Chúng ta

Đại học Stanford: ‘Bỏ Facebook giúp hạnh phúc hơn’

Thứ bảy, 2/2/2019 | 16:06 GMT+7

Với 2.488 người tham gia và phương pháp khảo sát được đánh giá là kỹ lưỡng, nghiên cứu này cung cấp cho người dùng cái nhìn sâu hơn về việc sử dụng Facebook.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford và Đại học New York vừa công bố nghiên cứu về việc người dùng sẽ ra sao khi bỏ Facebook trong một tháng, TechCrunch cho hay.

Thông qua chính Facebook, các nhà nghiên cứu tuyển được 2.488 tình nguyện viên, những người sẵn sàng rời Facebook trong một tháng. Trong suốt quá trình "cai nghiện" Facebook, các nhà nghiên cứu liên tục kiểm tra hoạt động Facebook của người dùng để chắc chắn họ không sử dụng mạng xã hội. 

20180328153457-GettyImages-937-5589-9384

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hạnh phúc Copenhagen (Đan Mạch) cho thấy, từ bỏ Facebook sẽ không chỉ giúp bạn hạnh phúc hơn mà còn giảm đáng kể cảm giác lo âu. Ảnh: Getty.

Đồng thời, người tham gia phải báo cáo mức độ hạnh phúc hay cô đơn của họ mỗi 10 phút. Tuy vậy, người tham gia vẫn được phép sử dụng Facebook Messenger cho nhu cầu nhắn tin.

Tổng hợp dữ liệu, các nhà nghiên cứu kết luận, mạng xã hội Facebook ảnh hưởng đến mức độ hạnh phúc của người dùng. Nhóm nghiên cứu thấy rằng, các tình nguyện viên dành ít thời gian hơn cho Facebook và các mạng xã hội khác. 

Trong khi đó, người tham gia thử nghiệm này dành thời gian nhiều hơn cho các hoạt động ngoài đời thực cùng người thân, bạn bè và xem truyền hình nhiều hơn. 

Kết thúc thời gian nghiên cứu, người tham gia cũng cho biết họ ít sử dụng mạng xã hội hơn.

Theo TechCrunch, kết quả của nghiên cứu này trùng khớp với các phát hiện của họ về ảnh hưởng của mạng xã hội đến sức khỏe người dùng. Bên cạnh đó, nghiên cứu phần nào chứng minh người dùng không thực sự cần Facebook cho cuộc sống. Mạng xã hội này đang hình thành thói quen sử dụng cho mọi người.

Tuy vậy, TechCrunch cũng chỉ ra, nghiên cứu được thực hiện trước kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 - thời điểm cao trào của các mâu thuẫn chính trị tại Mỹ. Vì vậy, kết quả của nghiên cứu chưa thật sự thể hiện chính xác bản chất vấn đề.

Trong thời điểm diễn ra bầu cử, các thông tin về phân chia quyền lực chính trị ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của người dùng. Thế nên việc từ bỏ Facebook trong giai đoạn này cải thiện chỉ số hạnh phúc nhiều hơn bình thường.

Mặc dù vậy, với số lượng người tham gia lớn và phương pháp khảo sát khá kỹ lưỡng, nghiên cứu này cung cấp cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về việc sử dụng Facebook.

Hồi năm 2015, nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Hạnh phúc tại Copenhagen, Đan Mạch, công bố cho thấy, sử dụng Facebook sẽ khiến sức khỏe tinh thần của người dùng bị giảm sút.

Trong nghiên cứu, Viện Hạnh phúc Copenhagen đã khảo sát 1.095 người sử dụng Facebook và phát hiện ra rằng 94% trong số này "nghiện" tới mức phải vào mạng xã hội này hàng ngày. Sau đó, số người dùng nói trên đã được chia ra làm 2 nhóm: Một nhóm tiếp tục sử dụng Facebook và nhóm còn lại bị ép buộc không được dùng mạng xã hội này nữa.

Chỉ trong vòng 1 tuần, nhóm người bị ép buộc từ bỏ Facebook cho biết họ cảm thấy thỏa mãn hơn với cuộc sống của mình. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 88% trong số này cảm thấy "hạnh phúc", trong khi tỷ lệ này ở nhóm người dùng Facebook chỉ là 81%.

Đáng kể hơn, tỷ lệ stress trong nhóm người dùng từ bỏ Facebook chỉ là 41%, giảm đáng kể so với mức 54% trong nhóm người tiếp tục sử dụng Facebook. Nghiên cứu cho thấy do Facebook thường tập trung vào những yếu tố tốt đẹp nhất của cuộc sống mỗi người, những người lên mạng xã hội này thường quá chú ý tới những gì người khác có và do đó tự làm cho mình cảm thấy bất hạnh hơn.

Trái ngược lại, những người không sử dụng Facebook khẳng định họ tận hưởng cuộc sống nhiều hơn, ít giận dữ hơn và cũng nhiệt tình với cuộc sống của mình hơn. Không chỉ có vậy, những người này còn gia tăng đáng kể các hoạt động xã hội và tăng mức độ thỏa mãn với cuộc sống giao tiếp của mình.

>> Hơn 70% người dùng smartphone truy cập Internet vào năm 2025

Thanh Mai

Ý kiến

()