Chúng ta

FSpace tham gia chế tạo vệ tinh phát hiện cháy rừng

Thứ sáu, 9/3/2012 | 07:57 GMT+7

Phòng Nghiên cứu Không gian FPT (FSpace), sẽ hợp tác với đội dự án UNIFORM của Nhật Bản chế tạo chùm vệ tinh nhỏ phục vụ phát hiện cháy rừng sớm.

Từ ngày 4 đến 18/3, anh Vũ Trọng Thư, đại diện FSpace, thuộc Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT (ĐH FPT), đã sang Nhật Bản theo lời mời của giáo sư Nakasuka Shinichi, Khoa Kỹ thuật hàng không vũ trụ, Đại học Tokyo.

Trong chuyến đi này, đại diện FSpace làm việc với đội dự án UNIFORM của nước này về khả năng hợp tác chế tạo chùm vệ tinh nhỏ phục vụ phát hiện cháy rừng sớm cũng như tiềm năng ứng dụng tại Việt Nam.

Bản đồ những “điểm nóng” cháy rừng trên thế giới. Ảnh: FSapce.

Bản đồ những “điểm nóng” cháy rừng trên thế giới. Ảnh: FSpace.

Mô hình thử nghiệm đầu tiên của vệ tinh UNIFORM-1 đang được kiểm tra trong phòng sạch tại Khoa Kỹ thuật hàng không vũ trụ, Đại học Tokyo. Dự kiến vệ tinh đầu tiên sẽ được phóng lên quỹ đạo cuối năm 2013. Các vệ tinh tiếp theo sẽ được phóng lên trong năm 2014 và 2015 để hoàn thành chùm vệ tinh này.

Việt Nam có thể tham gia dự án UNIFORM ở phần thiết kế, chế tạo và thử nghiệm vệ tinh, xây dựng trạm mặt đất thu tín hiệu từ vệ tinh và hệ thống lưu trữ, phân phối thông tin đến người sử dụng một cách nhanh chóng.

Ý tưởng của dự án UNIFORM. Ảnh: FSpace.

Ý tưởng của dự án UNIFORM. Ảnh: FSpace.

Năm 2010, chính phủ Nhật Bản đã phê duyệt chương trình UNIFORM phát triển chùm vệ tinh nhỏ micro-satellite cỡ 50 kg, nhằm khai thác thế mạnh của loại vệ tinh nhỏ này so với các vệ tinh truyền thống. Vệ tinh nhỏ có thời gian tái thăm (revisit time) đối với một khu vực cao hơn (vì sử dụng số lượng vệ tinh lớn hơn) cũng như chi phí và thời gian phát triển ít hơn.

Hiện tại, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới thường xuyên bị ảnh hưởng bởi nạn cháy rừng. Có hệ thống cảnh báo sớm sẽ giúp việc chữa cháy hiệu quả hơn và giảm chi phí chữa cháy cũng như giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường.

Các vệ tinh trong chương trình UNIFORM sẽ được trang bị cảm biến hồng ngoại có độ phân giải cỡ 200 m GSD, chiều rộng ảnh (swath width) cỡ 100 km và camera phụ trong dải ánh sáng khả kiến trợ giúp phát hiện các đám cháy.

FSpace cho biết, đơn vị sẽ tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp của những cá nhân quan tâm đến hợp tác trong dự án này. Trưởng phòng FSpace Vũ Trọng Thư (e-mail thuvt@fpt.edu.vn) sẽ là đầu mối để tiếp nhận thông tin.

Trước đó, năm 2011, FSpace cũng đã phối hợp với trường đại học khác ở Nhật Bản là Đại học Tohoku, về việc Việt Nam tham gia chế tạo thiết bị camera đặt trên vệ tinh nhỏ 50kg (RISESAT) mang theo camera quan sát Trái Đất với độ phân giải 5m/pixel.

Ý tưởng về thiết kế chùm vệ tinh sử dụng cho mục đích theo dõi các tàu cá trên biển của FSpace là một trong 10 nhóm được vào chung kết cuộc thi Thiết kế chùm vệ tinh của Nhật Bản.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 2, FSpace đã giành giải Nhất trị giá 4.000 USD trong cuộc thi Tìm kiếm giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão, do Tập đoàn Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng châu Âu (EADS) lần đầu tiên tổ chức ở Việt Nam.

Lâm Thao

Ý kiến

()