Chúng ta

Cơ hội vàng đến từ hệ sinh thái công nghệ

Thứ năm, 1/11/2012 | 11:32 GMT+7

Nhờ những hệ sinh thái (Ecosystem) do chính mình tạo ra, Apple, Google và Microsoft đang ngày một “bành trướng” thành những đế chế trong ngành công nghệ.

Hiện nay, báo chí đề cập nhiều tới cụm từ “hệ sinh thái” trong Kinh doanh và Công nghệ (KD&CN) nhưng thuật ngữ này đã có từ đầu thập niên 90 khi Micheal Rothschild, nhà tài phiệt ngành tài chính Mỹ gốc Do Thái, đưa ra nhận định: “Một nền kinh tế tư bản có thể được hiểu một cách rõ ràng nhất nếu so sánh với một hệ sinh thái học”.

Hệ sinh thái

Apple ngày càng "bành trướng" nhờ tận dụng hệ sinh thái mà họ tạo ra.

Với định nghĩa trên, có thể hiểu hệ sinh thái trong KD&CN mang đầy đủ những đặc điểm của một hệ sinh thái trong tự nhiên. Đó là những khái niệm tồn tại trong tự nhiên như: Đấu tranh sinh tồn, chuyên môn hóa, hợp tác cộng sinh hay thích ứng và phát triển đều dễ dàng nhận ra trong môi trường kinh doanh hiện nay.

Thuật ngữ “ecosystem” tiếp tục được bồi đắp thêm trong những năm sau 1990. Ý tưởng hệ sinh thái trong KD&CN cho rằng doanh nghiệp là thực thể sống của hệ sinh thái. Trong “Havard Business Review” xuất bản năm 1993, James F. Moore đã đưa ra khái niệm về hệ sinh thái như “một cộng đồng kinh tế được hỗ trợ bởi nền tảng là sự tương tác giữa tổ chức và các cá nhân”.

Cộng đồng này sẽ sản sinh ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị cho khách hàng và họ chính là một phần của hệ sinh thái này. Các thành phần tham gia hệ sinh thái có thể là: Nhà cung cấp, nhà sản xuất, phân phối hay các bên hữu quan khác.

Khái niệm hệ sinh thái trong Kinh doanh và Công nghệ tiếp tục phát triển và đến bây giờ thật khó để có một định nghĩa chuẩn về nó. Hệ sinh thái này được đưa ra tùy thuộc vào mối quan hệ của các doanh nghiệp về những lĩnh vực riêng biệt, từ đó tương trợ, “cộng sinh” cùng phát triển.

Hiện nay, trên thế giới, trước sức ép cạnh tranh, đòi hỏi chuyên môn hóa và tối ưu hóa trong kinh doanh, các công ty cũng phải tìm cách “bắt tay” với nhau và thu hút các bên liên quan hình thành một hệ sinh thái để cùng tồn tại và phát triển.

Facebook với các ứng dụng (apps), quảng cáo… hay của Mozilla với các add-ons quanh trình duyệt FireFox… là những ecosystem mạnh. Nổi bật nhất chính là những hệ sinh thái của ba “ông lớn”: Apple, Google và Microsoft.

Apple đã xây dựng “ecosystem” rất thành công xung quanh hệ điều hành iOS. Hệ sinh thái này trải rộng từ các thiết bị phần cứng như iPhone, iPad cho đến dịch vụ thu từ kho ứng dụng khổng lồ trên AppStore cho phép các nhà phát triển apps cùng xây dựng, hay iCloud cho phép kết nối các thiết bị của Apple với nhau. Các yếu tố trên tạo ra một hệ khép kín và tương trợ lẫn nhau, đem lại doanh số khổng lồ cho “Táo cắn dở”.

Sự thành công từ ecosystem của Apple gặp phải đối trọng lớn đến từ một hãng khổng lồ khác: Google. Hãng này đã phản ứng rất nhanh trước mối đe dọa từ hệ sinh thái của Apple bằng việc đưa ra hệ điều hành Android và hệ sinh thái quanh nó.

Google đã hợp tác và đưa Android vào các thiết bị phần cứng như Samsung, HTC… để củng cố hệ sinh thái quanh Android. Kho ứng dụng App market cũng là một điểm nhấn mở rộng hệ sinh thái của Google.

Nokia bắt tay với

Nokia bắt tay với Microsoft để tạo ra một hệ sinh thái chung.

Nếu máy tính bạn đang chạy hệ điều hành của Windows thì đó là một trong những hệ sinh thái lớn nhất và lâu đời nhất thế giới. Các ứng dụng phát triển xung quanh hệ điều hành này vẫn đang gia tăng mạnh.

Với mảng di động, Microsoft dự định mở rộng hệ sinh thái của mình khi hợp tác chiến lược với Nokia để đưa hệ điều hành Windows lên di động. Đây là cuộc chơi được dự đoán có ảnh hưởng lớn với thị trường di động thế giới trong những năm tới.

Gần đây, ba hãng lớn trên đều thực hiện chiến lược đa màn hình (di động, máy tính bảng, PC, TV…) để mở rộng và củng cố ecosystem của mình. Đây cũng là chiến lược và cơ hội to lớn cho FPT, xuất phát từ nhu cầu có thêm đối tác gia nhập hệ sinh thái của các ông lớn trên thế giới.

Hiện nay, những kẻ chiến thắng là những công ty tập trung tạo dựng mối quan hệ với cả người tiêu dùng lẫn các đối tác nhằm xây dựng một cộng đồng chung, một “hệ sinh thái” chung, nơi các thành phần có cùng suy nghĩ, quan điểm, chiến lược và lợi ích.

Với lý do như vậy, bất kỳ một công ty đơn lẻ nào hoạt động trên thị trường đều gặp rủi ro lớn từ các đối thủ cạnh tranh. Chỉ duy hệ sinh thái quanh nó là có sức sống tồn tại cao. Để đánh bại được hệ sinh thái này, người tiêu dùng phải tốn rất nhiều chi phí chuyển đổi giữa các nền tảng với nhau.

Hệ sinh thái trong Kinh doanh và Công nghệ đem lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp. Nó giúp doanh nghiệp tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Bạn sẽ không bị phân tán nguồn lực hao tốn vào các lĩnh vực khác.  

Các

Các hệ sinh thái trong công nghệ luôn có sự tác động qua lại với nhau.

Giải pháp ecosystem cũng giúp doanh nghiệp trong hệ chuyên môn hóa nâng cao năng suất và sản lượng. Các doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được tối đa chi phí và thời gian. Cuối cùng, nó buộc các đối thủ phải theo cuộc chơi mà bạn là người viết luật, làm chủ cuộc chơi và giúp công ty phát triển bền vững.

FPT có một lợi thế mà ít đối thủ ở Việt Nam nào có được. Đó là việc sở hữu một danh mục các công ty thành viên với độ phủ lớn trên nhiều mảng công nghệ. Lợi thế này là một điều kiện tốt để FPT phát triển hệ sinh thái của mình trên nhiều mảng lĩnh vực.

Cơ hội lớn cũng đến với FPT khi công ty tham gia vào cuộc chơi của các ông lớn trên toàn cầu. Mới đây, Giám đốc Công nghệ FPT Nguyễn Lâm Phương đã chia sẻ về cuộc chơi lớn được tạo ra từ quan hệ chiến lược của Microsoft với Nokia và cơ hội cho FPT.

”Đây là một bước đi tốt cho định vị công nghệ của tập đoàn. Các đối tác lớn như IBM, Microsoft, Nokia… sẽ giúp FPT đi nhanh hơn trong chiến lược công nghệ gồm Mobility, Cloud Computing, Big Data…”, anh nói. Do vậy, FPT chắc chắn sẽ học hỏi và có nhiều cơ hội khi tham gia vào hệ sinh thái của Microsoft và Nokia.

Việt Nam có câu ca dao: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Xây dựng ecosystem là xây dựng để doanh nghiệp phát triển bền vững và trường tồn. Nếu nắm bắt được những “cơ hội vàng” trên, chắc chắn FPT sẽ tạo ra hệ sinh thái bền vững quanh mình và trở thành mắt xích quan trọng trong các ecosystem trên Việt Nam và toàn thế giới.

Nam Lê

Ý kiến

()