Chúng ta

FTS ‘xây’ công nghệ chống kẹt xe

Thứ sáu, 16/11/2012 | 10:55 GMT+7

“Bảng quang báo điện tử sẽ là hướng đi hiệu quả của ngành giao thông thành phố”, ông Đậu An Phúc, Trưởng phòng Quản lý - Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở GTVT TP HCM, khẳng định.
> ‘Công nghệ của FPT góp phần giảm kẹt xe’

"Sau khi thử nghiệm, nhiều người dân đã gọi điện và gửi thư với những phản hồi rất tích cực", ông Phúc bổ sung.

Ngày 9/11, Sở GTVT TP HCM, Công ty TNHH Giải pháp công nghệ cao FPT (FPT High Technology Solutions - FTS) và Kênh VOV giao thông (Đài Tiếng nói Việt Nam) tổ chức ký kết chương trình triển khai thí điểm cung cấp và đưa thông tin giao thông lên hệ thống Bảng quang báo điện tử trên địa bàn TP HCM.

Sự bùng nổ xe cá nhân hiện là một thách thức rất lớn trước nạn ùn tắc giao thông. Với khoảng 6 triệu xe gắn máy và trên 500 nghìn ôtô đang lưu thông tại TP HCM, mật độ phương tiện trên đường luôn dày đặc.

Năm 2007, theo nghiên cứu của Khoa Kỹ thuật Giao thông, ĐH Bách khoa TP HCM, hằng năm, nạn tắc nghẽn giao thông ở thành phố kéo theo thiệt hại về kinh tế xã hội ước tính khoảng 14.000 tỷ đồng (năm 2007, TP HCM có tổng số phương tiện giao thông là hơn 3,5 triệu chiếc).

“Kế hoạch chống ùn tắc giao thông là một trong sáu chương trình trọng điểm của Thành ủy. Thành phố sẽ làm ngay từ bây giờ và liên tục nhiều năm tới”, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, khẳng định tại Hội nghị năm An toàn giao thông 2012.

d

Kẹt xe là vấn nạn giao thông với các đô thị lớn như TP HCM hay Hà Nội. Ảnh: S.T.

Xuất phát từ thực tế tình trạng giao thông tại các đô thị lớn của Việt Nam và định hướng phát triển của đơn vị, sau khi tìm hiểu và tham khảo tại các nước phát triển, từ tháng 7, FTS bắt tay vào nghiên cứu và xây dựng phần mềm riêng áp dụng cho đặc trưng giao thông nước nhà.

Trong quá trình phát triển, nhóm nghiên cứu sản phẩm luôn hào hứng trong việc mang thế mạnh của FTS để giải bài toán giao thông nhằm phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên, do hạ tầng giao thông tại Việt Nam gần như chưa được đầu tư các thiết bị ứng dụng công nghệ cao nên việc thử nghiệm thực tế gặp nhiều khó khăn.

“Điểm ưu việt của dự án là khai thác tối đa hạ tầng hiện hữu, mặc dù chưa có hệ thống thiết bị đo đếm phương tiện. Công nghệ của FTS đã kết nối thành công giữa đơn vị cung cấp tin, đơn vị khai thác và giám sát hệ thống bảng quang báo hiện tại”, anh Phạm Thành Lâm, Quản trị dự án, chia sẻ.

Bằng kinh nghiệm và tâm huyết với các giải pháp phục vụ giao thông, nhóm nghiên cứu và phát triển phầm mềm gồm 3 lập trình viên, 2 kỹ sư thiết kế và một quản trị viên, phần lớn xuất thân từ FPT Software, đã tìm hiểu, nghiên cứu và xây dựng thành công sản phẩm trong vòng 3 tháng.

“Với VMS ITIS (Variable Message Signs Integrated Traffic Information System - Bảng quang báo tích hợp hệ thống thông tin giao thông) của FTS, người dân sẽ được thụ hưởng nhiều thông tin tiện ích để chủ động điều chỉnh hành trình lưu thông, từ đó góp phần giảm dần các vụ ùn tắc”, anh Lâm khẳng định.

d

Bằng công nghệ của FTS, người dân sẽ có sự lựa chọn hành trình hợp lý nhất để tránh kẹt xe. Ảnh: V.N.

Theo đánh giá của Sở GTVT TP HCM, lần đầu tiên ở Việt Nam, thông tin về tình hình giao thông theo thời gian thực được cung cấp tức thời lên hệ thống bảng quang báo điện tử để người tham gia giao thông, đặc biệt là người đi xe máy, nắm bắt kịp thời, tránh đi qua khu vực có mật độ giao thông cao hoặc đang ùn tắc. Đây cũng là tiền đề cho việc triển khai hệ thống "giao thông thông minh" của TP HCM trong thời gian tới.

Công nghệ bảng quang báo điện tử trong giao thông (Variable Message Signs - VMS) đã được áp dụng tại nhiều nước phát triển trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… nhằm giảm kẹt xe trong giờ cao điểm hoặc các trường hợp khấn cấp như tai nạn, cháy nổ… Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore, Malaysia và Thái Lan cũng đang áp công nghệ này. Riêng Thái Lan hiện sử dụng hơn 40 bảng tại Bangkok.

“Một cơ quan ở Mỹ từng thực hiện trắc nghiệm và kết quả cho thấy, thông tin trên bảng quang báo có ảnh hưởng đến hơn 90% người tham gia giao thông trong việc ra quyết định chọn lộ trình”, anh Lâm tiết lộ.

Trong giai đoạn thí điểm, thời gian cung cấp thông tin giao thông trên hệ thống quang báo điện tử sẽ theo khung giờ cao điểm của kênh VOV giao thông 91 MHZ từ thứ Hai đến thứ Sáu: từ 6h30 đến 9h, 10h30 đến 12h và 16h30 đến 19h. Riêng thứ Bảy và Chủ nhật, thông tin được cung cấp từ 17h đến 18h.

Hiện, Sở GTVT TP HCM lắp đặt 14 bảng quang báo điện tử tại các đầu mối giao thông chính trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hoàng Văn Thụ, ngã ba Lăng Cha Cả… Giai đoạn thí điểm của chương trình này được triển khai từ ngày 1/12 đến tháng 4/2013.

Theo trang USRoads.com, trong một nghiên cứu về VMS tại Mỹ, 90% số người mong muốn có Bảng quang báo để cảnh báo tình trạng giao thông tại các giao lộ.

“Đây là công nghệ mới hoàn toàn do các chuyên gia và kỹ sư của FTS tự thiết kế và phát triển để phù hợp với đặc thù giao thông tại Việt Nam”, anh Lâm nhấn mạnh.

Theo đó, thông tin dạng văn bản được VOV cập nhập liên tục và hệ thống của FTS sẽ xử lý, mã hóa tự động khoanh vùng, chọn bảng để hiển thị nội dung. Nội dung này được cập nhật theo đúng mẫu thư viện đã được xét duyệt trước. Sau đó, thông tin được chuyển sang cơ quan giám sát để phê duyệt trực tuyến trước khi hệ thống tự động cập nhật lên các Bảng quang báo.

Đại diện FTS cho rằng, hiện nguồn tin của VOV và VOH (Đài tiếng nói nhân dân TP HCM) mới chỉ phục vụ 200.000 xe ôtô tham gia giao thông trên các tuyến của của thành phố, trong khi nếu được triển khai rộng rãi, Bảng quang báo sẽ đáp ứng nhu cầu của khoảng 6 triệu phương tiện giao thông (cả ôtô và xe gắn máy).

“Trong tương lai, hệ thống sẽ kết nối với các nguồn tin và hệ thống khác như camera, cảm biến để lượng hóa mức độ tình trạng giao thông, từ đó cung cấp thêm thông tin về tốc độ trung bình, mật độ xe trên đường… cũng như thông tin tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố như trạm xe buýt, các trung tâm thương mại và trên các thiết bị di động để người dân có thể tiếp cận thông tin dễ dàng”, anh Lâm kỳ vọng.

Nếu mức độ giao thông bình thường, bảng quang báo điện tử sẽ luân phiên hiển thị các tin giao thông trong khu vực có liên quan và tuyên truyền, hướng dẫn giao thông; nhưng nếu tình huống gấp sẽ chỉ hiển thị những thông tin quan trọng.

Với những trường hợp khẩn cấp như kẹt xe cục bộ, bằng công nghệ của FTS, thông tin kẹt xe sẽ được đưa lên bảng quang báo sau khoảng 2 phút. “Việc này sẽ giúp người tham gia giao thông dễ dàng chọn hướng đi thông thoáng, góp phần làm giảm ùn tắc", ông Phúc chia sẻ.

d

Anh Phạm Thành Lâm, quản trị dự án của FTS, khẳng định đây là công nghệ mới do các chuyên gia và kỹ sư của FTS nghiên cứu và phát triển. Ảnh: V.N.

Sau khi duy trì tin trong một thời gian nhất định, bảng quang báo sẽ có cơ chế tự động cập nhật nội dung mới nhằm đảm bảo thông tin luôn kịp thời, chính xác, không trùng lặp và quá hạn.

“Nếu chương trình thí điểm hiệu quả, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND TP HCM gắn thêm các bảng điện tử trên khắp địa bàn thành phố, nhằm nhân rộng mô hình cũng như kêu gọi tất cả cơ quan báo đài cùng tham gia”, bà Nguyễn Thị Hiền Lương, PGĐ Sở GTVT, nhấn mạnh.

Sau khi triển khai thành công, FTS sẽ đăng ký sáng chế độc quyền cho sản phẩm này.

Chia sẻ về dự định, anh Trần Hồng Minh, Giám đốc Dự án, cho rằng, cơ hội của FTS trong việc tham gia phát triển hạ tầng luôn rộng mở.

“Trong tương lai, FTS sẽ xây dựng một eco-system (hệ sinh thái) bao gồm công nghệ của FPT, thiết bị đầu cuối, các sản phẩm đi kèm phục vụ cho giao thông Việt Nam như hệ thống thông minh trong việc điều hành xe bus, đèn tín hiệu, GIS (áp dụng định vị vệ tinh trong giao thông)…”, anh Minh hào hứng.

Nguyên Văn

Ý kiến

()