Chúng ta

Hồi hộp chờ tín hiệu vệ tinh F-1

Thứ năm, 4/10/2012 | 16:40 GMT+7

“Nếu có một điều ước, tôi chỉ mong vệ tinh F-1 sẽ ‘sống’ và phát tín hiệu về trạm mặt đất của FSpace”, Đào Văn Thắng, thành viên Phòng Nghiên cứu Không gian, bày tỏ, khi chỉ còn vài giờ nữa, F-1 sẽ bắt đầu hành trình mới.
> Ngày 4/10, F-1 dự kiến được thả từ trạm ISS

Vào 22h35 tối nay (giờ Hà Nội), vệ tinh F-1 do FPT chế tạo sẽ được thả ra từ Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS) và bắt đầu nhiệm vụ của mình.

Xem tường thuật trực tiếp quá trình thả vệ tinh F-1 từ trạm ISS ra quỹ đạo trên trang web của JAXA tại đây.

Từ Italy, Trưởng nhóm FSpace Vũ Trọng Thư đã liên tục cập nhật tình hình qua các kênh của Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản, Mỹ và đếm ngược đến thời khắc quan trọng này. Trước đó, vệ tinh F-1 đã lùi kế hoạch thả ra khỏi ISS vào ngày 27/9 do một số trục trặc kỹ thuật.

Ở FPT, các thành viên trong nhóm cũng hồi hộp không kém. Anh Đinh Quốc Trí cho biết: “Cảm xúc chung bây giờ là rất hồi hộp và lo lắng vì không biết vệ tinh F-1 sau khi được thả ra có hoạt động đúng như mong muốn ban đầu hay không”.

Thành viên FSpace hồi hộp chờ vệ tinh F-1 được thả ra ngoài ISS vào đêm nay. Ảnh: L.T.

Thành viên FSpace hồi hộp chờ vệ tinh F-1 được thả ra ngoài ISS vào đêm nay. Ảnh: L.T.

Theo anh Trí, công nghệ vũ trụ nói chung và vệ tinh nói riêng đều có một độ rủi ro nhất định. Nhất là đây là lần đầu tiên FPT tự chế tạo vệ tinh, nên các vấn đề đều có thể xảy ra.

Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương cũng đang khá hồi hộp với “chuyến du hành vũ trụ” lần này của F-1. “Khác với lần phóng vệ tinh vào tháng 7, lần này tôi hồi hộp vì lo ngại sẽ có một số trở ngại đối với F-1, như phải chờ thời gian sạc pin và vấn đề về phóng xạ”.

Tuy nhiên, như bao thành viên khác của FSpace, anh Phương đang tràn trề hy vọng mọi chuyện tốt đẹp và F-1 sẽ hoạt động và truyền tín hiệu về trạm mặt đất.

Clip mô phỏng quá trình phóng vệ tinh tại đây.

Ngay sau khi F-1 được phóng lên ISS, nhóm Fspace đã bắt tay vào chuẩn bị cho việc thu tín hiệu vệ tinh. Các thành viên FSpace đều được tập luyện kỹ năng thu tín hiệu vệ tinh như bám tọa độ, điều chỉnh Doppler, căn chỉnh ăng-ten, nhận tín hiệu và giải mã... Đồng thời, cũng kiểm tra và hiệu chỉnh lại trang thiết bị trạm mặt đất lần cuối trước khi F-1 được thả ra để chuẩn bị tốt nhất cho việc thu tín hiệu vệ tinh.

Theo anh Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, 30 phút sau khi rời ống phóng thì vệ tinh được bật lên. Pin của vệ tinh sẽ được các tấm pin mặt trời sạc trong vòng vài giờ đến vài ngày cho đầy. Khi pin đầy thì nguồn điện trên vệ tinh được đảm bảo và vệ tinh bước vào hoạt động bình thường. 

Mô phỏng quá trình thả vệ tinh F-1 từ cánh tay robot. Ảnh: JAXA.

Mô phỏng quá trình thả vệ tinh F-1 từ cánh tay robot. Ảnh: JAXA.

Trong chế độ hoạt động bình thường, vệ tinh luôn phát ra sóng radio chứa thông tin về tên và các thông số đặc trưng cho vệ tinh F-1. Các trạm thu radio ở bất kỳ vị trí nào trên bề mặt trái đất cũng có thể thu được tín hiệu này và giải mã được nó để biết F-1 đã bay qua vị trí của trạm đó. 

“Nếu các trạm thu radio ở nước ngoài thông báo về việc họ đã bắt được tín hiệu của F-1, hoặc bản thân trạm thu của nhóm bắt được tín hiệu thì nghĩa là vệ tinh F-1 đã hoạt động”, anh phân tích.

Khi đó, dựa vào số liệu tiên đoán quỹ đạo bay, có đối chứng với vị trí các trạm thu và thời điểm thu tín hiệu F-1, nhóm biết trước khi nào vệ tinh đi qua trạm của mình (đặt tại nóc nhà FPT Cầu Giấy). Khi F-1 đi qua thì nếu có nhu cầu sẽ gửi tín hiệu ra lệnh và thu tín hiệu đáp trả của F-1. Nếu mọi lệnh phát lên đều được đáp ứng nghĩa là liên lạc cả hai chiều (từ vệ tinh xuống mặt đất và từ mặt đất lên vệ tinh) đã thành công.

Viện Trưởng Viện Nghiên cứu FPT cho biết, anh cũng chuẩn bị một thí nghiệm công nghệ để sẵn sàng thực hiện trên vệ tinh nếu vệ tinh hoạt động tốt.

Việc vệ tinh F-1 phát tín hiệu không chỉ là niềm vui của FPT về “đứa con tinh thần” đã cứng cáp mà còn khẳng định được thiết kế, quy trình chế tạo, thử nghiệm vệ tinh nano mà nhóm nghiên cứu đã thực hiện có hoạt động tốt trong không gian hay không. “Nếu thành công thì đây là "chứng chỉ" cho nhóm được tham gia hợp tác sâu hơn trong lĩnh vực này với các đối tác trên thế giới”, anh Trung nhận xét.

Từ đó mở ra cơ hội cho FSpace được hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế ở các dự án chế tạo vệ tinh khác. Trong đó, vệ tinh có thể phục vụ nghiên cứu khoa học hoặc được ứng dụng trong quan trắc, thu thập thông tin và liên lạc.

“Sau 4 năm thai nghén, cuối cùng "đứa con" của phòng đã được sinh ra, hy vọng nó khỏe mạnh và cất tiếng khóc chào đời đầu tiên (phát tín hiệu đầu tiên) vào sáng ngày 5/10”, Thắng bồi hồi. Đêm nay, Thắng và các thành viên trong nhóm sẽ tổ chức buổi xem tường thuật trực tiếp vệ tinh F-1 được thả ra trên kênh của JAXA và NASA, tại tầng 14 tòa nhà FPT Cầu Giấy. Với Thắng, đây sẽ là một đêm nhiều cảm xúc.

Ngày 21/7, vệ tinh F-1 đã được đưa thành công lên vũ trụ trên tàu vận tải HTV-3 bằng tên lửa đẩy HII-B từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản. F-1 mang theo một lá cờ Việt Nam thu nhỏ, thẻ nhớ chứa tên và lời nhắn của hơn 7.500 người và một số bài hát kỷ niệm.

6 ngày sau, tàu vận tải HTV-3 đã tiếp cận và ghép nối với trạm ISS, F-1 và các vệ tinh nhỏ đi cùng đã được chuyển sang môđun Kibo sau đó. Đến ngày 21/9, phi hành gia Akihiko Hoshide đã lắp đặt 2 ống phóng chứa F-1 và các vệ tinh nhỏ đi cùng vào trong khoang điều áp của mô đun Kibo, sẵn sàng cho thử nghiệm thả vệ tinh ngày 4/10 tới.

Dự án chế tạo vệ tinh F-1 được khởi động từ 4 năm trước, nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của FPT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Vũ trụ Quốc tế (IAF), Văn phòng các vấn đề vũ trụ Liên Hợp Quốc (UNOOSA) cũng như nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. 

Triệu Mẫn

Ý kiến

()