Chúng ta

FPT Telecom dẫn đầu về triển khai IPv6

Thứ tư, 27/4/2016 | 10:53 GMT+7

Viễn thông FPT đã triển khai cung cấp kết nối IPv6 cho 4 tổ chức và 91.200 thuê bao băng rộng cố định tại Hà Nội và TP HCM; dung lượng kết nối IPv6 quốc tế 1,5 Gbps.

Ngày 26/4, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn 2 và triển khai công tác thúc đẩy chuyển đổi IPv6 trong giai đoạn tới (2016 - 2019). Theo ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT kiêm Trưởng Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia, các nhiệm vụ của giai đoạn khởi động (2013-2015) trong Kế hoạch hành động quốc gia thúc đẩy IPv6 đã hoàn thành cơ bản. Việt Nam đã hiện diện trên bản đồ IPv6 thế giới về mặt xếp hạng hạ tầng.

Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng các biện pháp thúc đẩy phát triển IPv6 mang tính khuyến khích, tự nguyện là chính. Chế tài đã có nhưng chưa có đơn vị nào giám sát, đôn đốc. Việc các doanh nghiệp Internet và nội dung chưa hợp tác chặt chẽ để tạo ra hệ sinh thái bền vững, cộng sinh thúc đẩy IPv6 có bước phát triển đột phá cũng được chỉ ra.

DSC1192-JPG-4422-1461725229.jpg

FPT Telecom đã thiết lập kết nối IPv6 đi quốc tế, trong nước và kích hoạt IPv6 trên mạng nội bộ. Trung tâm Internet Việt Nam đánh giá FPT Telecom là một trong ba đơn vị dẫn đầu về triển khai IPv6 tại Việt Nam.

Tổng kết giai đoạn 2013-2015 của kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 cho thấy việc chuyển đổi sang giao thức này tại Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Tất cả doanh nghiệp Internet sẵn sàng hỗ trợ song song IPv4/IPv6. 9 nhà mạng (ISP) đã kết nối tới mạng IPv6 quốc gia. Một số dịch vụ trên nền công nghệ IPv6 bắt đầu được cung cấp cho khách hàng. Theo Trung tâm Thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) và Cisco, tỷ lệ sử dụng IPv6 của khách hàng Việt Nam đạt khoảng 0,03% so với 0% trước đây. Tuy nhiên, tỷ lệ này còn rất thấp so với 10,41% của thế giới.

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thông tin, trong năm 2015, kết quả cung cấp dịch vụ trên nền công nghệ IPv6 đã có những dấu hiệu khởi sắc. Tỷ lệ triển khai IPv6 ở Việt Nam đạt 14,06%; tỷ lệ traffic IPv6 của Việt Nam trung bình đạt 7 Mbps, dẫn đầu là VNNIC, FPT Telecom và NetNam. 

Giao thức Internet phiên bản sáu (IPv6) là bước nâng cấp lớn từ chuẩn IPv4 với mục đích giải quyết tình trạng cạn kiệt địa chỉ IP do số lượng các thiết bị kết nối Internet ngày một tăng cao.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, kỳ vọng cơ hội thúc đẩy IPv6 bởi xu hướng “Thành phố thông minh, Internet of Things (IoT) chắc chắn sẽ phải sử dụng IPv6. Khi những dự án này phổ cập sẽ tạo ra nhiều nhu cầu để doanh nghiệp tham gia thị trường”.

Theo anh Trần Thanh Hải, PGĐ Trung tâm Điều hành mạng FPT Telecom, đơn vị đã thiết lập kết nối IPv6 đi quốc tế, trong nước và kích hoạt IPv6 trên mạng nội bộ. Cuối năm 2015, FPT Telecom đã kết nối thành công vào Google, Facebook, các trang cung cấp qua IPv6, lưu lượng truy cập đạt trung bình 30-40 GB cho 91.200 khách hàng. “FPT Telecom đã thiết lập kết nối IPv6 đi quốc tế và trong nước, dung lượng kết nối quốc tế đạt 1,5 Gbps”, anh Hải cho biết.

Đại diện FPT Telecom nhận định, việc cung cấp dịch vụ IPv6 cho khách hàng không khó khăn, chỉ gặp vấn đề nội dung bởi khi khách hàng truy vấn vào nội dung chạy trên nền IPv6 không có. Trong khi, kết nối sang các trang Google, Facebook thì được đáp ứng.

Theo kế hoạch giai đoạn 2016-2019, mức độ triển khai IPv6 sẽ được đẩy mạnh một cách sâu rộng, hiệu quả đối với mạng lưới, ứng dụng, dịch vụ, phần mềm, thiết bị trên mạng Internet Việt Nam. Đẩy mạnh công tác triển khai đồng bộ IPv6 hướng tới Internet of Things.

Nhân dịp này, Bộ TT&TT cũng thông báo quyết định kiện toàn thành viên Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia. Theo đó, Ban Công tác có 19 thành viên. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm làm Trưởng Ban. Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) làm Phó trưởng Ban. Anh Trần Thanh Hải, PGĐ Trung tâm Điều hành mạng FPT Telecom, là thành viên. Ban công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển và ứng dụng IPv6, xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai việc chuyển đổi IPv4 sang IPv6 tại Việt Nam.

>> FPT Telecom bổ nhiệm hai PGĐ Kỹ thuật đầu tiên

Nguyên Văn

Ý kiến

()