Chúng ta

Sinh viên FPT chế robot giúp giảm tai nạn giao thông

Thứ bảy, 9/5/2015 | 09:06 GMT+7

Robot thông minh có chức năng chụp ảnh, nhận diện và hành động theo các biển chỉ dẫn giao thông vừa được nhóm sinh viên FPT chế tạo thành công.

Ám ảnh về những con số tai nạn giao thông, đặc biệt là do lái xe không làm chủ tốc độ, không tuân thủ biển báo giao thông… nhóm 4 sinh viên Đại học FPT Nguyễn Thành Đô, Nguyễn Đức Tâm, Trần Mạnh Quý và Nguyễn Việt Hưng đã nghiên cứu robot giúp giảm tình trạng này.

Để hiện thực hóa ý tưởng, 4 sinh viên phải mày mò trong suốt mấy tháng ròng. Thành Đô thích tìm hiểu và có kiến thức về nhận diện hình ảnh, Tâm thích mày mò chế tạo phần cứng, Hưng thích lập trình, Quý giỏi tiếng Anh, mê phát triển ứng dụng điều khiển trên Android… cả nhóm đã tận dụng thế mạnh của nhau, đoàn kết và phối hợp ăn ý.

IMG-1583-1-JPG-9897-1431071218-8675-1431

4 sinh viên ĐH FPT Nguyễn Thành Đô, Nguyễn Đức Tâm, Trần Mạnh Quý và Nguyễn Việt Hưng.

Robot thông minh có hình dáng khá nhỏ gọn, như một chiếc xe mô hình. Sản phẩm được điều khiển bằng smartphone thông qua bluetooth. Khi gặp biển chỉ đường, camera nhỏ gắn ở đầu robot sẽ tự chụp, nhận diện và hành động theo những tấm biển như: dừng, rẽ trái, rẽ phải... Robot có thể được sử dụng trong hệ thống xe thông minh, hỗ trợ cho tài xế lái xe an toàn.

“Điều tôi tâm đắc nhất là robot đọc và thực hiện chính xác, tức thời các chỉ dẫn giao thông từ biển chỉ dẫn. Về lâu dài, chúng tôi dự định phát triển thêm cho sản phẩm như: bổ sung thiết bị giúp tăng tốc độ, độ chính xác của chức năng xử lý ảnh chụp từ biển chỉ dẫn…”, sinh viên Trần Mạnh Quý cho biết.

Với thành công bước đầu, cả nhóm hy vọng sản phẩm sẽ mang lại giải pháp thiết thực giúp giảm tai nạn giao thông do sơ xuất trong quan sát biển báo của tài xế, nhất là khi lưu thông trên cao tốc, trong điều kiện thời tiết xấu hoặc trời tối…

IMG-1603-JPG-5677-1431071218-6800-143112

Robot thông minh có chức năng chụp ảnh, nhận diện và hành động theo các biển chỉ dẫn giao thông.

Trần Mạnh Quý cho biết, một trong những khó khăn mà nhóm gặp phải là sản phẩm đòi hỏi độ chính xác khi vận hành sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài như nhiệt độ hoặc cường độ ánh sáng; các thiết bị khi được lắp ráp phải tuyệt đối tránh sai lệch. Chỉ một chút sơ ý là linh kiện hỏng, cháy, gãy, đứt… Có lần, vì đấu ngược nguồn nên linh kiện phát nổ, thật may không bị hỏng và vẫn yên vị trên con robot thông minh cho đến ngày hoàn thiện.Nhiều khi gặp khó khăn, bế tắc tưởng như sẽ rã đám, cả nhóm lại cùng chia sẻ những chuyện vui, động viên nhau lạc quan hơn, như vẽ ra viễn cảnh thành công rực rỡ… Cứ thế, khó khăn dần được khắc phục.

"Công nghệ xử lý hình ảnh là một vấn đề khó. Trên thế giới cũng đã có những công ty phát triển hệ thống nhận diện hình ảnh, sử dụng cho xe thông minh và đã phát triển thành công. Nhưng ở Việt Nam, các đề tài tương tự có rất ít. Chúng mình chọn đề tài này, vừa là thử thách bản thân, vừa muốn khẳng định một điều, những gì người ta làm được, thế giới làm được, thì chỉ cần mình thực sự muốn, mình cũng có thể làm được", trưởng nhóm Nguyễn Thành Đô tâm sự.

Theo VnExpress

Ý kiến

()