Chúng ta

Phó Ban Công nghệ FPT: 'Giáo dục là ưu tiên hàng đầu trong nền công nghiệp 4.0'

Thứ sáu, 14/9/2018 | 19:09 GMT+7

Tại FPT Techday 2018, hội thảo công nghệ bàn về Hệ khuyến nghị, giáo dục và chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra chiều 12/9 tại khách sạn JW. Marriot Hà Nội. Hội thảo có sự góp mặt của 3 diễn giả uy tin trong và ngoài FPT.

Mở đầu buổi hội thảo, PGS.TS Từ Minh Phương, Trưởng khoa Công nghệ thông tin thuộc Học viện Bưu chính Viễn thông, giới thiệu về Hệ khuyến nghị. Theo Tiến sĩ Phương, hệ khuyến nghị là cách mà các công ty, nhất là những đơn vị kinh doanh mảng dịch vụ, sử dụng để mang tới cho khách hàng những lời khuyên về sản phẩm, cũng như đánh giá lịch sử sử dụng để đưa ra các khuyến nghị tiệm cận với nhu cầu người dùng nhất. 

DSC05629-JPG-3624-1536907968.jpg

Thầy Phương cho rằng FPT với sản phẩm FPT Play là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng hệ khuyến nghị.

Thầy Phương lấy ví dụ về hệ khuyến nghị của Netflix, dịch vụ chia sẻ phim trực tuyến nổi tiếng thế giới. “Hệ khuyến nghị của Netflix được coi như chính “mạng sống” của họ. Năm 2006, họ đưa ra giải thưởng 1 triệu USD cho bất kỳ ai thiết kế được thuật toán khuyến nghị tốt hơn họ 10%. Đó là một số tiền thưởng rất lớn vào thời điểm đó, rất nhiều người đã “đâm đầu” để thiết kế một thuật toán được Netflix chấp nhận”, thầy Phương chia sẻ.

Tuy nhiên, hệ khuyến nghị của hãng tốt đến mức không có bất kỳ thuật toán nào có thể vượt qua. “Với thuật toán xây dựng hệ khuyến nghị của mình, Netflix đạt doanh thu 12 tỷ USD trong năm 2017, dự kiến năm 2018 đạt 15 tỷ USD. Đây là minh chứng rõ ràng nhất đối với sự hiệu quả của hệ khuyến nghị cho một công ty kinh doanh dịch vụ trên nền tảng online”.

Để người tham dự có cách nhìn khái quát hơn về cách hệ khuyến nghị làm việc, thầy Phương đã trình bày khái quát chung theo ba cách hệ khuyến nghị hoạt động: Dựa trên tương tác của người dùng với sản phẩm; dựa trên thông tin người dùng (giới tính, ngôn ngữ,…); và cuối cùng là thông tin xã hội (kết bạn với ai, theo dõi ai,…). 

“Để nói chi tiết về hệ khuyến nghị là điều không thể. Tuy nhiên, hệ khuyến nghị là một công cụ đang ngày một phát triển và nó có thể áp dụng cho hầu hết các bài toán liên quan đến vấn đề nghiên cứu người dùng”, thầy Phương khẳng định.

Cuối cùng, thầy Phương cho rằng hệ khuyến nghị tại Việt Nam là điều khá mới mẻ, tuy nhiên có một số công ty đã áp dụng điều này vào sản phẩm. Thầy Phương lấy ví dụ về sản phẩm FPT Play, một nền tảng chia sẻ phim ảnh trực tuyến tại Việt Nam do FPT Telecom sở hữu. 

“FPT Play là một trong những sản phẩm đi đầu trong việc ứng dụng hệ khuyến nghị. Tuy nhiên, sản phẩm cần phải phát triển, chỉnh sửa thêm để có thể đạt được những thành công do hệ khuyến nghị mang lại”, thầy Phương nhận định

Anh Phan Thanh Sơn, GĐ Công nghệ FPT IS, cho rằng: “Hệ khuyến nghị này cho phép chúng ta có thể mass personalize, nghĩa là có thể cá nhân hoá ngay trên dây chuyền hệ thống theo xu hướng công nghiệp thay vì cá nhân hoá lần lượt từng người sử dụng”.

Sau phần trình bày của thầy Phương, các khán giả được chứng kiến phần chia sẻ về Giáo dục trong thời đại 4.0 của anh Nguyễn Ngọc Minh, Phó Ban công nghệ, Tập đoàn FPT: “Giáo dục là lĩnh vực rất quan trọng với FPT”.

DSC05662-JPG-7774-1536907968.jpg

Phần diễn thuyết về Giáo dục 4.0 của anh Nguyễn Ngọc Minh, Phó ban Công nghệ FPT.

Anh Minh lấy ví dụ về ViOlympic, một sản phẩm giáo dục đã có 10 năm hình thành và phát triển, đây là sản phẩm do chính FPT “thai nghén” và đã đạt được những thành công đáng kể. “ViOlympic là sự kết hợp giữa phương pháp giáo dục hiện đại và công nghệ hướng tới thế hệ trẻ năng động. Hiện tại, có khoảng 30 triệu học sinh đăng ký dịch vụ. 30% học sinh thường xuyên thi trên ViOlympic trên 63/63 tỉnh/thành phố”, anh Minh khẳng định.

“Để thành công, ViOlympic đã phải chuyển mình rất nhiều”, lời nói đầu của anh Minh trước khi đi vào câu chuyện thành công của nền tảng giáo dục online này.

ViOlympic sử dụng các cách khác nhau để mang tới cho học sinh một trải nghiệm không giống như cách học truyền thống. “Một trong những cách đầu tiên là “Mô hình hoá kiến thức”. Ví dụ, khi một học sinh làm phép tính sai, chúng tôi sẽ không bắt làm lại mà sẽ chỉ ra rằng học sinh đó sai ở đâu, cần phải làm như thế nào. 

Để làm được điều này, ViOlympic sử dụng các “nốt” kiến thức. Các nốt này được nối và liên quan chặt chẽ với nhau. Khi học sinh đưa ra đáp án sai, các nốt này sẽ được hiển thị để chỉ ra rằng sai ở điểm nào và tại sao. Qua các bài kiểm tra, hệ thống có thể nhận biết được học sinh đang yếu phần nào, tốt phần nào dựa trên lịch sử thi, từ đó, phụ huynh và giáo viên có thể biết chính xác con em mình cần phải cải thiện phần kiến thức nào đang bị hổng

“Đối với một lớp học khoảng 50-60 học sinh, việc xem xét trên giấy từng học sinh một sẽ mất rất nhiều thời gian và gần như không hiệu quả. Tuy nhiên, đối với hệ thống giáo dục của chúng tôi, chỉ cần xem biểu đồ, giáo viên và phụ huynh có thể hiểu cần phải tập trung phần nào”, anh Minh nhấn mạnh.

Tiếp theo là công cụ mang tên Learning Motivation (tạo động lực học tập). Phó ban Công nghệ FPT đưa ra các ví dụ gần gũi với thực tế cuộc sống của học sinh hoặc các dẫn chứng có thể đem lại những kiến thức khác thú vị, thường là các kiến thức về địa lý, lịch sử. “Từ đó, chúng tôi có thể khơi gợi niềm vui thú, tò mò của học sinh khi vừa học, vừa biết thêm các kiến thức xã hội lý thú khác”.

Cuối cùng là ViOlympic có thể cá nhân hoá học sinh. “Dựa trên biểu đồ, học sinh chỉ cần học chỗ nào đang yếu mang màu đỏ (ví dụ) và từ đó sẽ giảm thời gian so với cách học truyền thống khi mất rất nhiều thời gian để tìm ra kiến thức nào đang hổng”, anh Minh nói.

“Khi có được một nền tảng giáo dục với gần 30 triệu người sử dụng, chúng tôi cần phải có viết lại hệ thống để nâng cao trải nghiệm người dùng. Đó là nhiệm vụ được coi là “bất khả thi” khi chỉ có 5 tháng để viết lại toàn bộ hệ thống, di chuyển dữ liệu và nâng cao bảo mật”, anh Nguyễn Việt Cường, Ban Công nghệ FPT, chia sẻ lại khoảng thời gian viết lại toàn bộ hệ thống.

Anh Minh cho hay, sau khi đã có kinh nghiệm với ViOlympic, Ban Công nghệ tiến đến việc thành lập “đứa con khác”, mang tên VioEdu. Dựa trên những kinh nghiệm đã có, VioEdu có thể đáp ứng được hơn 1 triệu người dùng cùng lúc, 10 triệu yêu cầu mỗi phút và 95% yêu cầu được trả về với tốc độ “nhanh hơn chớp mắt”.

“Chúng tôi hiện sở hữu những công nghệ hàng đầu thế giới trong nền cách mạng công nghệ 4.0”, ông Võ Hồng Kỳ, GĐ Siemens PLM tại Việt Nam, khẳng định. Siemens từng là công ty sản xuất điện thoại nhưng nhiều năm trở lại đây hãng đã chuyển mình thành công ty cung cấp các giải pháp công nghệ như nhà kho thông minh, sản xuất thông minh, các hệ thống giám sát, quản lý nhà riêng, văn phòng. “Đây là chiến lược mà Siemens đã quyết định để không bị tụt lùi trong cuộc cách mạng công nghiệp mới”, ông Kỳ cho biết.

DSC05786-JPG-1771-1536907968.jpg

"Chuyển đổi số là điều bắt buộc phải diễn ra ở mọi công ty trên thế giới nếu không muốn bị tụt hậu", ông Võ Hồng Kỳ, GĐ Siemens PLC Việt Nam, khẳng định.

Chuyển đối số đang xảy ra ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sản xuất, họ rất ngại thay đổi vì ảnh hưởng đến doanh thu. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất xảy ra rất chậm. Nhưng đây là xu thế chắc chắn phải diễn ra và những công ty nào không theo kịp xu thế sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi”, ông Kỳ nhận định. Vị GĐ của Siemens tại Việt Nam lấy ví dụ của Starbucks, một công ty dịch vụ mảng thực phẩm.

“Starbucks không chỉ đơn thuần bán cà phê. Họ đã trở thành một công ty bán cho người dùng sự trải nghiệm dựa trên việc ứng dụng hệ khuyến nghị. Đây là một thành công đối với một công ty thực phẩm, ngành chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Kỳ chia sẻ. 

Ông cho rằng, việc thành công của Starbucks không chỉ dừng ở việc “nhận thức cần phải thay đổi”, mà còn ở việc cần phải biết điều mà công ty cần có để thích ứng với sự chuyển mình của cả thế giới.

Đến với buổi hội thảo, Siemens mang tới các công nghệ phục vụ cho sự chuyển mình của các công ty, đáng chú ý nhất là công nghệ mô phỏng thực tế. Đây là công nghệ cho phép các công ty trước khi đưa ra sản phẩm có thể thực hiện các chỉnh sửa khác nhau và thực hiện kiểm nghiệm giống với thực tế thông qua máy học.

“Sản phẩm có thể được thêm, bớt, hiệu chỉnh nhiều tính năng khác nhau và thực hiện kiểm nghiệm hiệu quả ngay trên máy tính thông qua Machine Learning, cho phép mô phỏng sát với thực tế nhất. Công nghệ này giúp cho các công ty sản xuất tiết kiệm được nhiều chi phí khi đánh giá hiệu quả một sản phẩm mới.

Trọng Nghĩa

Ảnh: Đức Anh

Ý kiến

()