Chúng ta

Hiện thực hóa sáng kiến đào tạo lập trình di động

Thứ tư, 22/4/2015 | 10:37 GMT+7

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Dương Ngọc Long Nam đánh giá, sáng kiến Đào tạo lập trình viên theo xu hướng "Mobile First" là ý tưởng rất giá trị đối với RAD nói riêng và FPT Telecom nói chung, khi giải quyết được bài toán khó về nhân sự và lương bổng. “Giờ đây, chúng tôi không còn đứng trước áp lực phải tuyển người và trả lương thật cao. Ý tưởng này có khả năng ứng dụng cao”.

Hiến kế sáng tạo đầu tiên gửi về tham gia cuộc thi “Sáng tạo FTEL 2015” có tên: Đào tạo lập trình viên theo xu hướng "Mobile First" được đưa ra bởi hai nhân sự từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (RAD): Nguyễn Ngọc Đỉnh và Nguyễn Giáp Nguyên Sinh.

Mobile First - Di động là trên hết - là xu hướng đang thịnh hành hiện nay, khi những nền tảng trước đó đã dần trở nên lỗi thời. Từ thực tế thiếu hụt nhân sự lập trình viên mảng thiết bị di động, Đỉnh và Sinh đã hình thành ý tưởng đào tạo lập trình viên theo xu hướng này. “Mobile First là xu hướng của thời đại, tuy nhiên, số lượng lập trình viên có thể làm công việc này hiện rất hiếm. Cả RAD của FPT Telecom hiện có trên 80 lập trình viên, hầu hết đều chỉ có thể lập trình Web và Windows. Để các đồng nghiệp có thể lập trình trên di động, cần phải trải qua những khóa đào tạo. Đó là điều chúng tôi luôn trăn trở”, anh Nguyễn Ngọc Đỉnh, quản lý phòng ứng dụng công nghệ, lý giải về điểm xuất phát của ý tưởng.

1-JPG-6846-1429614476.jpg

Anh Đỉnh (trái) và anh Sinh nhận giải thưởng cho hiến kế đầu tiên gửi về chương trình. Ảnh: Phan Nhật.

Theo anh Dương Ngọc Long Nam, GĐ Trung tâm, từ đầu năm đến nay, số lượng lập trình viên mảng di động rời khỏi công ty là khá cao nhưng số được tuyển mới chưa bù đắp được lượng thiếu hụt. “Trong khi người cũ đã đi mà người mới chưa đến, cung không đủ cầu. Chúng tôi đăng tin tuyển nhân sự mảng này liên tục nhưng ứng viên đáp ứng quá ít”, anh Nam lắc đầu. “Mặt khác, họ đòi lương rất cao. Đó là bài toán nan giải”.

Ý tưởng “Đào tạo lập trình viên theo xu hướng di động” được hai tác giả kỳ vọng sẽ giải bài toán khó ấy. Ý tưởng này nhằm tận dụng nguồn lực, nâng cao kỹ năng của lập trình viên FPT Telecom. Theo đó, đối với các lập trình viên tuyển mới, chỉ cần yêu cầu kiến thức nền tảng về lập trình và tư duy, còn kỹ năng lập trình trên thiết bị di động sẽ được trang bị qua các khóa đào tạo. Từ đó vừa giải quyết được bài toán nguồn lực thiếu thốn, vừa chủ động cung cấp nguồn lực đúng yêu cầu của công ty.

Theo CEO Nguyễn Văn Khoa, một trong những kinh nghiệm để FPT Telecom phát triển như ngày nay là CBNV đơn vị luôn không ngừng học hỏi cái mới, cái tốt hơn.

Sáng kiến này đã được triển khai trước khi Ban lãnh đạo FPT Telecom chính thức phát động cuộc thi “Sáng tạo FTEL 2015”. Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện ý tưởng là phải tìm người soạn giáo trình và đứng lớp.

Không ai khác ngoài Đỉnh và Sinh có thể thực hiện được điều đó. Trong một tuần, Trung tâm sẽ tổ chức 1-2 buổi huấn luyện kỹ năng. Với lớp Android, Đỉnh sẽ là người soạn bài và lên phương án giảng dạy. Tương tự với OS sẽ là Sinh phụ trách. Điểm đặc biệt là việc soạn giáo án diễn ra song song với khóa học để dễ cập nhật và điều chỉnh. Tâm huyết, nhiệt tình và vững vàng chuyên môn, chàng trai trẻ mê lập trình này là nhân tố chủ chốt trong ý tưởng của chính mình.

Khó khăn thứ hai là giải bài toán để chủ động thời gian và không gian. Và cách làm là họ chọn đào tạo vào sát giờ nghỉ trưa, khi đó nhân viên cảm thấy thoải mái hơn. Một buổi học kéo dài khoảng 1,5 giờ. Các học viên nếu không sắp xếp được thời gian tham gia trực tiếp vẫn nhận được những tài liệu từ giáo viên hay các học viên khác.

Dù ý tưởng còn khá mới mẻ nhưng lập tức đã có rất nhiều lập trình viên đăng ký tham gia. Hiện tại, hai lớp huấn luyện kỹ năng đầu tiên của Đỉnh và Sinh đang diễn ra hằng tuần với số lượng người tham gia mỗi lớp là 25 thành viên. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn thế. Có nhiều nhân viên từ những phòng ban khác cũng đến tham gia để học hỏi thêm kiến thức mới.

Anh Sinh tâm sự, hiện tại có sự phân biệt giữa lập trình viên di động và mảng khác. Điều này đã thôi thúc Sinh thúc đẩy ý tưởng. “Chính sách dành cho lập trình viên trên thiết bị di động luôn tốt hơn. Tôi thấy điều này không được công bằng lắm với những lập trình viên khác, mặc dù nền tảng của cả hai là giống nhau. Chúng tôi muốn xóa bỏ cái lệ ấy. Một khi đã là lập trình viên thì phải lập trình được mọi thứ”.

Để minh họa, anh Nam đưa ra sản phẩm NhacSO chạy trên điện thoại di động. “Đây chính là dự án được thực hiện từ những lập trình viên thông thường, có tham gia lớp học kỹ năng của Đỉnh và Sinh. Họ vừa làm dự án, vừa song song tham gia khóa đào tạo, chính vì vậy đã mang về những kết quả tốt nhất”, vừa nói anh Nam vừa đưa chiếc iPhone và tai nghe để Chúng ta trải nghiệm phiên bản mới của NhacSO.net.

Cuộc thi “Sáng tạo FTEL 2015” không chỉ có ý nghĩa với FPT Telecom nói chung, mà còn với riêng cá nhân của những người đưa ra ý tưởng. “Tôi nghĩ mình đã làm được một việc, là thúc đẩy phá vỡ thế “ì” của một bộ phận nhân viên. Cuộc thi tập trung các sáng kiến, tìm giải pháp để công ty phát triển. Mỗi thành viên là một mắc xích nhỏ, tạo thành một khối lớn vững mạnh”, Quản lý nhóm iOS Nguyễn Giáp Nguyên Sinh chia sẻ.

Còn đối với Nguyễn Ngọc Đỉnh, đây là cơ hội để thể hiện những ý tưởng của mình. “Trong đầu tôi luôn có rất nhiều ý tưởng, nhưng đôi lúc không có nơi để giãi bày. Cuộc thi là cơ hội để tôi đưa chúng đến với nhiều người hơn, đóng góp một phần công sức cho công ty”. Đỉnh tin tưởng, ý tưởng sáng tạo của anh sẽ thay đổi cách thức tuyển dụng, mở một hướng đi mới trong việc tuyển nhân sự. Ngoài ra, ý tưởng của hai chàng lập trình viên còn gợi mở cho các trung tâm, phòng ban khác một cách xây dựng nguồn lực chủ động hơn.

Ngày 21/4, "nhà Cáo" đã tổ chức trao thưởng giải may mắn cho người gửi sáng kiến đầu tiên và các tác giả có con số thứ tự 50, 100 và 150 trong các hiến kế gửi về Chương trình "Sáng tạo FTEL 2015". 

Cặp đôi Nguyễn Ngọc Đỉnh và Nguyễn Giáp Nguyên Sinh, Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển - RAD, nhóm tác giả đầu tiên gửi sáng kiến và giành giải thưởng 1 triệu đồng của chương trình. Hiến kế có tên Đào tạo lập trình viên theo xu hướng "Mobile First".

Những người may mắn ở vị trí 50, 100 và 150 lần lượt nhận 500.000 đồng gồm: Anh Nguyễn Huy Hiệp, Ban Nhân sự, với "Lớp ôn luyện cho ứng viên muốn ứng tuyển vào FPT Telecom"; anh Trần Quốc Đại, Trung tâm Đào tạo, hiến kế: Dịch vụ xây dựng bộ tiêu chuẩn dịch vụ khách hàng cho khối non-FO; và chị Nguyễn Thị Minh, Ban Chất lượng, đề tài: Bổ sung định nghĩa/hướng dẫn/giải thích cho các tool trong inside.

Sau 3 tuần triển khai, "Sáng tạo FTEL" đã nhận được 172 sáng kiến gửi về từ khắp các chi nhánh, phòng ban trên toàn quốc. Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển (RAD) hiện vươn lên dẫn đầu cuộc đua với 38 ý tưởng, trong đó có tới 34 ý tưởng được gửi chỉ trong tuần qua.

Yến Nhi

Ý kiến

()