Chúng ta

IoT được sinh viên FPT ứng dụng vào trồng rau sạch

Thứ ba, 19/12/2017 | 17:03 GMT+7

Dự án ứng dụng Internet of Things (IoT) của sinh viên FPT Polytechnic Tây Nguyên cho phép người dùng theo dõi sự phát triển của rau, điều khiển tưới nước hoàn toàn tự động.

Ngày 8/12, FPT Polytechnic Tây Nguyên đã tổ chức buổi bảo vệ môn Dự án cho sinh viên chuyên ngành CNTT - Ứng dụng phần mềm. Một trong những dự án được giảng viên đánh giá cao là “Thiết kế, xây dựng vườn rau thông minh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao”. Không chỉ đáp ứng môn học, dự án còn có tính thiết thực và ứng dụng cao trong sản xuất rau sạch.

Nhóm sinh viên thực hiện dự án gồm: Trần Phước Danh - nhóm trưởng, Lê Hữu Tạo, Nguyễn Việt Trường và Nguyễn Chí Tuấn. Nói về lý do chọn đều tài, sinh viên Lê Hữu Tạo cho biết, ý tưởng xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt trên mạng có rất nhiều thông tin về các loại rau bị phun thuốc trừ sâu, hoặc không đảm bảo trong quá trình trồng trọt.

24796417-1282046465274467-27910587299419

Trải qua ba tháng nghiên cứu, dự án của nhóm sinh viên đã trở thành hiện thực, và được đánh giá cao.

"Nhóm muốn xây dựng một dự án liên quan đến công nghệ, ứng dụng hệ thống trồng rau thông minh giúp cho việc bảo vệ sức khoẻ của người sử dụng. Điều đặc biệt của ứng dụng này là những hộ gia đình sống tại các thành phố lớn, điều kiện không gian hạn hẹp vẫn cho thể áp dụng để có rau sạch cho gia đình”, Tạo chia sẻ.

Từ ý tưởng sáng tạo, cả nhóm đều chú trọng xây dựng một cách chi tiết về thiết kế mô hình xây dựng vườn rau. Theo đó, mô hình vườn rau thông minh này sử dụng hệ điều hành Raspbian trên Raspberry PI để có thể theo dõi sự phát triển của rau, cách để điều khiển hệ thống tưới nước. Khi các thiết bị hoạt động sẽ gửi tín hiệu về cho server thông qua hệ thống mạng bằng Module Wi-fi ESP 8266, sau đó server sẽ đưa dữ liệu lên phần mềm mã nguồn mở Open HAB2.

Mô hình vườn rau thông minh được thiết kế vô cùng đơn giản, chỉ gồm: một thùng mica, hệ thống đèn led quạt hút hơi ẩm, các thiết bị đo nhiệt độ, độ ẩm, đo cường độ ánh sáng, lượng mưa, hệ thống bơm tưới nước. Điểm quan trọng là hệ thống tưới nước đèn và quạt thông được điều khiển qua việc lập trình trên mã nguồn mở Open HAB2 hoặc hệ thống công tắc vật lý.

Nhóm mất hơn 3 tháng để nghiên cứu và đưa ra được sản phẩm đúng như ý tưởng. Sinh viên Nguyễn Việt Trường cho biết, khó khăn lớn nhất của nhóm chính là thời gian nghiên cứu hơi hạn hẹp trong khi kiến thức về công nghệ IoT quá rộng. Dù vậy, cả nhóm đã cố gắng để có thể hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.

"Dù dự án còn khá nhiều thiếu sót nên thời gian tới, nhóm sẽ cải tiến và áp dụng vào thực tế khi có cơ hội", Trường nói.

Trực tiếp hướng dẫn sinh viên thực hiện đề tài, thầy Trần Thành Thắng, giảng viên khối ngành Công nghệ thông tin - FPT Polytechnic Tây Nguyên, cho biết, nhóm khá trầm và chưa xác định rõ ràng về cách làm việc trong khoảng thời gian đầu. Nhưng sau một thời gian thầy trò cùng nghiên cứu, triển khai những tính năng của IoT, nhóm dần có sự thay đổi rất rõ rệt, thể hiện niềm đam mê, yêu thích tìm hiểu và khám phá công nghệ. Chính vì vậy, nhóm đã hoàn thành tốt dự án theo đuổi.

>> FPT Software mang việc làm cho sinh viên Cao đẳng Thực hành

Việt Nguyễn - Phan Vi

Ý kiến

()