báo bằng tín hiệu âm thanh cho người điều khiển, từ tín hiệu cảnh báo đến tín hiệu nguy hiểm.

Việc thâu tóm Mobileye được xem là nỗ lực đầy tham vọng của Intel, trong bối cảnh hãng này đang tỏ ra chậm chân so với các đối thủ khác trong lĩnh vực xe tự lái. Theo TechCrunch, nếu thành công, đây sẽ là thương vụ M&A lớn nhất trong các hợp đồng mua bán công nghệ cao của Israel từ trước tới nay. Ảnh: Digital Trend.

Intel muốn có sự hiện diện trong những lĩnh vực có khối lượng khổng lồ cơ sở dữ liệu, mua lại Mobileye cung cấp cho hãng một kênh thu thập thông tin không giới hạn. “Việc bổ sung Mobileye và công nghệ của họ vào tập hợp các sản phẩm của Intel sẽ giúp hệ thống xe tự lái trở nên hoàn thiện hơn. Hệ thống này sẽ dựa vào những camera tích hợp xung quanh để quan sát và xác định thế giới xung quanh dựa trên thông qua dữ liệu điện toán đám mây”, Brian Krzanich, CEO Intel, chia sẻ về thương vụ.

Theo Reuters, việc hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới Intel mua lại Mobileye sẽ tạo nên cuộc chạy đua công nghệ khốc liệt giữa các hãng sản xuất và các nhà cung cấp công nghệ xe tự lái. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược của nhiều hãng, trong đó có Bosch.

Ngay lập tức, ngày 17/3, hãng cung cấp linh kiện ô tô Bosch đã công bố quan hệ hợp tác với hãng sản xuất chip đồ hoạ Nvidia ở mảng công nghệ dành cho xe tự lái nhằm cạnh tranh với Intel và Mobileye.

Bosch và Nvidia sẽ cùng nhau phát triển trí tuệ nhân tạo cho hệ thống dẫn đường hỗ trợ xe tự lái có thể vượt qua được tình trạng giao thông phức tạp trên đường. Những chiếc máy tính của hệ thống này sẽ học hỏi những phương tiện xung quanh nhờ hệ thống camera và cảm biến, từ đó tự đưa ra các quyết định thông minh về cách thức xe sẽ phản hồi.

Hiện Bosch (Đức) là hãng sản xuất phụ kiện lớn nhất cho ô tô, đang cạnh tranh quyết liệt với Mobileye của Israel trong mảng cung cấp các camera, vi xử lý và phần mềm tích hợp cho các hệ thống cao cấp trợ giúp tài xế (ADAS) trong các xe tự lái. Mobileye hiện chiếm khoảng 70% thị phần mảng này.

Trước đó, ngày 26/7/2016, The Wall Street Journal đưa tin Mobileye kết thúc hợp tác công nghệ xe tự hành với hãng xe điện Tesla. Thông cáo của Mobileye khẳng định sẽ không còn cung cấp chíp và các thuật toán liên quan công nghệ tự hành Autopilot của Tesla.

Tuy nhiên, những tên tuổi như General Motors, Nissan, BMW và Hyundai mới là các đối tác lớn hãng đang sử dụng công nghệ của Mobileye để hỗ trợ người lái dựa trên hệ thống camera.

Hiện tại, Mobileye cùng BMW và Intel đang hợp tác phát triển công nghệ tự lái hoàn toàn, dự kiến chính thức hoàn thiện và cung cấp ra thị trường vào năm 2021. Hãng công nghệ của Israel cũng đang cung cấp công nghệ cho 2 hãng xe khác để ra mắt dòng xe tự hành hoàn toàn vào năm 2019. Tuy nhiên, thông tin về 2 hãng xe này đang được giữ kín.

Thời gian qua, xe tự lái được đánh giá là lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng với sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ những tên gọi như Google, Uber, Apple và Tesla, cho dù chưa có mẫu xe nào chính thức được bán ra thị trường với số lượng lớn. Với hai thương vụ, M&A và hợp tác, trong một tuần, xe tự lái sẽ là cuộc đua mạnh mẽ của những gã khổng lồ trong thời gian tới để dẫn đầu và chiếm lĩnh thị trường còn rất mới mẻ.

>> Xe tự hành đưa FPT Software đến mốc tỷ USD

Chi Vy

Ý kiến

()