Chúng ta

HCM_C2C Vô địch FSU2 Hackathon mùa đầu tiên

Thứ hai, 5/11/2018 | 18:12 GMT+7

Lần đầu tiên cuộc thi công nghệ theo hình thức Hackathon được FSU2 tổ chức. HCM_C2C đến từ FSU2 HCM xuất sắc giành giải Nhất trị giá 10 triệu đồng. 

Sau hơn một tháng tranh tài, trải qua vòng loại và chung kết cam go, vượt qua 60 đội thi khác, cái tên xuất sắc nhất được vinh danh tại FSU2 Hackathon mùa đầu tiên là HCM_C2C, gồm các thành viên: Trần Vĩnh Quang, Nguyễn Hữu Kiên, Nguyễn Doãn Hải Long và Nguyễn Thành Sang đến từ FSU2 HCM, nhận giải thưởng trị giá 10 triệu đồng. 

Nhóm HCM_C2C được Ban giám khảo đánh giá rất cao với ứng dụng dự đoán được khả năng nghỉ việc của CBNV. Ứng dụng dựa trên các dữ liệu đầu vào là FPT Software TMS, kết quả check-point, thời gian làm việc, số liệu rà soát hằng tháng. 

Trần Vĩnh Quang (FSU2 HCM) chia sẻ: “Nhóm rất bất ngờ khi đạt giải cao nhất vì trước khi thi không hề đặt mục tiêu sẽ vô địch. Trải qua 10 giờ liên tục với rất nhiều khó khăn mới có thể đưa ra quyết định về giải pháp. Nhóm rất vui vì kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của mình”.

Lần đầu tiên FSU2 tổ chức một cuộc thi Hackathon về công nghệ trên 4 miền - nơi có campus FPT Software tại Việt Nam. FSU2 Hackathon diễn ra từ ngày 25/9 đến 2/11 tại các thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ.  

Chung kết FSU2 Hackathon là cuộc tranh tài của 4 đội xuất sắc nhất FSU2 mỗi miền được tuyển chọn từ vòng loại, bao gồm: HN_Unknown (Hà Nội), DN_Sexy (Đà Nẵng), CT_Hackathon (Cần Thơ), HCM_C2C (TP HCM). 

9-5942-1541381290.jpg

Các đội trình bày giải pháp trong 15 phút và phản biện 30 phút.

Ban giám khảo gồm Tiến sĩ Phạm Nguyên Khang - Phó khoa CNTT ĐH Cần Thơ, anh Bùi Anh Tuấn - chuyên gia công nghệ Tập đoàn FPT, anh Đào Đình Thái (FPT Sofware Hà Nội), anh Phan Ngọc Tuấn (FPT Software  Đà Nẵng), anh Phạm Đăng Khôi (FPT Software HCM). Trận chung kết có sự hiện diện cổ vũ của Ban lãnh đạo FSU2. 

Trước thời khắc công bố kết quả, Giám đốc FPT Software Cần Thơ - anh Trần Minh Hùng cảm ơn Ban tổ chức đã tạo ra một cuộc thi sáng tạo, thực tế, cũng như vinh dự khi cuộc thi FSU2 Hackathon chọn nhà mới của FPT Software Cần Thơ để tổ chức chung kết. Anh Hùng đánh giá năng lực của các đội vào chung kết rất cao và hướng phát triển nhiều tiềm năng. “FSU2 tiên phong tổ chức cuộc thi Hackathon trong nhà Phần mềm. Hy vọng các đội sẽ mang những kinh nghiệm để phát triển cho đơn vị mình và cuộc thi sẽ được duy trì”, Giám đốc FPT Software Cần Thơ bày tỏ.

4-8658-1541381290.jpg

Hackathon là hình thức các bên sẽ cùng nhau làm sản phẩm trong thời gian ngắn.

Cuộc thi được FSU2 tổ chức, trận chung kết đặt ra vấn đề kế thừa mục tiêu của FPT Software năm 2024 phải vào “World Class”, đề bài đặt ra cho các đội là làm sao tăng năng suất gấp đôi và giảm nghỉ việc 50%. Thời gian của các đội trình bày 15 phút và phản biện 30 phút. 

Đối tượng tham gia là toàn thể CBNV của đơn vị FSU2 đang làm việc tại Việt Nam. Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức (BTC) kỳ vọng mang đến sân chơi giúp các thành viên trong ngôi nhà chung FSU2 toàn quốc được rèn luyện, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong công việc, tăng sự gắn kết. 

2-5155-1541381290.jpg

Giám đốc FPT Software Cần Thơ - anh Trần Minh Hùng (ngoài cùng bên phải) công bố kết quả.

Có 61 đội đăng ký, dẫn đầu là FSU2 HCM với 29 đội, Đà Nẵng có 21 đội và Hà Nội là 9 đội. Tại vòng loại online diễn ra ngày 12/10, các đội sẽ tham gia giải đề thi Tournament trên CodeSignal.

Vòng loại áp dụng hình thức thi online tại các miền, diễn ra ngày 12/10. BTC sử dụng ngẫu nhiên bộ đề thi có sẵn của CodeSignal, các đội tham gia giải đề thi Tournament. Việc đánh giá, xếp hạng sẽ dựa theo số điểm cao nhất với thời gian làm bài ngắn nhất.

Vòng loại lựa chọn ra 5 đội: nhất các miền Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ bước tiếp vào vòng chung kết diễn ra tại Cần Thơ trong hai ngày 1-2/11. Các đội có 8 giờ để hiện thực giải pháp theo chủ đề BTC đưa ra, 15 phút trình bày và 30 phút trả lời vấn đáp.

6-2352-1541381290.jpg

FSU2 là đơn vị tiên phong trong FPT Software tổ chức cuộc thi công nghệ theo hình thức Hackathon.

Hackathon là hình thức làm sản phẩm mà tại đó, các lập trình viên cùng những người liên quan trong ngành phát triển phần mềm như các nhà thiết kế đồ họa, thiết kế giao diện, quản lý dự án sẽ hợp tác với nhau trong thời gian ngắn để hoàn thành một dự án phần mềm.

Hackathon đã trở thành một trào lưu trong những năm gần đây, được giới công nghệ yêu thích. Sự căng thẳng, tập trung của đặc trưng các cuộc thi theo mô hình này đôi khi giúp tạo ra những sản phẩm rất giá trị. Nút Like và chức năng Chat của Facebook đều là sản phẩm của những cuộc thi Hackathon trong nội bộ công ty. Một sản phẩm từ hackathon khác cũng rất thành công là GroupMe - ứng dụng chat được Skype mua lại với giá 80 triệu USD vào năm 2011.

>> Chủ tịch FPT nói về tương lai ngành CNTT tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp - Việt

Xuân Phươngc - FSU2

Ảnh: Trung Hiền

Ý kiến

()