Chúng ta

'Đế chế' của Jack Ma và những bài học cho doanh nghiệp Việt

Thứ ba, 7/11/2017 | 10:18 GMT+7

Ra đời năm 1999, Alibaba đã tạo ra những bước ngoặt thần kỳ, từ một website thương mại điện tử trở thành một hệ sinh thái đồ sộ với tham vọng trở thành “nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới cho tới năm 2036”.

Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, người tham gia đối thoại trực tiếp với Jack Ma tại Diễn đàn Thanh toán điện tử 2017 (VEPF), “những quan điểm nổi bật làm nên thành công cho “đế chế thương mại điện tử”, những dự báo tương lai của tỷ phú Jack Ma chính là những bài học giàu giá trị đối với các doanh nghiệp Việt Nam thời đại chuyển đổi số toàn cầu”.

Công nghệ sẽ thay đổi thế giới

Đối với Jack Ma, công nghệ sẽ giúp giải quyết mọi vấn đề, giúp vận hành các mô hình sản xuất, kinh doanh của tương lai. Ông từng nhiều lần khẳng định: “Chúng ta cần phải hiểu, trân trọng, đề cao, thậm chí tôn sùng công nghệ. Công nghệ sẽ trở nên rất hiệu quả, mang lại sự sáng tạo và có thể thay đổi thế giới”.

DSC-8310_1509955468.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình là người điều phối phiên thảo luận thứ ba tại VEPF với diễn giả là Jack Ma, Chủ tịch Alibaba. Ảnh: Ngọc Thắng.

Jack Ma cho rằng những công nghệ mới như thiết bị di động, dữ liệu lớn và Internet vạn vật chính là “công nghệ của tương lai”, giúp giải quyết các vấn đề, giúp vận hành các mô hình sản xuất/kinh doanh trong tương lai. Ông tin tưởng hoàn toàn về một nền kinh tế số (virtual economy), nơi mà mọi doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhỏ, đều có thể tối ưu hóa và tối đa hóa khả năng kinh doanh nhờ vào công nghệ.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Alibaba đã được định vị là một nền tảng công nghệ thay vì một website thương mại điện tử thông thường. Jack Ma cũng đặt ra bài toán về thanh toán điện tử, e-logistics hay điện toán đám mây từ 10-15 năm trước, biến nó trở thành vấn đề để nghiên cứu, phân tích và giải quyết trước khi thế giới bắt đầu nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công nghệ mới. Chính tư tưởng này đã biến một công ty với 17 thành viên trở thành một tập đoàn khổng lồ với giá trị thị trường đạt 463 tỷ USD cùng hơn 50 ngàn nhân viên trên toàn cầu.

“Jack Ma đã nghĩ đến thương mại điện tử một cách toàn diện như một platform toàn cầu và toàn diện từ B2B, B2C đến C2C cũng như thanh toán và logitics. Hiện Jack Ma có một niềm tin mới là thế giới sẽ đổi khác, sẽ có một thế giới mới được hình thành và đó là thế giới của Internet, của sức mạnh 4.0.", anh Bình chia sẻ. "Để phát huy lợi thế trong cuộc cách mạng 4.0, Việt Nam cần có lộ trình phát triển, các doanh nghiệp cũng cần có một lộ trình tương tự. Cùng với đó, là hạ tầng phù hợp, an toàn; chính sách, hành lang pháp lý đồng bộ và đặc biệt là "nhân sự 4.0"”.

Điểm chung nhất và thay đổi lớn nhất sẽ là Internet vạn vật. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, doanh nghiệp cũng có thể thu thập toàn bộ dữ liệu về khách hàng, về nhu cầu của họ, các thói quen… sau đó dùng trí tuệ nhân tạo xử lý, để đưa ra giải pháp tức thời. Đây là nền tảng của các công ty thời đại số: “Công ty thời gian thực”, trong đó mọi quyết định đều được đưa ra dựa trên tính toán của máy móc và khách hàng không phải chờ đợi lâu.

“Nếu doanh nghiệp không chủ động ứng phó thì sẽ bị "cuốn trôi", bị thay thế bởi các doanh nghiệp hình thức mới. Đối với các doanh nghiệp, đầu tiên là vấn đề nhận thức. Tức là phải biết chúng ta đối mặt với cái gì và chúng ta phải làm thế nào. Doanh nghiệp cũng phải không ngừng đổi mới, thực hiện “dò đá qua sông” để bắt kịp những thứ mới. Hãy tự hỏi hằng ngày, công việc này có thể làm khác không và lan tỏa tinh thần đổi mới đến mỗi thành viên của doanh nghiệp mình”, ông Bình nhấn mạnh.

Mô hình kinh doanh của tương lai là Platform

Jack Ma dự báo mô hình kinh doanh của tương lai là “nền tảng” (Platform). Ông nói: “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đã cho ra đời mô hình kinh doanh gọi là “Nhà xưởng” (Factory). Cuộc cách mạng lần thứ hai cho ra đời mô hình kinh doanh gọi là “Công ty” (Company). Với thời đại số, thời đại của Internet và dữ liệu ngày nay, chúng ta có mô hình kinh doanh gì phù hợp? Chúng tôi suy nghĩ về cái gọi là Platform Business Model”.

Với tầm nhìn sâu sắc và khả năng dự báo trước tương lai, Jack Ma đã xây dựng Alibaba ngay từ đầu dựa trên mô hình Platform, tức là nơi phát triển nền tảng - hạ tầng và các dịch vụ đi kèm khác để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, người trẻ và phụ nữ làm thương mại điện tử một cách dễ dàng, hiệu quả và ít tốn kém. Theo đó, Alibaba, Taobao và Taobao Mall (T.mall) là các platform phục vụ trực tiếp hoạt động thương mại của doanh nghiệp và người dùng, Alipay là giải pháp thanh toán trực tuyến, Alibaba Cloud - platform cung cấp dịch vụ điện toán đám mây; AliExpress - dành cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc…

Không chỉ riêng Alibaba, mà các doanh nghiệp mới bứt phá, vượt trên những tập đoàn lâu đời về công nghệ trong 10 năm qua như Apple, Google, Facebook, Amazon… cũng đều phát triển nhờ mô hình kinh doanh này.

“Trong tương lai không xa, mỗi lĩnh vực đều sẽ được phát triển theo một platform riêng. Chẳng hạn gần đây nhất FPT đang tham gia cùng GE phát triển nền tảng Predix nền tảng điện toán đám mây đầu tiên cho các lĩnh vực công nghiệp. Không giống như những nền tảng khác, GE Predix tập trung vào thu thập dữ liệu từ các dây chuyền sản xuất của tất cả các nhà máy trên thế giới và lưu trữ trên nền tảng Predix. Các nhà máy công nghiệp trên thế giới sẽ sử dụng nền tảng Predix”, anh Bình cho biết.

Theo người đứng đầu FPT, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là vừa và nhỏ nên mô hình Platform Business Model mang lại cơ hội lớn. Platform giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường người dùng rộng lớn, dễ dàng tạo ra những sản phẩm mới hoặc sáng tạo những mô hình kinh doanh độc đáo hơn. "Điều quan trọng là phải xác định các nền tảng phù hợp, nhanh chóng làm quen, trải nghiệm và sáng tạo kinh doanh trên các nền tảng này”, Chủ tịch FPT khẳng định.

>> Jack Ma: ‘Bạn muốn là được, nếu không có cả triệu lý do để không làm’

Kim Ngân

Ý kiến

()