Chúng ta

Những đề tài nổi bật của SMAC Challenge

Thứ sáu, 30/10/2015 | 09:33 GMT+7

Robot thực hiện ước mơ của con người, tìm nhà trọ thông minh hay làm hướng dẫn viên du lịch miễn phí… là những ý tưởng sáng tạo ứng dụng di động của sinh viên.

ĐH CNTT TP HCM có số đội chiếm gần 1/2 (9/21 đội) tổng các ứng dụng dự thi trong lần đầu cuộc thi SMAC Challenge Nam tiến. Nổi bật là Smart Learn - phần mềm dành cho smartphone buộc trẻ em phải trả lời đúng các câu hỏi trước khi được phép sử dụng - của nhóm UIT-Pirate KingĐây là sản phẩm của hai sinh viên Nguyễn Viết Danh và Trần Đình Đạt, sinh viên năm 3 khoa Công nghệ phần mềm, ĐH CNTT TP HCM

Vừa giành ngôi quán quân của cuộc thi "Sáng tạo phần mềm giáo dục" (Vietnam Hackademics), hai chàng sinh viên tiếp tục thử sức mình tại cuộc thi lập trình ứng dụng hỗ trợ công nghệ nhận diện giọng nói mang tên SMAC Challenge với ý tưởng về một phần mềm giúp người lớn quản lý thời gian sử dụng smartphone của trẻ em.

DSC-2518-1445753997-660x0-3505-144610663

Nguyễn Viết Danh (ngoài cùng bên phải) của đội UIT-Pirate King của ĐH CNTT.

Trưởng nhóm Nguyễn Viết Danh cho biết, ngày nay, vấn nạn trẻ con mê smartphone đang làm đau đầu nhiều ông bố bà mẹ và ứng dụng Smart Learn sẽ là giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.

Theo Danh, để có thể mở khóa và sử dụng điện thoại, trẻ sẽ phải trả lời đúng một số câu hỏi với nội dung đã được phụ huynh chuẩn bị trước. "Sau mỗi khoảng thời gian nhất định, ứng dụng sẽ tiếp tục khóa máy và yêu cầu trẻ trả lời các câu hỏi khác. Sau một mức thời gian hạn định đã được phụ huynh cài đặt sẵn, điện thoại sẽ tự tắt và trẻ không thể tiếp tục sử dụng nữa", Danh tiết lộ.

“Cha đẻ” của ý tưởng Smart Learn Trần Đình Đạt cho biết: "Cậu em trai của em cũng rất đam mê các trò chơi trên điện thoại khiến bố mẹ nhiều khi cảm thấy lo lắng vì có thể ảnh hưởng đến việc học hành. Đó là lý do khiến em nghĩ ra ý tưởng làm phần mềm như thế này".

Đây cũng là phần mềm mà Danh và Đạt đã giành chiến thắng tại Vietnam Hackademics 2015 vừa qua. Danh kể, Smart Learn được Ban giám khảo Vietnam Hackademics đánh giá cao về mặt ý tưởng, tuy nhiên ứng dụng chưa trở thành một sản phẩm hoàn thiện. "Hiện em và thành viên trong nhóm muốn hoàn thiện hơn những chức năng đã có của sản phẩm, tích hợp thêm những chức năng mới cộng với công nghệ số hóa giọng nói để sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn”.

Khi được hỏi về lý do mang phần mềm đã đoạt giải đến cuộc thi SMAC Challenge, Danh cho rằng bất kỳ ai tham gia cuộc thi cũng mong mình chiến thắng. "Tuy nhiên, trên cả vinh quang, nhóm muốn hoàn thiện sản phẩm để có thể đến được với cộng đồng phụ huynh và học sinh Việt Nam”.

Sau cuộc thi Vietnam Hackademics 2015, kinh nghiệm mà Đạt và Danh rút ra là việc chuẩn bị ý tưởng hết sức quan trọng. Ý tưởng phải thực tế, phải có tính ứng dụng cao, có khả năng thu hút được nhiều người sử dụng. Bên cạnh đó, kỹ năng làm việc nhóm, khả năng chịu áp lực lớn cũng là những yếu tố quan trọng để có được sản phẩm thành công.

Hai sinh viên ĐH CNTT TP HCM đang trong giai đoạn cuối hoàn thiện phần mềm Smart Learn dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia FPT. Đạt bật mí tính năng nhận diện giọng nói hứa hẹn tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm. Theo đó, ngoài hình ảnh và chữ viết trên màn hình, các câu hỏi còn được phát dưới dạng âm thanh. Với việc sử dụng công nghệ nhận diện giọng nói của Google, trẻ em có thể trả lời nhanh mà không cần phải chạm tay vào màn hình.

Theo đánh giá của các thành viên Ban giám khảo cuộc thi SMAC Challenge, các đội thi năm nay không chỉ tập trung công nghệ mà còn chú trọng đến tính ứng dụng thực tế và lợi ích cộng đồng. Một trong số đó là nhóm LifeDevelop, cũng đến từ ĐH CNTT TP HCM, với robot có thể “thực hiện hóa mọi giấc mơ”.

Trưởng nhóm Nguyễn Hoàng Minh Châu, sinh viên ĐH CNTT TPHCM, chia sẻ, nhóm mong muốn có thể tạo ứng dụng mạng xã hội giúp mọi người biến ước mơ và mục đích mình muốn thành hiện thực thông qua tương tác trực tiếp bằng giọng nói.

Nhóm PTITReturn, quy tụ các sinh viên của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, lại góp mặt với việc người dùng chỉ cần nói nơi muốn đến, ứng dụng sẽ giúp bạn biết được mọi thông tin liên quan chuyến du lịch như phương thức di chuyển, chi phí, địa điểm ăn uống, chỗ nghỉ... phù hợp.

DSC-2755-1445841029-660x0-3562-144610663

Các đội đang gấp rút hoàn thiện sản phẩm để trình bày trước Ban tổ chức vào ngày 1/11.

Cũng làm ứng dụng hướng đến du lịch, Nhật Tùng, Trưởng nhóm Smart Travel, hiện là giảng viên ĐH Giao thông Vận tải cơ sở 2 (TP HCM), chia sẻ, robot của nhóm có thể thực hiện một phần công việc của hướng dẫn viên du lịch như thuyết minh và giới thiệu điểm đến, với lộ trình du lịch được xác định trước từ công ty quản lý. Khách hàng sử dụng ứng dụng để nghe thuyết minh, đọc thông tin.

Ngoài ra, người dùng có thể tùy chọn ngôn ngữ thuyết minh, các địa điểm tùy chọn hoặc nhạc nền giải trí... một cách tự động qua GPS hoặc lựa chọn địa điểm trên bản đồ bằng thiết bị di động. Ứng dụng được xây dựng trên hệ điều hành Android.

Trong khi đó, nhóm PTIT Students, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, thiết kế ứng dụng tìm nhà trọ thông minh. Điểm đặc biệt của ứng dụng này là ngoài việc có bộ lọc tìm theo giá thành còn có thể đưa ra gợi ý nhà trọ theo khu vực, người dùng được phép để lại phản hồi cho cộng đồng. Nguyễn Ngọc Khánh, Trưởng nhóm, cho biết mục tiêu là mở rộng đến nhiều thành phố lớn, tạo mạng xã hội để người thuê và người cho thuê được tương tác trực tiếp với nhau như những gì Uber làm được.

Tham gia SMAC Challenge, Đạt kỳ vọng sản phẩm Smart Learn sẽ giành chiến thắng để có thể nhận được sự đầu tư và phát triển, phục vụ xã hội miễn phí. Trong khi đó, Danh đang ấp ủ ước mơ lập một công ty khởi nghiệp của riêng mình và hy vọng tìm tòi thêm những xu hướng công nghệ mới.

Trước khi tham dự Vietnam Hackademics 2015 và SMAC Challenge, Đạt và Danh đều đã có những sản phẩm công nghệ đầu tay. Với Danh là phần mềm dùng để hiển thị ảnh, còn Đạt là trò chơi Santa Claus với hình ảnh ông già Noel tìm đường đi phát quà. Tuy mới chỉ là những sản phẩm đơn giản, nhưng đó đều là khởi nguồn cho sự sáng tạo không ngừng nghỉ của hai chàng sinh viên trẻ tuổi này.

>> ‘Lập trình viên Nhật có chất lượng gấp 6 lần Việt Nam’

Nguyên Văn

Ý kiến

()