Chúng ta

Microsoft tấn công trực diện iOS và Android

Thứ sáu, 1/5/2015 | 16:02 GMT+7

Việc đưa các ứng dụng di động của hai nền tảng lớn nhất là iOS và Android lên Windows 10 sẽ giúp Microsoft giải bài toán về số lượng ứng dụng nghèo nàn trên Windows Store, đồng thời ‘tuyên chiến’ với hai đối thủ sừng sỏ.

Sau nhiều đồn đoán, tại Hội nghị các nhà phát triển Microsoft Build 2015, đang diễn ra tại San Francisco (Mỹ), hãng này đã công bố những tính năng mới của hệ điều hành Windows 10, trình duyệt Edge cũng như chia sẻ các bộ công cụ lập trình phần mềm (SDK) nhằm giúp lập trình viên có thể đưa ứng dụng đã xây dựng trên Web, .NET, Win32, Android và iOS vào nền tảng Windows 10.

microsoft-continuum-1.jpg

Microsoft giới thiệu phần mềm Continuum for Phones cho phép các điện thoại chạy Windows 10 có thể hoạt động như một chiếc PC hoàn chỉnh.

Để có thể "dung nạp" thêm iOS và Android, Microsoft sẽ giúp các nhà phát triển dễ dàng chuyển đổi những ứng dụng và trò chơi của họ thành các ứng dụng Universal trên Windows, với hai bộ dụng cụ phát triển phần mềm mới.

Với Android, Microsoft cho phép các nhà phát triển sử dụng Java và C ++ trên Windows 10, còn với iOS là Objective C. "Chúng tôi muốn giúp các nhà phát triển tận dụng tối đa những mã nguồn hiện tại và kỹ năng mà họ sẵn có để xây dựng Windows Store ngày càng hoàn thiện hơn”, ông Terry Myerson, Phó chủ tịch mảng Windows, chia sẻ về mục tiêu hiện tại của Microsoft. Windows 10 chính là con át chủ bài của Microsoft trong năm nay và nhiều năm sau nữa. "Để tiến tới con số 1 tỷ thiết bị, chúng tôi biết rằng, chúng tôi cần phải phổ biến Windows 10 hơn nữa", Myerson cho biết.

Google Android và Apple iOS đang sở hữu hệ sinh thái khổng lồ, trong khi nền tảng di động của Microsoft lại kém hấp dẫn. Những công cụ mới sẽ giúp ‘gã khổng lồ’ về công nghệ thu hẹp khoảng cách. Microsoft cam kết với các nhà lập trình và người sử dụng rằng Windows 10 sẽ là hệ điều hành duy nhất có thể chạy trên tất cả thiết bị. Các nhà phát triển phần mềm sẽ chỉ cần lập trình một lần duy nhất để ứng dụng của mình có thể chạy trên bất kỳ thiết bị nào có sử dụng Windows 10, bao gồm điện thoại, tablet, PC, Xbox One, tivi, máy ATM hay thậm chí là thiết bị thực tế ảo HoloLens.

Theo đó, một công cụ để tùy biến ứng dụng là phần mềm Continuum, giúp Windows 10 xác định và thay đổi theo loại thiết bị đang dùng. “Với Continuum cho điện thoại, chúng tôi tin rằng bất kỳ điện thoại nào cũng là máy tính của bạn”, Joe Belfiore, Phó Chủ tịch phụ trách hệ điều hành, thông tin tại sự kiện Build 2015.

Một điểm mới đáng lưu ý trong Windows 10 đó chính là trình duyệt web. Trình duyệt web mới theo tiết lộ trước đây có tên gọi là Project Spartan, nhưng sau khi ra mắt thì tên gọi chính thức của nó là Microsoft Edge. Bên cạnh đó, cùng với trình duyệt mới người sử dụng sẽ có thể trải nghiệm ứng dụng trợ lý ảo Cortana trên Windows 10.

33.jpg

Để đạt được mục tiêu 10 tỷ thiết thị, Microsoft không chỉ hướng tới các thiết bị mới như smartphone, tablet hay PC chạy Windows 10, mà còn là việc giúp các thiết bị cũ sẽ sớm được nâng cấp lên hệ điều hành mới.

HoloLens - thiết bị thực tế ảo ba chiều đầu tiên chạy tích hợp Windows 10 - lần đầu được hãng này giới thiệu tại Build 2015. Microsoft cho biết, hiện một số khách hàng như Trimble, Case Western Reserve University và Cleveland Clinic đã sử dụng kính HoloLens trong công tác thiết kế, dạy học, chữa bệnh...

Cũng tại hội nghị dành riêng cho các nhà phát triển, Microsoft giới thiệu dịch vụ dữ liệu mới của mảng đám mây có tên Microsoft Azure dành cho các ứng dụng thông minh, công cụ Visual Studio và .NET chạy trên nền tảng Windows, Mac và Linux và toàn bộ thư viện API nhằm giúp các chuyên gia lập trình có thể xây dựng được những bộ ứng dụng phong phú cùng Office 365.

"Microsoft có tham vọng lớn trong việc xây dựng những nền tảng có thể hỗ trợ chuyên gia lập trình trên các hệ thống Windows, Azure và Office. Cùng hợp tác, chúng ta sẽ tạo ra những trải nghiệm thông minh và cá nhân hóa hơn, giúp hàng tỷ người đạt được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa", Satya Nadella, CEO Microsoft, nhấn mạnh.

Thanh Mai (theo Mashabe)

Ý kiến

()