Chúng ta

CTO FPT: 'AI tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp'

Thứ năm, 17/5/2018 | 13:25 GMT+7

“Doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng cho AI. Tuy nhiên, triển khai thành công nền tảng trí tuệ nhân tạo sẽ tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp”, Giám đốc Công nghệ FPT Lê Hồng Việt nhận định. 

Chia sẻ trong hội nghị AI4Life và họp báo cuộc thi Cuộc đua số của Tập đoàn FPT, CTO FPT Lê Hồng Việt cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra ảnh hưởng vô cùng to lớn. Đến năm 2030, AI sẽ đóng góp 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu. Bắt đầu từ năm 2020, GDP toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh mẽ so với thời kỳ trước, trong đó 50% sự tăng trưởng sẽ đến từ ảnh hưởng trí tuệ nhân tạo, được tạo ra do máy có khả năng thay thế con người tương đối tốt.

Theo thống kê của McKinsey thực hiện ở Bắc Mỹ, châu Á, AI là công nghệ nhận được nhiều đầu tư nhất trên thế giới (39 tỷ USD năm 2016). Phần lớn khoản đầu tư vào AI nằm ở khoản mục nghiên cứu và phát triển nội bộ của các công ty lớn, sau đó là các khoản mua bán sáp nhập, và đầu tư theo kênh đầu tư mạo hiểm, PE, và các nguồn đầu tư khác. Cụ thể: 5-7 tỷ USD đầu tư vào công nghệ học máy (machine learning); 2,5-3,5 tỷ USD cho thị giác máy tính (computer vision); 0,3-0,5 tỷ USD cho xe tự hành (Autonomous Vehicle); 0,3-0,5 tỷ USD Robot thông minh (smart Robot); 0,1-0,2 tỷ USD cho trợ lý ảo (virtual agent).

2DSC03747-696x392-3303-1526374406.jpg

Anh Lê Hồng Viêt tại Hội nghị AI4Life. Nguồn: Ban Công nghệ FPT.

Theo anh Việt, ngành dịch vụ tài chính và viễn thông là hai ngành có ứng dụng AI nhiều và tương lai sẽ có thay đổi lớn. "Hiện tại, các khách hàng mảng AI của FPT cũng chủ yếu đến từ hai ngành này. Ngoài ra, các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu và ứng dụng AI mang về tỷ suất lợi nhuận và cạnh tranh cao nhất thuộc ngành dịch vụ tài chính và y tế”, anh thông tin.

Hiện Việt Nam có khoảng cách xa với AI trên toàn thế giới, đặc biệt với những ông lớn như Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, người đứng đầu hoạt động công nghệ của FPT cho rằng, các doanh nghiệp công nghệ Việt đã và đang khám phá, khai thác và phát triển AI. Điều đó sẽ tăng mức độ cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách cho doanh nghiệp nào tăng tốc trên cuộc đua.

Bên cạnh yếu tố quyết định sự thành công cho dự án AI như bài toán ứng dụng tốt, dữ liệu, công cụ, tiến trình công việc và văn hóa, thì theo anh Việt, “yếu tố gây nên thất bại của dự án cũng quan trọng như sự ủng hộ của ban lãnh đạo, mục tiêu dự án không rõ ràng giữa đội kinh doanh và công nghệ, tính sẵn có của dữ liệu, thiếu kinh nghiệm, thiếu tài năng trong lĩnh vực AI”.

2DSC03867-696x392-4042-1526374406.jpg

TS. Đặng Hoàng Vũ tại hội thảo "Từ Việt Nam đến AI còn bao xa" (diễn ra hôm 11/5 tại Hà Nội). Nguồn: Ban Công nghệ FPT.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ trong hội thảo “Từ Việt Nam đến AI còn bao xa”, TS. Đặng Hoàng Vũ, Chủ nhiệm khoa học, Ban Công nghệ FPT, cho biết: “Việt Nam có nguồn nhân lực lập trình tốt, có nhiều nhà nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước, một số tài năng gốc Việt tại Silicon Valley cũng đã về đầu tư khởi nghiệp. Khó khăn là nguồn nhân lực thiếu chiều sâu, chảy máu nhân tài, thị trường trong nước còn sơ khai không có nhiều cơ hội, áp lực cạnh tranh từ các hãng nước ngoài”.

FPT là tập đoàn tiên phong trong sự phát triển AI ở Việt Nam. “FPT có thuận lợi là đối tác của một số tập đoàn lớn, có uy tín về AI trên thế giới. Ngoài ra, tập đoàn đang có định hướng phát triển platform AI cho riêng mình, đủ sức phục vụ nội bộ và cạnh tranh trong nước, tương lai tiến ra khu vực và thế giới”, anh Vũ chia sẻ thêm.

Tiết lộ thêm về ứng dụng AI của FPT, anh Lê Hồng Việt cho biết: “Hiện nay, tập đoàn có 3 ứng dụng chính từ AI là: Tự động hóa với khâu chăm sóc khách hàng (Help desk), Smart Robot, RPA (Robotics Process Automation); Trải nghiệm khách hàng với các yếu tố liên quan tới thời gian thực, cá nhân hóa, hay các năng lực mới như trong bảo hiểm, giúp tăng năng suất máy móc”.

22017-06-06-153617-2029-149673-7083-8560

Nền tảng FPT.AI của tập đoàn FPT. Nguồn: Ban Công nghệ.

Đặc biệt, nền tảng FPT.AI được giới thiệu với năng lực mô phỏng giác quan và năng lực phân tích của con người như tổng hợp và nhận diện giọng nói; phát hiện mục đích, quản lý hội thoại… Hiện nền tảng FPT.AI đã được ứng dụng trong cuộc sống, tiêu biểu là một công ty viễn thông tại Singapore và FE Credit - công ty tài chính tại Việt Nam, hợp tác trong cuộc gọi nhắc lịch, giúp thay thế và tiết kiệm gần 20 nhân lực cho khách hàng.

“Như vậy, việc ứng dụng trí tuệ vào cuộc sống không phải là điều quá xa vời. Các doanh nghiệp cần nhận diện được bài toán cụ thể và ứng dụng công nghệ AI tương ứng, điều đó sẽ nhanh chóng tăng mức độ cạnh tranh cho doanh nghiệp”, anh Việt khẳng định.

Hà Trần

Ý kiến

()