Chúng ta

FPT Software khơi mào ‘di động hóa’ doanh nghiệp

Thứ bảy, 5/5/2012 | 08:02 GMT+7

Khuynh hướng máy tính bảng và smartphone đang thâm nhập từ thế giới tiêu dùng vào các hệ thống của các doanh nghiệp. Ở Việt Nam, FPT Software hiện là đơn vị đầu tiên phát triển công nghệ di động vào hệ thống hạ tầng CNTT của doanh nghiệp.

Sau một thời gian dài máy tính để bàn (desktop) chiếm ưu thế, thì giờ đây nó đã nhường lại ngôi vị quán quân cho các thiết bị di động. Nguyên nhân của sự chuyển dịch có thể do các thiết bị như smartphone, máy tính xách tay (laptop)… có tính di động, nhỏ gọn hơn và giá thành xấp xỉ với desktop. Quan trọng nữa, các ứng dụng thường thấy trên desktop cũng dần xuất hiện trên smartphone, mặc dù cấu hình của smartphone có thể chưa sánh bằng desktop.

Hiện nay, mỗi chiếc smartphone được xem là một chiếc máy tính thu nhỏ trong tay người dùng, có thể giải quyết được nhiều việc khi cần. Chính vì thế, ứng dụng di động (apps) đang xâm nhập dần vào hệ thống của các doanh nghiệp.

gi

Các ứng dụng di động đang xâm nhập dần vào hệ thống quản trị doanh nghiệp. Ảnh: S.T.

Câu chuyện bắt đầu từ việc Giám đốc công nghệ di động của IBM - William Bodin cần một cách nào đó để làm việc dễ dàng hơn với nhóm các nhà phát triển ở cách ông nửa vòng trái đất. Vì thế, ông bật một ứng dụng trên chiếc điện thoại thông minh đang dùng, và liên lạc một cách an toàn với các đồng nghiệp ở Việt Nam.

Bodin đã sáng tạo ra một gian hàng trực tuyến cho phép toàn bộ nhân viên của IBM tiếp cận đến những ứng dụng tương tự. Gian hàng có tên Whirlwind, hiện có hơn 400.000 nhân viên sử dụng.

Các nhân viên tại trụ sở IBM ở New York (Mỹ) sử dụng các chương trình trong gian hàng cho mọi thứ, từ lên lịch phòng hội nghị đến thông qua các đơn hàng; từ tiếp cận tài liệu marketing đến đăng nhập vào mạng xã hội nội bộ Bluepages. Trước đây, nhân viên chỉ có thể làm những việc này khi ngồi trước một chiếc máy tính ở cơ quan, hoặc một chiếc laptop nối mạng nội bộ.

Nếu như trong những năm 2008-2009, việc “kết nạp” các thiết bị di động vào hệ thống hạ tầng CNTT của doanh nghiệp chỉ xếp thứ tự 12 trong những nhiệm vụ ưu tiên giải quyết của các vị Giám đốc Công nghệ Thông tin (CIO) thì sang năm 2010, các CIO đã đặt việc này lên ưu tiên thứ 6. Còn trong năm 2011, công nghệ di động (Mobility) cùng với điện toán đám mây và ảo hoá đang tạo thành nhóm 3 ưu tiên hàng đầu về CNTT trong các công ty.

Ngày nay, thế giới đang dần thuận theo khuynh hướng “người dùng hoá CNTT”, khiến ranh giới giữa các thiết bị cá nhân và của các công ty đang dần bị xoá nhoà. Điều đó khiến các nhà lãnh đạo CNTT đang phải bắt tay ngay vào phát triển kế hoạch, chiến lược riêng về việc ứng dụng công nghệ di động vào doanh nghiệp, nơi các apps được xây dựng cho các mục đích cụ thể phục vụ hoạt động của doanh nghiệp.

Người khổng lồ tìm kiếm Google cũng đã tạo ra một kho ứng dụng di động nội bộ. Các nhân viên sẽ vào kho để cài phần mềm công việc như báo cáo chi phí, tìm phòng họp… SAP cũng rất thoải mái khi để nhân viên dùng smartphone kết nối với mạng nội bộ công ty để làm việc.

Ở Việt Nam, hiện FPT Software là đơn vị đầu tiên ưu tiên phát triển công nghệ di động vào hệ thống hạ tầng CNTT của doanh nghiệp (Mobilization for enterprise). Bên cạnh việc xây dựng ứng dụng di động cho người dùng đầu cuối (đã được triển khai từ lâu), đơn vị đang tập trung chú trọng phát triển ứng dụng cho các hoạt động của doanh nghiệp như bán hàng, tài chính, quản trị nhân sự…

Mobility là một mảng rộng gồm: Ứng dụng di động cho người dùng đầu cuối, cho doanh nghiệp và các ứng dụng khác. FPT Software đặt trọng tâm vào phát triển cho mảng doanh nghiệp - tức là đưa những ứng dụng, hệ thống chạy trên PC lên điện thoại di động.

Hệ thống hạ tầng CNTT của FPT Software là tổng hợp chồng chéo của các mạng lưới với cấu hình khác nhau: Quản trị nhân sự (Peoplesoft), tài chính… Do đó, quá trình “di động hóa” hệ thống này vấp phải nhiều khó khăn hơn so với việc tích hợp cho người dùng cá nhân thông thường.

Nhu cầu có một hệ thống quản lý và phân phối apps trong nội bộ doanh nghiệp ngày càng cao. Việc có một kho ứng dụng riêng giúp các doanh nghiệp kiểm soát được chất lượng, nội dung, quản lý tốt hơn vòng đời của apps, nhận phản hồi nhanh hơn từ người dùng và giảm các rủi ro về bảo mật. Một lợi thế khác của kho ứng dụng riêng là cho phép hoạt động đa nền tảng (cross platform).

Tích hợp hệ thống hạ tầng CNTT của doanh nghiệp lên di động sẽ góp phần mở rộng tương tác giữa các hệ thống quản trị trong nội bộ doanh nghiệp đó và luôn sẵn sàng với mọi đối tượng người dùng. Ví dụ, trước đây, hệ thống quản trị nhân sự (Peoplesoft) chỉ cài đặt và truy cập được trên PC hoặc laptop thì nay, nhân viên các cấp có thể đăng nhập và sử dụng trên bất kỳ thiết bị nào.

FPT Software dự kiến đưa ra “quân bài chiến lược” - hệ thống giải pháp “Fsoft Mobility Platform” hướng đến đơn giản hóa quá trình di động hóa những hệ thống ứng dụng doanh nghiệp. Hệ thống này sẽ hỗ trợ kết nối với hệ thống hiện có của doanh nghiệp, phát triển và quản lý các hệ thống ứng dụng và thiết bị di động trong doanh nghiệp.

Từ đó, không chỉ hỗ trợ tốt nhất việc kết nối và mở rộng các kênh tương tác trong doanh nghiệp, mà còn đưa ra được quy trình tổng thể cho doanh nghiệp “lên mobile”.

“FPT Software sẽ tư vấn doanh nghiệp những mảng hệ thống nào nên làm mobile, phần nào nên giữ nguyên, bởi không phải hệ thống nào cũng có thể di động hóa được”, anh Nguyễn Tất Đắc, Trưởng Trung tâm Nghiên cứu công nghệ di động, cho biết.

Theo nhận định của anh Đắc, đến cuối năm 2012, FPT Software sẽ chào bán đồng thời 4 giải pháp: MDM (Mobile Device Management), MAM (Mobile Application Management), MCM (Mobile Content Management) và MDI (Mobile Database Integratornational) và MTS (Mobile Testing Service). Ngoài ra, còn có một số ứng dụng khác để hỗ trợ quá trình đánh giá, tư vấn cho doanh nghiệp.

Giữa tháng 4 vừa qua, đơn vị đã ra đời giải pháp đầu tiên - Mobile Application Management (MAM) hỗ trợ doanh nghiệp kiểm soát các ứng dụng được cài đặt trên thiết bị di động. MAM cho phép quản trị hệ thống quản lý các ứng dụng một cách hiệu quả, hỗ trợ ứng dụng chạy trên cả nền tảng iOS và Android.

Chỉ với một website quản trị duy nhất, người quản trị có thể biết chính xác danh mục ứng dụng đang được quản lý và các phiên bản của một ứng dụng. Từ đó, có thể dễ dàng quản lý cả danh sách người dùng, danh mục các nhóm người dùng cũng như kiểm soát các apps mà từng nhóm người dùng được phép cài đặt.

Với việc smartphone đang ngày càng tăng trưởng nhanh tại Việt Nam, tham gia vào cuộc chơi này, FPT Software đang có lợi thế khá lớn.

Trước mắt, đó là lợi thế của người dẫn đầu tại thị trường Việt Nam. Mobilization là một xu hướng khá mới mẻ trên thế giới, FPT Software mới chỉ đi sau 2-3 năm về mặt công nghệ đối với các ông lớn, một khoảng cách không quá xa để bắt kịp.

Thêm nữa, FPT Software đã có bề dày kinh nghiệm làm gia công phần mềm hàng chục năm ở mảng Mobility nên thu thập được những kiến thức quý giá trong quá trình “đánh thuê” cho các tập đoàn nước ngoài. Từ đó, phông nền kiến thức về mảng di động rất tốt và vững vàng để mở rộng sang khối khách hàng doanh nghiệp.

FPT Software đang có mạng lưới đối tác và khách hàng lớn khiến việc tìm hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng cũng như tìm đối tác cùng phát triển giải pháp trong mảng dịch vụ mới này giảm bớt được những khó khăn.

Tuy nhiên, phát triển công nghệ di động cho hệ thống CNTT nội bộ doanh nghiệp còn gặp rất nhiều trở ngại. Xu thế di động hóa doanh nghiệp mới bắt đầu trên thế giới được 2 năm nay. Đến nay, hầu hết các “ông lớn” như SAP, IBM, Microsoft… đều tự trang bị cho mình giải pháp trong các mảng này.

Không phải doanh nghiệp nào cũng quyết định đi theo xu hướng này. “Doanh nghiệp rất thận trọng, nên việc thuyết phục họ là một thách thức lớn”, anh Đắc phân tích.

Mặt trái của xu hướng công nghệ mới là những khó khăn bất ngờ và khó lường với người tiên phong. Những kiến thức và hệ thống có sẵn để có thể tận dụng và học hỏi hầu như không có.

Hơn nữa, đội ngũ kỹ thuật viên chuyên sâu về giải pháp di động cũng khá hiếm. Nguồn lực là một trong những bài toán thách thức với FPT Software hiện nay. Yêu cầu năng lực của đội ngũ kỹ thuật viên phải cao hơn rất nhiều so với khi làm đơn thuần là gia công phần mềm. Kiến thức phải sâu, có hệ thống để đưa được những giải pháp công nghệ tổng thể nhất.

Theo đánh giá chung của thế giới, thị trường về Mobility sẽ mở rộng lên đến 5 tỷ USD những năm 2012-2015. Đó là lý do vì sao các hãng lớn đều muốn nhảy vào khai phá. Hiện tại, FPT đặt mục tiêu vừa cạnh tranh vừa bắt tay hợp tác với các hãng lớn trên thế giới ở mảng Mobilization for enterprise, điển hình có SAP.

Đầu năm 2012, FPT Software đã xây dựng một trung tâm chuyên nghiên cứu về Mobility với nhân sự trên 50 người. Dự kiến, đơn vị đầu tư 300.000-400.000 USD cho mảng này, chiếm 26% trong tổng số vốn đầu tư cho công nghệ của đơn vị trong năm nay.

Thu Thủy

Ý kiến

()