Chúng ta

Sinh viên ĐH FPT Vô địch Hackathon Việt Nam 2018 nhờ mượn đồ Ban tổ chức

Thứ sáu, 31/8/2018 | 18:34 GMT+7

“Sản phẩm làm về thùng rác thông minh nhưng lại không kịp chuẩn bị. Chúng tôi bắt buộc dùng đến hộp đựng canh của BTC để mô phỏng sản phẩm”, Dương Xuân Hòa, đội trưởng đội Little Bin – Quán quân Hackathon Việt Nam, bật mí.

Cuộc thi Hackathon Việt Nam 2018 vừa vinh danh đội Little Bin - ĐH FPT Hà Nội giành giải Nhất toàn cuộc với sản phẩm “Thùng rác thông minh” biết “gọi” người đến thu gom khi thùng đầy.

Sản phẩm này được nhóm sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT (FPT Edu) lập trình, lắp ráp hoàn thiện chỉ trong hơn 17 tiếng.

Nhóm các sinh viên bao gồm: Dương Xuân Hòa (đội trưởng), Trịnh Công Minh, Lê Đình Duy, Phan Nguyên Bảo và Nguyễn Mạnh Cường (sinh viên Trường ĐH FPT thuộc FPT Education). Hệ thống gồm thùng rác - loại vẫn được sử dụng trong đời sống hàng ngày và một thiết bị cảm biến được lắp trực tiếp vào thùng.

sanpham-3564-1535714678.jpg

Bộ thiết bị biến thùng rác bình thường trở nên thông minh. Ảnh: Xuân Hòa.

Sản phẩm liên quan trực tiếp đến thùng rác, nhưng thời gian quá gấp gáp khiến các thành viên trong đội không kịp chuẩn bị thùng theo kế hoạch. Đội trưởng Little Bin chia sẻ: “Bạn Minh phải tạm rời cuộc thi để về ký túc xá tại Hòa Lạc lấy một thùng rác mang đến điểm thi. Tuy nhiên, chiếc thùng quá to so với mô hình nên không thể lắp thiết bị vào”.

Suy nghĩ “Chắc sẽ phải dừng chân tại đây và giấc mơ đi Nhật cũng sẽ chấm dứt xuất hiện trong đầu cả đội”, Hòa bồi hồi nhớ lại. May thay, cả đội phát hiện ra hộp đựng canh của BTC có thể thay thế được thùng rác nên đã nhanh chóng mượn và lắp ráp các thiết bị ngay lập tức. Tuy không phải là thùng rác “chính hiệu” thế nhưng mọi thứ đều vận hành tốt, cả đội khi ấy như được “hồi sinh” và tự tin bước vào vòng thuyết trình sản phẩm trước Hội đồng BGK.

Thiết bị cảm biến này gồm 3 bộ phận chính: thiết bị nhận diện khoảng cách bằng sóng siêu âm, bảng mạch liên kết với mạng Internet để phát tín hiệu lên Cloud và thiết bị định vị GPS. Đây được coi là “trái tim” của Little Bin bởi nhờ thiết bị cảm biến, thùng rác bình thường có thể biến thành thùng rác thông minh với tính năng phát tín hiệu cảnh báo khi lượng rác trong thùng đầy.

Little-Bin-2727-1535714678.jpg

5 bạn sinh viên tài năng của ĐH FPT Hà Nội giành Nhất Hackathon Việt Nam 2018. 

“Các tín hiệu này truyền qua mạng Wi-Fi về server (máy chủ), được xử lý trước khi chuyển cho người dùng là công ty hoặc cá nhân người thu gom rác thải. Nếu không có Wi-Fi, một sim 3G sẽ được lắp trực tiếp vào thiết bị cảm biến để phục vụ việc truyền dữ liệu”, Dương Xuân Hòa (trưởng nhóm) chia sẻ.

Với một chiếc smartphone, người dùng có thể nhận được tín hiệu về trạng thái đầy hoặc vơi của thùng rác. Ngoài ra, hệ thống dữ liệu được lưu trữ trên đám mây (Cloud) còn được sử dụng để tính toán lộ trình cho xe chở rác thu gom theo những tuyến đường có nhiều thùng rác đầy nhất, giúp tăng hiệu quả hoạt động và tiết kiệm chi phí.

Vẻ mặt đầy tự tin, đội trưởng Little Bin khẳng định: “Sản phẩm theo đội đánh giá có 3 điểm mạnh nổi bật: Có khả năng đồng bộ các dữ liệu và xử lý thông tin nhanh chóng với tốc độ cao mà ít sản phẩm nào tại cuộc thi có được; Thiết bị cảnh báo cho thùng rác rất nhỏ gọn, dễ dàng lắp đặt và phù hợp với mọi loại thùng rác mà không cần mất công thiết kế mẫu thùng rác mới; Sản phẩm mang tính thời sự cao, đánh thẳng vào thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện nay”. Với những điểm này, sản phẩm “Thùng rác thông minh – Little Bin” của 5 chàng sinh viên ĐH FPT Hà Nội xuất sắc chinh phục Hội đồng BGK.

photo-3-1535623856256460060915-8524-1535

Phần thưởng là 1 chuyến đi Nhật tham dự cuộc thi Hackathon cho 2 bạn. 

Bí quyết đạt được thành công này, cả nhóm xác định là do chia công việc hợp lý dựa trên thế mạnh mỗi thành viên như: Công Minh và Đình Duy lo phần cứng vì đã có kinh nghiệm; Nguyên Bảo phụ trách server; Mạnh Cường tối ưu đường truyền; Xuân Hòa kết nối các phần với nhau thành sản phẩm hoàn thiện. Chuẩn bị thiết bị phần cứng từ trước, code một vài tính năng cơ bản, còn lại 85% khối lượng lập trình và 100% khối lượng lắp đặt phần cứng được cả nhóm căng sức thực hiện trong 17,5 tiếng tại cuộc thi.

Sau chiến thắng thuyết phục tại Hackathon Việt Nam 2018, hai sinh viên FPT Edu trong nhóm sẽ tiếp tục “mang chuông đi đánh xứ người” ở giải Hackathon được tổ chức ở Okinawa, Nhật Bản vào tháng 12 năm nay. Có lẽ, lần thử sức với các đối thủ quốc tế này sẽ giúp các thành viên trong nhóm có thêm kiến thức và kinh nghiệm để sớm thương mại hóa Little Bin thành công: “Với kích thước nhỏ gọn, dễ lắp đặt và mức giá chỉ khoảng 200.000 đồng, nhóm tin tưởng sản phẩm có khả năng ứng dụng cao”, Xuân Hòa nói.

Dù còn những hạn chế như phát triển đầy đủ các tính năng nhóm mong muốn, ví dụ phát giọng nói cảnh báo người vứt rác về tình trạng thùng rác đã đầy nhưng Little Bin vẫn được đánh giá cao ở tốc độ xử lý thông tin, tính ứng dụng và phù hợp với chủ đề Hackathon Việt Nam 2018 đưa ra là “Smart City - Thành phố thông minh”.

Hà Trần

Ý kiến

()