Chúng ta

Lập trình viên có thể kiếm 1.000 USD mỗi tháng

Chủ nhật, 21/8/2016 | 08:35 GMT+7

Ngoài kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ, một lập trình viên giỏi phải luôn sẵn sàng viết ra chương trình mới và sửa sai.

Đó là chia sẻ của mentor Nguyễn Vũ Hưng trong buổi gặp mặt tháng 8 vừa được Đại học trực tuyến FUNiX tổ chức tại Hà Nội. Buổi chia sẻ với chủ đề "Kiếm tiền khó mà dễ với lập trình web" là hoạt động đầu tiên trong chuỗi chương trình tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên mang tên "FUNiX Career Advising".

Theo anh Hưng, số đầu việc trong ngành IT rất nhiều nhưng cái khó lại nằm ngay trong đó bởi nhiều người làm web không biết định vị mình nên làm, học gì để có thể kiếm được thu nhập cao hơn so mức lương trung bình.

Hiện nay, ở Việt Nam, các trường đại học mới dừng lại ở bước đào tạo cho sinh viên một số kỹ năng. Thực tế, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, kể cả nằm trong top về công nghệ ở Hà Nội và TP HCM hầu như ra trường chưa làm được gì, vẫn phải đào tạo lại. Việc đó có thể mất nửa năm, thậm chí 1-2 năm.

13882358-1575507692744532-2117-7765-7238

Mentor Nguyễn Vũ Hưng (bên phải) và anh Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Đại học FUNiX - chia sẻ tại sự kiện.

Anh Hưng cho biết, hiện nay, thu nhập của ngành Công nghệ thông tin ở Việt Nam cao hơn các ngành khác. Trong đó, nhân sự cấp cao được hưởng lương 11-35 triệu đồng còn nhân viên có thu nhập 7-20 triệu đồng. Với doanh nghiệp nước ngoài, nhân viên lập trình được trả đến 5.000-10.000 USD, mới ra trường chỉ 7-8 triệu đồng.

Để có thu nhập tốt hơn, trước hết, người lập trình (full stack developers) cần có tổng thể các kỹ năng về OS (hệ điều hành), database, web server... Một full stack developers cần có kinh nghiệm và làm được tất cả mọi việc từ nhận yêu cầu của khách hàng, phân tích, đề xuất, thiết kế, lập trình, sửa lỗi, triển khai, bảo trì... đồng thời giữ tâm thế sẵn sàng làm những việc từ dễ đến khó.

"Khi biết giá trị của bản thân, bạn sẽ không bán rẻ sức lao động của mình mà cần tìm đến chỗ có thu nhập phù hợp. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu tầm 1 tỷ đồng, việc bỏ ra 100-200 triệu đồng cho IT là rất khó nhưng những doanh nghiệp nước ngoài lại sẵn sàng rót vài triệu USD vào mảng này", anh chia sẻ.

Ví dụ, Nhật Bản trả lương cho chuyên gia IT khoảng 4.000-7.000 USD còn ở Mỹ rơi vào khoảng 7.000-10.000 USD một tháng. Đem cùng nội dung công việc đó sang Việt Nam, các công ty chỉ phải bỏ ngân sách bằng một phần ba nhưng lại gặp vấn đề về chất lượng, rào cản về văn hóa, ngôn ngữ. Nếu lập trình viên biết nâng giá trị của mình lên, làm không kém gì người nước ngoài thì các công ty đều sẵn sàng trả 2.500-3000 USD. 

Bên cạnh đó, lập trình viên nên tìm kiếm những công việc thú vị hơn, sử dụng công nghệ mới để học nhiều và dễ "lên trình" hơn như node.jp, angular.js... Để học, nhớ nhanh một ngôn ngữ lập trình, bạn cần 3-4 tuần nhưng nên học càng sớm càng tốt, đặt cho mình mục tiêu học, thực hành hằng ngày và luôn kiên trì, bền bỉ theo đuổi mục tiêu.

Bằng việc đầu tư cho việc học nâng cao trình độ, mức lương cũng tăng dần theo kinh nghiệm học được. Bạn có thể học trên Youtube, Google; tạo kênh liên lạc của người làm kỹ thuật, đưa lên Facebook bàn luận hay tạo môi trường học tập thực tế... Để học được nhiều kỹ năng như vậy, mọi người cần tạo môi trường tốt; chấp nhận chịu thiệt để học hỏi hoặc đầu tư cho giáo dục.

Anh Hưng nhấn mạnh, mức lương 1.000 USD là không khó. Tuy nhiên, để làm được điều đó lại cần có một lộ trình thích hợp. Ngoài những kỹ năng cần có, người làm web cần tạo mối quan hệ, sẵn sàng thử và sửa sai. Ngoại ngữ cũng là yếu tố quan trọng để tăng thêm thu nhập trong một thế giới hội nhập.

>> Ngôn ngữ lập trình nào tốt nhất

Theo VnExpress

Ý kiến

()