Chúng ta

‘Internet là khí oxy’

Thứ ba, 27/1/2015 | 08:50 GMT+7

“Internet sẽ biến mất. Khi ấy chúng ta thậm chí sẽ không cảm nhận được vì Internet hiện diện cùng ta mọi lúc mọi nơi”, Chủ tịch Google Eric Schmidt nhận định.

Các công nghệ mới, bao gồm Internet, giúp con người nâng cao tri thức với nguồn dữ liệu mở, dồi dào và gần như miễn phí, đồng thời tạo thêm nhiều việc làm. Theo ước tính, cứ một công việc liên quan đến công nghệ sẽ tạo thêm 5-7 công việc đi kèm.

Sự phát triển của công nghệ và những tác động của nó tới đời sống kinh tế, xã hội hiện nay là một trong những nội dung của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2015. Chủ đề "The Future of the Digital Economy" (tạm dịch: Tương lai của nền kinh tế kỹ thuật số) là một trong những phiên thảo luận chính được thực hiện trong khuôn khổ hội nghị thường niên lần thứ 45 của Diễn đàn kKnh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ.

635575494865159558w.jpg

Chủ tịch Google và COO Facebook trong phiên thảo luận về tương lai Internet. Ảnh: WEF.

Khách mời tham gia phiên thảo luận này gồm lãnh đạo của các doanh nghiệp công nghệ tiên phong trên thế giới hiện nay như: Satya Nadella, CEO Microsoft; Eric Schmidt, Chủ tịch Google; Sheryl Sandberg, COO Facebook; Vittoria Colao, CEO Vondafone Group…

Nhóm diễn giả từ giới công nghệ đều rất lạc quan khi đưa ra dự đoán về tương lai của nền kinh tế kỹ thuật số. Theo số liệu công bố tại Davos, hiện có 40% dân số toàn cầu sử dụng Internet mỗi ngày. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet cùng với ứng dụng phổ biến của các thiết bị điện thoại thông minh hay máy tính bảng giúp mọi người có thể dễ dàng kết nối và tương tác với nhau từ bất kỳ nơi nào trên thế giới. Không một quốc gia nào có thể đứng ngoài xu thế toàn cầu hóa công nghệ. Tuy nhiên, các chính phủ cần đưa ra những quy định kiểm soát chặt chẽ để tránh lạm dụng thế giới ảo Internet và sử dụng thông tin sai mục đích.

Khi đề cập đến những thay đổi do Internet mang lại, COO của Facebook Sheryl Sandberg đánh giá, Internet giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và làm giảm những bất bình đẳng. Theo bà, trước đây những người phải "câm nín” giờ thông qua các mạng xã hội đã có thể tự do thể hiện quan điểm. “Tại một số nước đang phát triển, như Ấn Độ, Internet giúp phụ nữ tiếp cận với những tri thức giáo dục cần thiết về giới tính, quyền bình đẳng hay các kỹ năng chăm sóc con cái. Từ đó giúp họ xây dựng cuộc sống ổn định và hạnh phúc hơn”.

RTR4MI8R-MSFT-CEO.jpg

CEO quyền lực của Microsoft, tỏ ra lạc quan khi tuyệt đối tin tưởng rằng công nghệ giúp kết nối mọi người lại với nhau và giúp tất cả chúng ta làm nên những điều vĩ đại. Ảnh: WEF.

Theo CEO Microsoft Satya Nadella, việc ứng dụng công nghệ thông minh, qua ứng dụng điện thoại hay xây dựng các kho dữ liệu “trên mây”, sẽ đem lại nhiều cơ hội kinh doanh mới và có thể tiết kiệm chi phí CNTT trong một số lĩnh vực kinh tế như ngành ngân hàng hay bảo hiểm. Lãnh đạo Microsoft cũng khẳng định cuộc cách mạng công nghệ sẽ mang lại thay đổi trên thị trường lao động.

"Vai trò của công nghệ, với tôi, suy cho cùng là nguồn nhân lực và tiềm năng của con người. Công nghệ trao quyền cho con người để tạo ra những điều lớn lao. Bạn có thể lạc quan về những gì công nghệ mang lại dưới bàn tay của con người", người điều hành hãng phần mềm Mỹ nói và cho biết Internet là một trong những hàng hóa quan trọng của thế giới.

Trong khi đó, Chủ tịch Google Eric Schmidt tiên đoán những phát triển mới trong ngành trí tuệ nhân tạo sẽ mang lại trí thông minh vượt trội cho con người trên hành tinh này bởi những điện thoại thông minh về cơ bản là những siêu máy tính. "Năm 2014 ghi nhận khoảng 400 triệu người sở hữu điện thoại thông minh. Nếu bạn nghĩ rằng đó là điều đáng kinh ngạc, hãy tưởng tượng những lợi ích trong thế giới đang phát triển ngày nay".

Lãnh đạo hãng tìm kiếm lớn nhất thế giới nhận xét, lĩnh vực giáo dục nói riêng và học tập nói chung đang được trang bị những công cụ tiên tiến nhất. “Loài người trở nên thông minh hơn nhờ công nghệ… và bí quyết cho sự tiến bộ của công nghệ là sự trao quyền cho con người”, ông Eric Schmidt đánh giá. “Internet sẽ biến mất. Khi ấy chúng ta thậm chí sẽ không cảm nhận được vì Internet sẽ hiện diện cùng ta mọi lúc mọi nơi”.

Cùng nói về trí tuệ nhân tạo, Tim Berners-Lee, Giáo sư kỹ thuật, Khoa học Máy tính và Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo ĐH Công nghệ Massachusetts (MIT), lại hy vọng rằng khi quay trở lại Davos vào năm tới, các diễn giả sẽ nói về những điều tích cực hơn. “Thay vì chỉ lo lắng về những nỗi sợ hãi mơ hồ rằng ai đó đang xâm nhập và phá hoại dữ liệu cá nhân của mình, chúng ta hãy tỉnh táo để xem xét những khả năng tích cực với những dữ liệu đó", Giáp sư Tim Berners-Lee nói. "Tôi hy vọng chúng ta sẽ có thể lưu trữ dữ liệu ở bất cứ nơi nào, khi mà dữ liệu đó được gìn giữ như cách chúng ta muốn".

1297655640240-ORIGINAL.jpg

Vittorio Colao, CEO của tập đoàn viễn thông Vodafone, cho biết có sự phân mảng và chỉ ra sự khác nhau về quy định của các nước đã ảnh hưởng đến lưu lượng của mạng. Ảnh: WEF.

Là nhà tiên phong trong công nghệ điện toán đám mây, Marc Benioff R., Chủ tịch và Giám đốc điều hành Salesforce, Mỹ, lại nêu quan điểm về tính minh bạch. "Niềm tin là một vấn đề cần được xem xét nghiêm túc. Chúng ta phải tiến tới một cấp độ mới về tính minh bạch, và chỉ khi minh bạch triệt để, chúng ta mới tạo dựng được mức độ hoàn toàn mới của niềm tin".

Đại diện mảng Viễn thông, ông Vittorio Colao, Giám đốc điều hành Tập đoàn Vodafone, Anh, đề cập đến viễn cảnh của nền kinh tế kỹ thuật số giống như một bộ phim. “Tôi nhìn thấy hình ảnh con người được kết nối với độ trễ rất thấp, ở tốc độ rất cao, kết nối dày đặc luôn sẵn sàng”, CEO Vodafone nói. “Ngày nay chúng ta đang ở điểm khởi đầu của những điều tuyệt vời. Tôi thấy sự giải phóng, không chỉ về năng suất và tiền bạc, mà còn về năng lượng tích cực có thể mang lại một thế giới bình đẳng hơn”.

Ông Colao đồng ý với quan điểm của ông Schmidt đồng thời so sánh Internet với “nước, khí oxy” trong một “tình hình siêu kết nối” của cuộc sống. “Internet chính là khí oxy, nó là nước".

Hội nghị Davos diễn ra vào hai tuần cuối của tháng 1 hằng năm. Năm nay, hội nghị có chủ đề "Bối cảnh toàn cầu mới". Diễn đàn được kéo dài từ ngày 21 đến 24/1 đặt ra mục tiêu kéo nền kinh tế thế giới thoát khỏi tình trạng trì trệ. Tới hội nghị lần này, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu. Về phía doanh nghiệp có Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, CEO VinaCapital Don Lam và TGĐ Vingroup Dương Thị Mai Hoa. Anh Bình tham dự với tư cách thành viên sáng lập WEF.

Đại diện FPT đã tham gia các phiên song phương cấp chính phủ trong Hội nghị toàn thể khu vực châu Á, ASEAN và Việt Nam. Cạnh đó, Chủ tịch FPT còn gặp lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu trong những lĩnh vực mà tập đoàn quan tâm. FPT tham dự Hội nghị Davos nhằm mở rộng mạng lưới, mối quan hệ và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực CNTT với các công ty lớn trên thế giới.

Trong khuôn khổ WEF 45, FPT đã thu được những kết quả tích cực. Tập đoàn sẽ xúc tiến thành lập IT-SW Center cho công ty công nghệ sinh học hàng đầu Mỹ; xây dựng đối tác chiến lược với hãng phần mềm và phần cứng về quản lý thông tin và lưu trữ dữ liệu số thuộc danh sánh Fortune 500; trao đổi việc hợp tác với tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới…

Nguyên Văn (theo BI/WEF)

Ý kiến

()