Chúng ta

FPT viết giải pháp phần mềm giao thông thông minh cho Hà Nội

Thứ sáu, 9/6/2017 | 09:38 GMT+7

FPT nói chung và FPT IS nói riêng được UBND TP Hà Nội yêu cầu đánh giá tổng thể hiện trạng hệ thống giám sát giao thông của thành phố, viết phần mềm vận hành các công năng của Trung tâm Điều hành giám sát giao thông.

UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo số 484 về việc thống nhất và chỉ đạo triển khai thực hiện đề án giao thông thông minh sau buổi làm việc với Ban lãnh đạo FPT và FPT IS mới đây.

Cụ thể, để đảm bảo hệ thống hoạt động hiệu quả, đúng tiến độ và quy định đề ra, các đơn vị liên quan cần có đánh giá tổng thể hiện trạng hạ tầng hệ thống điều hành giao thông của thành phố, nêu rõ 4 nội dung: Giải pháp phần cứng; Giải pháp phần mềm; Giải pháp bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin; Đào tạo chuyển giao. 

Yêu cầu của hệ thống mới là tích hợp, kế thừa hệ thống camera và thiết bị liên quan đến điều hành giao thông hiện có của Hà Nội. Ở giai đoạn 1, thành phố đã triển khai lắp đặt hệ thống camera giám sát (400 camerra tại 200 nút giao thông). Giai đoạn 2 đang chuẩn bị triển khai, tích hợp toàn bộ camera giám sát của các cơ quan Nhà nước và người dân trên địa bàn (sân bay, nhà ga, bến xe, các cơ quan hành chính, các tòa nhà trong và ngoài cơ quan hành chính...) để hỗ trợ công tác điều hành chung của thành phố.

FPT nói chung và FPT IS nói riêng được thành phố yêu cầu đánh giá tổng thể hiện trạng hệ thống giám sát giao thông của thành phố và viết phần mềm vận hành các công năng của Trung tâm điều hành giám sát giao thông

FPT được thành phố yêu cầu đánh giá tổng thể hiện trạng hệ thống giám sát giao thông của thành phố và viết phần mềm vận hành các công năng của Trung tâm Điều hành giám sát giao thông. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Sau khi đưa vào vận hành, hệ thống này sẽ tích hợp 10 chức năng chính, gồm: Điều hành và giám sát giao thông; Xử lý các vụ việc liên quan tai nạn giao thông; Ghi lại hình ảnh xử lý vi phạm giao thông; Ghi lại hình ảnh tội phạm đường phố, tội phạm nơi công cộng, các hoạt động liên quan đến biểu tình và tập trung đông người; Quản lý các phương tiện giao thông công cộng như metro, xe buýt, taxi; Chức năng hướng dẫn giao thông; Tích hợp dịch vụ đỗ xe thông minh của toàn thành phố (iParking); Điều hành phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn; Hệ thống quản lý thẻ, vé điện tử dùng chung; Hạn chế các phương tiện giao thông vào một số khu vực nội đô...

FPT nói chung và FPT IS nói riêng được thành phố yêu cầu đánh giá tổng thể hiện trạng hệ thống giám sát giao thông của thành phố và viết phần mềm vận hành các công năng của Trung tâm điều hành giám sát giao thông; trong đó nêu rõ lộ trình thực hiện, nội dung cần triển khai trước, báo cáo UBND TP trước ngày 15/6/2017.

Trước đó, ngày 22/5, đại diện lãnh đạo FPT và FPT IS đã báo cáo lãnh đạo thành phố Hà Nội về dự án giao thông thông minh cho thủ đô. Tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố thống nhất với FPT IS việc cung cấp giải pháp giao thông thông minh cho thủ đô. Giải pháp này dựa trên nền tảng cốt lõi là Hệ thống trung tâm chỉ huy điều hành giao thông thông minh (một trong những hợp phần của hệ thống Trung tâm Giám sát điều hành tập trung của Hà Nội) và 9 thành phần, gồm 10 hạng mục. 

Theo anh Phạm Minh Tuấn - TGĐ FPT IS, trong số 9 thành phần, FPT đề xuất triển khai 4 hợp phần trong năm 2017, gồm: Hệ thống giám sát và thu thập thông tin giao thông; Hệ thống thông tin giao thông; Hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; Hệ thống quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Cụ thể, từ tháng 6 đến tháng 11/2017, xây dựng hệ thống giám sát và thu thập thông tin giao thông (từ hệ thống camera giám sát và thiết bị GPS...). Hệ thống thông tin giao thông với bản đồ giao thông và tích hợp dữ liệu, ứng dụng di động, cổng thông tin giao thông tập trung, và hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông dự kiến có thể phục vụ người dân vào dịp 2/9 năm nay. Còn Hệ thống quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt dự kiến xong trong tháng 10/2017.

Theo kế hoạch, tháng 12/2017 sẽ nghiệm thu và vận hành chính thức giai đoạn 1 của đề án. Về phương án tài chính, FPT đề xuất, trong giai đoạn 1 (năm 2017), Hà Nội đầu tư theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin để có thể nhanh chóng hình thành nền tảng cơ bản của hệ thống giao thông thông minh. FPT chịu trách nhiệm từ đầu tư hệ thống, bảo đảm vận hành đến bảo trì, bảo dưỡng. Giai đoạn 2 từ năm 2018 đến 2020, thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư.

>> FPT cùng Hà Nội giải quyết bài toán giao thông thông minh

Hà Dương

Ý kiến

()