Chúng ta

CNTT làm thay đổi ngành Y tế Ấn Độ

Thứ ba, 12/3/2013 | 15:07 GMT+7

Các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ đang chuẩn bị thông qua một chương trình, trong đó có việc tất cả thuê bao di động sẽ đóng góp 20 rupee từ hóa đơn của mình, góp phần tạo ra các chương trình bảo hiểm y tế tốt nhất trên thế giới.
> 'Thị trường đánh giá FPT.eHospital ở tầm mới'

Các nhà phân tích nhận định rằng, ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ sẽ đạt 155 tỷ USD doanh thu vào năm 2017. Nhưng liệu các bệnh viện có thực sự sử dụng đồng tiền của mình một cách hiệu quả? Narayana Hrudayalaya là một trong những bệnh viện thành công nhất trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để cung cấp những dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao với giá cả phải chăng.

Theo tiến sĩ Devi Shetty, người sáng lập chuỗi bệnh viện Narayana Hrudayalaya , CNTT giúp giảm thiểu chi phí của rất nhiều các hoạt động khác nhau trong tất cả các ngành công nghiệp dịch vụ. Hãy nhìn vào số lượng các giao dịch tài chính tại NASDAQ, chỉ trong một vài phút, hàng tỷ đôla đã được trao tay. Chi phí cho những giao dịch này hầu như là không có. Một ví dụ khác là tại các siêu thị, hàng hóa được mua, bán và duy trì với số lượng lớn, mà hầu như không có bất kỳ một chi phí giao dịch nào. Tất cả những điều này chỉ có thể thực hiện được trên nền tảng của CNTT.

d

Narayana Hrudayalaya là một trong những bệnh viện thành công nhất trong việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để cung cấp những dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao với giá cả phải chăng. Ảnh: Internet.

Hầu hết mọi nơi trên thế giới, trong lĩnh vực y tế, sự xâm nhập của CNTT vẫn còn rất khiêm tốn, ngoài việc sử dụng CNTT như là một chiếc máy đánh chữ để làm giấy chứng nhận, tóm tắt bệnh lý, thu thập dữ liệu và quá trình yêu cầu bồi thường. Sự tham gia của CNTT vào quá trình chăm sóc bệnh nhân quả thực còn rất hạn chế.

Tại bệnh viện Narayana Hrudayalaya , CNTT đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bộ phận tài chính và chất lượng dịch vụ. Đây có lẽ là một trong số ít các bệnh viện trên thế giới có một bảng cân đối kế toán được thực hiện trên cơ sở các dữ liệu thu thập hằng ngày.

Một hệ thống ERP phức tạp dựa trên nền tảng cơ sở điện toán đám mây lưu trữ mọi chi tiết tài chính của các bệnh viện thành viên. Mỗi ngày, vào lúc 12h trưa, bác sĩ cấp cao và các quản trị viên sẽ nhận được một tin nhắn SMS trên điện thoại di động của họ thông báo về doanh thu, chi phí của ngày hôm trước, cũng như tỷ suất lãi/lỗ.

“Như vậy, các bác sĩ sẽ có thể biết được chính xác điều gì đang xảy ra với bệnh viện của mình như: bao nhiêu bệnh nhân đang chờ được phẫu thuật, số ngày bệnh nhân nằm trong khu săn sóc đặc biệt, bệnh nhân nằm lại bệnh viện bao nhiêu ngày sau phẫu thuật, chi phí công cụ, dụng cụ cho một ca phẫu thuật”, tiến sĩ Devi Shetty nhận mạnh.

Hệ thống 17 bệnh viện trải dài trên khắp đất nước Ấn Độ này được trang bị một hệ thống quản lý khiếu nại (Complaint Management System - CSM) để theo dõi tất cả các vấn đề một bệnh viện phải đối mặt trong ngày. Vì vậy, người quản lý không cần phải đến tận nơi vẫn có thể biết được tình hình thực tế, đồng thời những thông tin sai lệch cũng sẽ được giảm thiểu đáng kể. Tất cả thông tin này sẽ không thể có được nếu không có sự giúp đỡ của CNTT. Thời gian đầu ứng dụng CSM, bệnh viện nhận được khoảng 200-300 khiếu nại một ngày, nhưng đến nay, con số này đã giảm xuống chỉ còn 60-80 khiếu nại. Đây chính là nhờ sức mạnh của CNTT.

70% dân số Ấn Độ hiện sống ở khu vực nông thôn nhưng có đến 80% bác sĩ và 60% bệnh viện tập trung ở khu vực thành thị. Điều đó giúp mở ra một cánh cửa mới cho y học từ xa. X-quang chính là lĩnh vực chịu tác động lớn nhất.

Chuỗi bệnh viện Narayana Hrudayalaya không có bác sĩ X-quang cao cấp tại từng bệnh viện mà chỉ có một bác sĩ chẩn đoán hình ảnh duy nhất chịu trách nhiệm đọc kết quả CT, MRI cho tất cả các bệnh viện trong nhóm. Bệnh viện cũng đã điều trị từ xa cho hơn 53.000 bệnh nhân từ khắp nơi trên Ấn Độ và tin rằng sẽ ngày càng có ít bệnh nhân phải đến bệnh viện hơn, chỉ trừ những trường hợp cần được phẫu thuật. Với các vấn đề về y tế, người bệnh có thể ở nhà và sử dụng các thiết bị cầm tay để chẩn đoán (như đo điện tâm đồ, xét nghiệm máu) và tương tác với bác sĩ thông qua video conferencing.

Áp dụng CNTT, bác sỹ sẽ có nhiều thời gian hơn với những bệnh nhân phải điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Internet.

Áp dụng CNTT, bác sỹ sẽ có nhiều thời gian hơn với những bệnh nhân phải điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Internet.

Các nhà quản lý tin rằng, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia đầu tiên tách biệt rạch ròi giữa y tế với sự sung túc. Trong vòng 10 năm tới, tất cả người dân Ấn Độ sẽ được tiếp xúc với công nghệ cao trong việc chăm sóc sức khỏe. Ấn Độ sẽ chứng minh cho cả thế giới biết rằng, sự giàu có của một quốc gia hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Ấn Độ là đất nước sản sinh ra số lượng các bác sĩ, y tá và kỹ thuật viên y tế nhiều nhất trên toàn thế giới. Ngoài Mỹ, Ấn Độ là nước duy nhất nhận được giấy phép sản xuất thuốc của cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Đất nước này có đầy đủ yếu tố để xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe xuất chúng. Liên kết duy nhất còn thiếu chính là bệnh nhân không đủ tiền cho việc chăm sóc sức khỏe.

Tuy nhiên, vấn đề này sẽ sớm được giải quyết. Cách đây 10 năm, bang Karnataka đã khởi động chương trình bảo hiểm y tế Yashaswini Micro Health Insurance với số tiền người dân phải đóng chỉ là 5 rupee/tháng (một USD bằng khoảng 54 rupee). Hiện có 4 triệu nông dân được hưởng lợi ích từ chương trình bảo hiểm này. Trong 10 năm qua, hơn 450.000 bệnh nhân đã trải qua rất nhiều ca phẫu thuật khác nhau, trong đó có cả phẫu thuật tim chỉ với 5 rupee/tháng.

Hiện nay, các nhà hoạch định chính sách đang chuẩn bị thông qua một chương trình, trong đó có việc tất cả các thuê bao di động tại Ấn Độ sẽ đóng góp 20 rupee từ hóa đơn của mình, góp phần tạo ra các chương trình bảo hiểm y tế tốt nhất trên thế giới.

Na Vy (theo Computer World)

Ý kiến

()