Chúng ta

FPT nhận bằng sáng chế độc quyền lần 2

Thứ tư, 18/11/2015 | 15:47 GMT+7

Lần thứ hai, Viện Nghiên cứu công nghệ FPT (FTRI) thuộc ĐH FPT được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và bảo hộ bằng sáng chế độc quyền.

bang-396-9578-1447814896.jpg

Bằng sáng chế độc quyền được Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 12/11.

Bằng sáng chế độc quyền có tên “Chuỗi các cánh diều có cơ cấu bám dây tự động và hệ thống chuỗi diều thu năng lượng gió” của TS. Trần Thế Trung - Viện trưởng FTRI - và cộng sự TS. Lê Ngọc Thúy được cấp ngày 12/11.

Theo anh Trung, giá trị thân thiện môi trường là một điểm cạnh tranh trong các công trình. Đặc biệt, công nghệ tận dụng được năng lượng gió đạt hiệu quả cao khá thú vị. Chuỗi diều gió ra đời có mục tiêu tận dụng được diện tích hứng gió lớn đối với một diện tích mặt đất nhỏ.

"Sáng chế đề cập đến chuỗi các cánh diều hoặc các thiết bị bay, có cơ cấu bám dây, cho phép chúng bám tự động lên một hoặc một vài dây cáp khi các dây được kéo lên và tự động nhả dây ra khi được kéo xuống và xếp chồng lên một trụ đỡ", anh chia sẻ thêm.

trungtt-620-2450-1447748837.jpg

TS. Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ FPT, và cộng sự mất gần 3 năm để hoàn thành được sáng chế này. 

Sáng chế cũng đề xuất các phương án thiết kế cụ thể của hệ thống chuỗi diều thu năng lượng gió, sử dụng chuỗi các cánh diều có cơ cấu bám dây này để phát điện hoặc chuyển năng lượng gió thành cơ năng hữu ích.

Anh Trung cho rằng, ĐH FPT là môi trường ủng hộ sáng tạo, đặc biệt về công nghệ. Việc khuyến khích sáng chế và đăng ký bảo hộ giúp kích thích sự sáng tạo. Vì vậy, nên đưa vào quy trình hoạt động thường ngày của các nhóm kỹ thuật FPT một công đoạn là đăng ký sáng chế, đồng thời cũng xây dựng các KPI cho quản lý liên quan đến sáng chế và chính sách thu nhập liên quan.

Đây là sáng chế thứ hai Viện Nghiên cứu công nghệ FPT được công nhận. Sáng chế đầu tiên được công nhận vào tháng 1/2014 mang tên “Hệ thống nhận biết trạng thái các ngón tay di chuyển và nhấn trên vùng không gian ảo giới hạn”. 

Hoạt động nghiên cứu R&D của các đơn vị thuộc Khối Giáo dục FPT được Viện Nghiên cứu công nghệ FPT chịu trách nhiệm về mặt đăng ký các bản quyền cho sáng chế. Từ năm 2011, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT bắt đầu gửi hồ sơ lên Cục Sở hữu trí tuệ. Tính đến nay, tổng cộng 48 hồ sơ đã được FTRI gửi lên Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký bản quyền sáng chế.

Thạch Anh - Vân Anh

Ý kiến

()