Chúng ta

GS Trịnh Xuân Thuận: ‘2012 không phải là năm tận thế’

Thứ sáu, 9/12/2011 | 11:34 GMT+7

"2012 sẽ không phải là năm tận thế như đồn đoán”, Giáo sư thiên văn học Trịnh Xuân Thuận giải thích trong buổi nói chuyện tại ĐH FPT tối 8/12.
> GS Trịnh Xuân Thuận: 'Chúng ta là con đẻ của thời gian'

“Vũ trụ giãn nở trong vô tận. Dần dần các ngôi sao chết hết, vũ trụ ngày càng lạnh. Nhưng điều đó phải hàng tỷ năm mới xảy ra, nên chúng ta đừng vội lo ngày tận thế", GS nói.

Buổi nói chuyện với vị giáo sư thiên văn học nổi tiếng thế giới với chủ đề “Con người ở đâu trong vũ trụ”, đã thu hút nhiều sinh viên, lãnh đạo trường ĐH FPT tham gia. Trước khi chương trình diễn ra, hội trường lớn của ĐH FPT với sức chứa 300 người đã không còn chỗ trống. Ghế dự phòng cũng được sử dụng hết, rất nhiều người tham gia đã phải đứng để theo dõi buổi nói chuyện thú vị này.

Với tài dẫn dắt chuyện khéo léo của MC Giáo sư Xoay – Đinh Tiến Dũng, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã chia sẻ về con đường ông gắn bó với thiên văn học. Từ nhỏ giáo sư đã thích thiên văn học, ông luôn đặt câu hỏi về các hiện tượng tự nhiên trên bầu trời. Sau đó, ông sang Mỹ học ngành vật lý. Nhưng khi nhìn thấy chiếc kính thiên văn học lớn nhất thế giới, khi nhận thông tin con người đặt chân lên mặt trăng, niềm đam mê thiên văn học lại thôi thúc ông. Cuối cùng, ông đã trở thành nhà thiên văn học thay vì nhà vật lý học.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận (ở giữa) đã thổi niềm đam mê khoa học cho các sinh viên ĐH FPT. Ảnh: Thành Long.

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận (ở giữa) đã thổi niềm đam mê khoa học cho các sinh viên ĐH FPT. Ảnh: Thành Long.

“Cuộc đời bị kéo lệch sang thiên văn. Nhưng tôi không bao giờ tiếc quyết định đó”, giáo sư bày tỏ.

Giáo sư Chu Hảo – người “song tấu” cùng giáo sư Thuận trong chương trình, đã tiết lộ rằng: Vì quá say mê bầu trời nên giáo sư Trịnh Xuân Thuận mãi không chịu lấy vợ. Đến gần đây giáo sư mới có “mối tình sét đánh”.

Trước câu đùa hóm hỉnh của MC Cù Trọng Xoay “Giáo sư Thuận nghiên cứu về bầu trời mà 40 năm mới bị sét đánh kể cũng lạ”, khiến cả khách mời và hội trường cười nghiêng ngả, câu chuyện chia sẻ từ đó cũng tự nhiên hơn.

Suốt hơn 2 giờ 30 phút diễn ra chương trình, nhà thiên văn học người Mỹ gốc Việt đã kể cho các sinh viên ĐH FPT về sự ra đời của các ngôi sao, mối liên quan giữa thiên văn học và Phật giáo, đồng thời chứng minh cho mọi người rằng trái đất sẽ không bị hủy diệt vào năm 2012 như đồn đoán.

Ông đã khái quát lịch sử hình thành ý tưởng vũ trụ của loài người với nhiều cách nghĩ khác nhau về vũ trụ, từ quan điểm sai lầm thuở sơ khai ban đầu như trái đất là trung tâm vũ trụ, mặt trời là trung tâm vũ trụ cho đến khi ra đời lý thuyết vũ trụ gồm vô số các thiên hà như ngày nay.

Với tài dẫn dắt Giáo sư Xoay - Đinh Tiến Dũng mang đến những tràng cười sảng khoái cho chương trình. Ảnh: Thành Long.

Với tài dẫn dắt Giáo sư Xoay - Đinh Tiến Dũng mang đến những tràng cười sảng khoái cho chương trình. Ảnh: Thành Long.

Nói về sự lịch sử hình thành vũ trụ, giáo sư Trịnh Xuân Thuận cho biết, có 11 tỷ ngôi sao trong ngân hà, nhưng “chúng ta chỉ nhìn 2.000 ngôi sao. Mặt trời là một trong hàng trăm tỉ ngôi sao trong dải ngân hà mà thôi. Vũ trụ có trăm tỉ ngân hà, và một ngân hà có hàng trăm tỉ ngôi sao như mặt trời. Do đó, con người càng ngày càng bé đi”.

Theo Giáo sư Thuận, hiện giờ các kính thiên văn lớn nhất trên thế giới cũng chỉ nhìn về quá khứ xa nhất, sau vụ nổ Big bang, là 13 tỷ năm. “Càng đi xa càng khó hơn”, ông nói.

“Nhìn lên vũ trụ bao giờ cũng là nhìn về quá khứ. Kính thiên văn làm nhiệm vụ đó. Một ngôi sao ta nhìn thấy bằng mắt thường, cách chúng ta 1 tỷ năm, khi chúng ta nhìn thấy có thể nó đã chết rồi”, giáo sư cho biết thêm.

Trong buổi nói chuyện, giáo sư dành nhiều thời gian để nói về khoa học thiên văn và Phật giáo. “Nguyên lý của Đạo Phật là vô thường, không gì là vĩnh viễn. Khoa học thế kỷ 20 cũng nói cũng nói đến điều đó, theo lý thuyết Big bang: Cái gì cũng thay đổi, sinh ra, mất đi”.

"Mỗi một thứ đều được sinh ra, sống cuộc đời của nó rồi chết đi. Đức Phật cũng nói rằng, mọi sự vật trên thế gian đều hiện hữu dưới hình thức các mối quan hệ", giáo sư Thuận nhấn mạnh.

Sinh viên ĐH FPT háo hức với chương trình. Khán phòng 300 ghế ngồi đã chật kín, nhiều người đã phải đứng để theo dõi. Ảnh: FU.

Sinh viên ĐH FPT háo hức với chương trình. Khán phòng 300 ghế ngồi đã chật kín, nhiều người đã phải đứng để theo dõi. Ảnh: FU.

Trong thời gian diễn ra chương trình, hàng chục câu hỏi do các giảng viên, sinh viên ĐH FPT đưa ra thể hiện niềm say mê thiên văn học như năng lượng tối, vũ trụ trong những giây đầu tiên, các lỗ đen hiện tượng hạt neutrino nhanh hơn ánh sáng, hay có sự liên quan nào giữa thiên văn học và chiêm tinh, đã được giáo sư Trịnh Xuân Thuận giải thích thỏa đáng.

Đây là lần thứ hai, Phạm Vũ Lộc, thành viên Trung tâm bồi dưỡng Tài năng công nghệ trẻ FPT (FYT), tham gia buổi chia sẻ của giáo sư Trịnh Xuân Thuận. Nhưng Lộc cảm nhận: "Lần này giáo sư chia sẻ những điều rất mới mẻ, hướng tới giới trẻ và đưa các kiến thức rất dễ hiểu”. Lộc cho biết, cậu sẽ tìm đọc thêm các tài liệu của giáo sư Thuận và tìm ra các lời giải đáp cho riêng mình về thiên văn học.

20h20, buổi nói chuyện với giáo sư Trịnh Xuân Thuận kết thúc. Tuy nhiên, phải đến 30 phút sau giáo sư Thuận mới rời ĐH FPT, do vòng vây của người hâm mộ xin chụp hình và chữ ký.

“Một buổi chia sẻ rất thú vị”, giáo sư Trịnh Xuân Thuận đã ghi lại trong sổ lưu niệm của ĐH FPT như vậy. Ông hy vọng lần về Việt Nam sắp tới sẽ có buổi nói chuyện tiếp với các sinh viên ĐH FPT, tiếp tục chia sẻ những kiến thức và niềm say mê khoa học cho các bạn.

Trong hơn 20 ngày ở Việt Nam lần này, ngoài ĐH FPT, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sẽ dành thời gian đến các trường ĐH Quốc gia Hà Nội, Quy Nhơn, Hoa Sen, trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM… để phổ biến những phát hiện mới trong thiên văn học, vũ trụ học, trò chuyện về khoa học và phật giáo, vị trí của con người trong vũ trụ… và những vấn đề khoa học nói chung.

Lâm Thao

Ý kiến

()