Chúng ta

FPT Software cùng đối tác Nhật nghiên cứu công nghệ tiền ảo

Thứ tư, 25/10/2017 | 10:30 GMT+7

Kỹ sư FPT sẽ nghiên cứu chuyên sâu về Blockchain - công nghệ tạo ra tiền ảo - trước khi tiếp cận khách hàng tiềm năng là các ngân hàng tại Nhật Bản, Việt Nam và khu vực châu Á.

Blockchain-fpt-JPG-6273-1508899762.jpg

Từ hôm nay, FPT Software sẽ tham gia “Chương trình kỹ thuật Beyond Blockchain”.

Ngày 25/10, FPT Japan, pháp nhân tại Nhật của FPT Software, chính thức tham gia “Chương trình kỹ thuật Beyond Blockchain” do SBI Holdings và SBI Ripple Asia, công ty con chuyên triển khai nền tảng thanh toán thế hệ mới ở khu vực châu Á của SBI Holdings… phối hợp triển khai. Chương trình được thực hiện với mục tiêu đào tạo đội ngũ kỹ sư trên phạm vi toàn cầu về Blockchain và những công nghệ tiên tiến có liên quan như sổ cái phân tán (DLT: Distributed Ledger Technology), tiền ảo… 

“Chương trình kỹ thuật Beyond Blockchain” được khởi động từ tháng 10. Hiện tại, có 24 hãng công nghệ hàng đầu như NTT Data, NRI, Microsoft Japan, IBM Japan, Oracle Japan, SAP Japan... tham gia. FPT Nhật Bản là một trong những đối tác đầu tiên tham gia chương trình này và được sự ủng hộ, giúp đỡ chặt chẽ của SBI Holdings. Theo đó, FPT sẽ cử các kỹ sư tham gia chương trình đào tạo và cùng các công ty khác trực tiếp kiểm chứng các chủ đề mà chương trình đưa ra.

Việc tham gia chương trình này sẽ giúp FPT Nhật Bản nói riêng và các công ty công nghệ như FPT nói chung mở rộng hướng phát triển kinh doanh từ mảng công nghệ Blockchain nhằm tiếp cận khách hàng tiềm năng là các ngân hàng tại Nhật Bản, Việt Nam và khu vực châu Á. Các kỹ sư tiên phong của FPT trong mảng công nghệ Blockchain sẽ được học hỏi, giao lưu với các cá nhân và công ty tiên phong trên thế giới về công nghệ này.

Trong tương lai gần, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc tiếp cận công nghệ mới Blockchain này cho các ngân hàng Việt Nam, dự kiến FPT và SBI sẽ cùng hợp tác để thành lập Hiệp hội thúc đẩy công nghệ Blockchain cho các ngân hàng tại Việt Nam. 

FPT - với thế mạnh về lực lượng kỹ sư dồi dào, luôn tiên phong trong việc tiếp cận và triển khai các công nghệ tiên tiến nhất - là đối tác quan trọng của SBI trong lĩnh vực công nghệ Fintech - công nghệ tài chính - để cùng mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ không chỉ tại Nhật Bản, mà cả châu Á và các khu vực khác trên thế giới.

Theo Fortune, Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian, do đó được gọi là chuỗi khối (Blockchain). Mỗi khối chứa đựng thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. Blockchain được thiết kế để chống lại sự thay đổi dữ liệu. Thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Ngay cả khi nếu một phần của hệ thống Blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.

Đặc biệt, Blockchain có khả năng truyền tải dữ liệu mà không đòi hỏi trung gian để xác nhận thông tin. Hệ thống Blockchain bao gồm nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin mà không đòi hỏi "dấu hiệu của niềm tin". Về cơ bản, Blockchain là một chuỗi máy tính mà tất cả phải chấp thuận một giao dịch trước khi nó có thể được xác nhận và ghi lại. Giống như việc bạn gửi cái hộp đi mà mọi người đều xác nhận cái hộp đó là của bạn chứ không phải một vị giám đốc hay một ngân hàng nào đó.

Ngày nay, mọi người thường quan tâm biến động giá mạnh mẽ của tiền ảo Bitcoin mà không để ý rằng nền tảng công nghệ Blockchain đã làm thay đổi các ngành công nghiệp như thế nào. Đối với một số doanh nghiệp và tập đoàn lớn, nền tảng Blockchain đã đem lại cho họ cơ hội bảo đảm nguồn cung, hạn chế trung gian và cắt giảm chi phí vận hành, tờ Fortune nhận định.

Báo cáo “Dẫn đầu xu hướng Blockchain trong ngành ngân hàng: Những người tiên phong sẽ làm chủ cuộc chơi” của IBM dự đoán, trong 4 năm tới, 66% ngân hàng trên thế giới sẽ triển khai blockchain ở quy mô thương mại. Hiện tại, phần lớn ngân hàng vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm.

Blockchain, DLT và tiền ảo là công nghệ có tính cải tiến mới, được đặt nhiều kỳ vọng trong việc áp dụng từ ngành tài chính cho đến rất nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, các kỹ thuật tiên tiến này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi tại Nhật Bản, Việt Nam hay châu Á nói chung do vấn đề tiếp thu công nghệ một cách có hệ thống và thiếu đội ngũ kỹ sư để đưa vào sử dụng thực tế. Do đó, nhu cầu đào tạo các kỹ sư trong mảng này ngày càng tăng cao nhằm nâng cao sức cạnh tranh quốc tế.  

>> Chủ tịch FPT tiết lộ tiêu chí chọn người kế nhiệm

Chi Vy

Ý kiến

()