Chúng ta

FTS đề cao tinh thần Hackathon

Thứ sáu, 2/6/2017 | 23:15 GMT+7

Đội FTS - nhà vô địch mùa Hackathon nhà F đầu tiên - cho rằng, thách thức thú vị và môi trường học hỏi, giao lưu mới là điều quý giá chứ không phải giải thuởng của Hackathon. 

Tháng 10/2016, 5 chàng trai FTS (thuộc FPT IS) đã ghi dấu ấn trong Hackathon với ngôi vô địch, khi thuyết phục cả Ban giám khảo lẫn đối thủ là các đồng nghiệp.

Bí quyết của đội là đề tài 'nóng' về giao thông, ứng dụng xu hướng chatbot, tích hợp nhiều API của FPT. Nhưng chính là tinh thần của Hackathon hết mình đã giúp FTS xứng đáng giành vị trí cao nhất cuộc thi.

DSC-7214-1477035338-660x0-7424-149641396

Sản phẩm của FTS trong mùa thi 2016 là ứng dụng chatbot, hỗ trợ thông tin giao thông cho người dùng: giúp người dùng biết được tình trạng giao thông chung trên thành phố; tìm đường đến vị trí nào đó; tìm kiếm địa điểm và biết được tình trạng giao thông trên điểm đó; thông báo các sự kiện kẹt xe, đông xe, tai nạn real time nếu người dùng đăng ký nhận tin.

Thành viên Nguyễn Đức Minh Quân tiết lộ, ý tưởng xoay quanh việc nâng cấp khả năng cung cấp thông tin giao thông cho giải pháp Thông tin Giao thông thông minh hiện hữu (của FTS đang vận hành) nhằm giúp người dân tiếp nhận thông tin giao thông một cách nhanh chóng và tiện lợi qua các platform chat, OTT hiện có như Messenger, Zalo, Skype…

Ai cũng bận công việc chuyên môn nên trước cuộc thi, nhóm chỉ có một buổi họp ngắn để phân công công việc của từng người trong Hackathon. “Mỗi người trong nhóm sở hữu một kỹ năng đặc thù nên không gặp khó khăn bởi ai cũng biết mình phải làm gì, đóng góp gì để xây dựng thành công ý tưởng trên”, thành viên Trương Trung Hiếu nhớ lại.

Sau giờ khai mạc, trong khi các đội đã code liên hồi thì FTS hãy còn ‘rối rắm’. “Chúng tôi chưa làm việc ăn ý với nhau cộng thêm các thành viên không hiểu rõ các chức năng nên nhiều lúc bị lúng túng”, Hà Kim Quy kể. Nhóm đã dành thời gian thảo luận nhiều hơn để hiểu công việc của nhau từ đó đi đến thống nhất và làm việc tốt hơn.

Họ vừa lập trình vừa bàn các phương án của giải pháp. Theo Nguyễn Huy Hoàng, phần train model để phân loại ý định của người dùng muốn chat hay muốn hỏi về thông tin giao thông được nhóm hoàn thành khá sớm nhưng cũng chỉ kịp trước giờ ăn trưa ngày thi đầu tiên. Trong khi đó, các đối thủ sát bên đã thi một cách mạch lạc và những dòng lệnh liên tục được đổ về hệ thống của Ban tổ chức.

DSC-7344-1477035346-660x0-8448-149641396

Ảnh anh Trương Trung Hiếu (trước) và anh Nguyễn Đức Minh Quân (sau) trình bày phần dự thi. Ý tưởng của đội là xây dựng chatbot cho Facebook Messenger để tự động tương tác, hỗ trợ người dùng khi tham gia giao thông. "Người dùng sẽ truy vấn bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua chatbot để nắm bắt tình hình giao thông", thành viên Trung Hiếu chia sẻ.

Nghĩ ra ý tưởng đã khó, khi bắt tay vào làm lại càng khó hơn bởi ai cũng phải đua cùng thời gian. FTS đặt mục tiêu code được tốt nhất để phần demo hoàn chỉnh nhằm giành được số điểm cao.

Ăn vội bữa tối, họ lại hì hụi vừa code vừa tinh chỉnh. Khuya ở Tân Thuận, ai cũng buồn ngủ ríu cả mắt. Ai không chịu nổi thì nằm xuống ghế chợp mắt. “Các phần của mỗi người lại liên quan với nhau nên khi phần của mình có vấn đề, em phải tìm Hiếu nhưng cậu ấy đã ngon giấc, thế là mọi người phải chờ nhau. Rồi nhóm đã giải quyết bằng cách đơn giản là tranh thủ cùng đi ngủ rồi dậy làm tiếp”, Nguyễn Trung Nam cho hay.

Họ tự ví cá nhóm như “5 anh em trên một chiếc xe tăng”, khi đặt vào tình huống khó, tự mỗi người điều tự hiểu rằng mình nên làm gì là tốt nhất cho lợi ích chung. Ai cũng có cái tôi nhưng đều hướng về một mục đích chung. Ban đầu cũng có những "tranh luận căng thẳng", nhưng mục đích chỉ là tìm ra cách giải quyết vấn đề tốt nhất.

Sau hai ngày tập trung, Hackathon mùa thứ nhất đã khép lại với chiến thắng thuyết phục của FTS với ứng dụng chatbot, hỗ trợ thông tin giao thông cho người dùng. Ý tưởng hay, code tốt và trình bày sinh động, lôi cuốn, đại diện FPT IS đã hoàn toàn chinh phục Ban giám khảo và các đối thủ.

DSC-7251-1477035340-660x0-9671-149641396

Do bận việc nên anh Nguyễn Huy Hoàng xin phép Ban tổ chức rời khu vực thi nên FTS còn 4 người tiếp tục chinh chiến. Minh Quân (áo xanh) code, Trung Hiếu (áo trắng) xử lý dữ liệu, Trung Nam trò chuyện vui trong khi Kim Quy tranh thủ ăn mì khiến góc phòng thi luôn rôm rả.

Trương Trung Hiếu cho rằng, khi làm chatbot, cả đội nghĩ ứng dụng sở hữu điểm mạnh chính là giải quyết vấn đề của người sử dụng một cách trực tiếp, nhanh chóng và đơn giản. “Tuy nhiên, khi được giám khảo Nguyễn Lộc Vũ, Giám đốc Hệ thống thông tin FPT Online, nhận xét: 'Tôi thích ý tưởng này ở tinh thần lan toả qua kênh cộng động (Viral)', em đã rất ngạc nhiên vì ban đầu nhóm thiết kế tính năng chia sẻ như là một tính năng phụ đi kèm. Và rồi, nhớ lại ra rằng, mình đang làm chatbot dựa trên nền tảng của một mạng xã hội, chính vì vậy yếu tố lan tỏa, chia sẻ là cực kỳ quan trọng. Nên, khi nhóm tiếp tục phát triển dự án đã chú trọng hơn về "tính xã hội" trong sản phẩm”, Hiếu kể về Hackathon mùa đầu.

Nguyễn Đức Minh Quân cũng hào hứng khoe, sau khi làm xong chatbot Giao thông, nhóm đã tích hợp với Zalo. “Chúng tôi đang phát triển framework nội bộ để làm chatbot bằng cách kéo thả”, Quân nói trước khi lên đường thi Vietnam AI Hackathon diễn ra tại Hà Nội trong ngày 3-4/6, với tư cách là quán quân của FPT Hackathon 2016 được đặc cách vào thẳng vòng chung kết cuộc thi năm nay.

Nhìn lại mùa đầu tiên của Hackathon nhà F, đội FTS cho rằng, cách tổ chức chuyên nghiệp là điểm cộng đầu tiên. “Tiếp đến là cách đánh giá rất công bằng, rất Hackathon bởi khác với nhiều cuộc thi chỉ chú trọng đánh giá ý tưởng còn phần code chấm rất qua loa”, thành viên Hà Kim Quy chia sẻ. “Nhóm cũng rấn tượng về sự đa dạng, kỹ năng và sự sáng tạo của các đội bạn. Rất là chất lượng. Và nhóm nghĩ mình đã học hỏi được rất nhiều điều từ đó”.

DSC-7390-1477035354-660x0-5742-149641396

Các nhà vô địch FTS chụp ảnh lưu niệm cùng Ban giam khảo.

Còn với riêng Nguyễn Trung Hiếu, điều khiến cậu chưa hài lòng nằm ở một số ít đội thi (chủ yếu là đội còn rất trẻ) còn mang tinh thần dè chừng, cảnh giác và "ngại" chia sẻ với các đội khác. “Tôi nghĩ cái hay của Hackathon còn nằm ở việc nó là một môi trường để mọi người giao lưu, học hỏi lẫn nhau, đó là nơi để những ý tưởng giao thoa và phát triển. Những thứ đó quý báu và đáng giá hơn rất nhiều giải thưởng”, Hiếu chốt lại.

FTS đã sẵn sàng để bước vào Vietnam AI Hackathon 2017 với tinh thần chinh phục thử thách mới về trí tuệ nhân tạo ở mức cao và khó hơn.

>>  4 sản phẩm và một gương mặt nhà F được vinh danh Tech Awards

Tiếp nối thành công của FPT Hackathon 2016, năm nay, BTC đã quyết định mở rộng quy mô cuộc thi ra phạm vi toàn quốc, theo đó, bất kỳ ai có khả năng và mong muốn thử sức đều có thể đăng ký tham gia. Với chủ đề cuộc thi năm nay là Trí tuệ nhân tạo (Artifical Intelligence), FPT sẽ mở rất nhiều API và dữ liệu giá trị làm nền tảng phát triển sản phẩm cho các thí sinh. Các đội thi có thể phát triển ý tưởng dựa trên nguồn dữ liệu của báo điện tử VnExpress, sàn thương mại điện tử Sendo.vn, chuỗi cửa hàng FPT Shop… và các API về bảo mật, thương mại điện tử, hạ tầng mạng, giao thông thông minh, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý ảnh…

Tại vòng chấm ý tưởng diễn ra ngày 30/5, sau quá trình đánh giá và phỏng vấn, Ban tổ chức đã chọn được 15 đội có ý tưởng xuất sắc để đi tiếp vào vòng chung kết sẽ diễn ra ngày 3-4/6 tại F-Ville - Khu Công nghệ cao Láng Hoà Lạc (Hà Nội).

Khu vực Hà Nội có 12 đội vào chung kết Vietnam IA Hackathon gồm: 2 con sâu, Aegis, AITechMTA, Antimatlab, D09CN1, Gấu mèo, ILS, Mich Labs, SBD, Sói con, Tim, và Triple-X. Ba đội còn lại đến từ TP HCM là AR-History, X-Team và FTS (FTS đến từ FPT IS là quán quân của FPT Hackathon 2016 được đặc cách vào thẳng vòng chung kết cuộc thi năm nay).

Trong tổng số 15 đội lọt vào vong chung kết năm nay, ngoài đương kim vô địch FTS, FPT còn có sự góp mặt của hai đại diện khác là Gấu mèo (FPT Software) và Aegis (FPT Telecom).

Nguyên Văn

Ý kiến

()