Chúng ta

CMMi - 'súng phóng lao' của Phần mềm FPT

Thứ hai, 18/9/2017 | 08:32 GMT+7

Cuối thập niên 90, FPT liên tiếp gặp thất bại ở Ấn Độ rồi Mỹ. Ngoài sự chuyển hướng, quyết tâm thay đổi tận gốc để tiếp cận thị trường Nhật Bản, CMMi chính là tia sáng cuối đường hầm, khiến FPT Software trở thành công ty nước ngoài nổi bật và bắt đầu được nhiều hãng tên tuổi chú ý. 

Với năm “Mức trưởng thành” hoặc ba “Mức năng lực”, CMMI xác định những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng nên hệ thống có thể sản xuất ra những sản phẩm tốt, hoặc cung cấp dịch vụ tốt.

Với năm mức trưởng thành gồm: Khởi đầu, lặp lại được, được định nghĩa, được quản lý và tối ưu, CMMi xác định những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng nên hệ thống có thể sản xuất ra những sản phẩm tốt, cung cấp dịch vụ tốt.

Tháng 4/2004, nhà Phần mềm FPT là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam nhận chứng chỉ CMM 5, tương ứng với việc đạt đến level cao nhất của đánh giá mức trưởng thành doanh nghiệp phần mềm tại thời điểm đó. Một năm sau, FPT Software Japan (nay là FPT Japan) đã có “trái ngọt” khi ký được hợp đồng đầu tiên kể từ khi thành lập với khách hàng NS Solutions. 

Chứng chỉ về năng lực đáp ứng của nhà cung cấp dịch vụ phần mềm trở thành “vũ khí” lợi hại của FPT Software khi những công ty, tập đoàn toàn cầu tiếp tục coi đây là một đảm bảo quan trọng trước khi quyết định ký kết giao ước. Dennis Callahan, CIO của Công ty bảo hiểm Guardian Life, Mỹ, từng tuyên bố: “Các công ty nước ngoài muốn nhận gia công phần mềm phải đạt được CMM mức 5”. 

Chị Chu Thanh Hà, Chủ tịch FPT Telecom, người gắn bó với hoạt động của nhiều đơn vị từ lúc “khởi thủy” nhớ lại thời điểm tưởng như chiến lược toàn cầu hóa của FPT sắp phải dừng lại thì Ban lãnh đạo đã nhận ra một trong những điểm sáng là “bắt chước Tây” - phải có chứng chỉ, quy chuẩn để làm việc. “Người Nhật vốn cực kỳ cẩn trọng và FPT Software chỉ thực sự được để mắt tới khi đã hoàn thành CMM 5”, chị Hà chia sẻ. 

Một buổi đào tạo của nhóm dự án CMMi.

Một buổi đào tạo của nhóm dự án CMMi tại FPT Software.

Sau những dấu mốc mới - năm 2006 lần đầu đạt CMMi mức 5, năm 2011 đạt CMMi 5 version 1.2 và mới nhất - tháng 3/2017, đạt CMMi 5 version 1.3, Phần mềm FPT nằm trong danh sách những doanh nghiệp làm dịch vụ ủy thác phần mềm (outsourcing) ít ỏi đạt mức cao nhất của chuẩn quốc tế này. 

“Vị thế của chúng ta đã khác kể từ khi có CMMi”, anh Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, tự hào chia sẻ trong buổi vinh danh team dự án CMMi 5 ver 1.3, diễn ra hồi tháng 6 vừa qua. Theo anh Tiến, chứng chỉ này đã tạo sự tin tưởng vượt bậc với thị trường nước ngoài dành cho FPT Software và đóng vai trò rất quan trọng với mục tiêu “săn cá voi”, tiến tới doanh thu 1 tỷ USD năm 2020 của Phần mềm FPT. 

FPT Software bảo vệ thành công chuẩn CMMi 5 version 1.3 sau đúng một năm khởi động, bằng một nửa thời gian phía tư vấn QAI Global  nhận định, thể hiện nỗ lực phi thường của 100 thành viên dự án, làm việc ở nhiều trung tâm, đơn vị. Anh Đỗ Văn Khắc, GĐ Chất lượng (CQO) kiêm GĐ Thông tin (CIO), cho biết, tổng thời lượng làm việc quá giờ (OT) của dự án là 4.160 giờ, tương đương với trọn vẹn 173 ngày đêm. 

Anh Thái Quang Hy, PGĐ Chất lượng, Trưởng nhóm dự án (SEPG Head) CMMi, là nhân vật đã “đánh liều” nhận yêu cầu một năm hoàn thành đánh giá của Ban giám đốc. “Tôi xác định phải lên dây cót cho toàn đội. Version 1.3 rất quan trọng với đơn vị, vừa là yếu tố quan trọng để khách hàng lựa chọn hợp tác, vừa giúp công ty phát hiện kẽ hở ở hệ thống hiện tại. Chứng chỉ hiện thời khi đó của FPT Software cũng sắp hết hạn nên không còn nhiều thời gian nữa”. 

Dù khối lượng công việc khổng lồ, mức độ khó cao và được giao nhiệm vụ thực hiện trong thời gian ngắn kỷ lục, nhóm dự án CMMi bất chấp tất cả, làm việc với tinh thần "cứ máu là xong".

Dù khối lượng công việc khổng lồ, mức độ khó cao và được giao nhiệm vụ thực hiện trong thời gian ngắn kỷ lục, nhóm dự án CMMi bất chấp tất cả, làm việc với tinh thần "cứ máu là xong".

Tinh thần “cứ máu là xong” lan truyền khắp ngõ ngách nhóm dự án, dù mỗi lần đánh giá CMMi là một lần “yêu lại từ đầu” vì hệ thống này được cập nhật liên tục, chưa kể các thành viên toàn người mới. Chị Lê Thúy Lan, thành viên triển khai (Core team), cảm thấy háo hức khi lần đầu được tiếp cận với những kiến thức “đỉnh cao của nghề kiểm soát chất lượng”, dù xác định đã bước chân vào đây thì lắm gian nan, nhất là với thời gian eo hẹp đến “kinh dị”. Chị Lan chia sẻ: “Đời QA dễ có mấy lần kinh qua một mùa CMMi”. 

Một năm làm dự án, 600 quản lý dự án (PM), cán bộ chất lượng (QA) và trưởng nhóm đã được đào tạo, cập nhật 150 tài liệu, được kỳ vọng sẽ tạo nên sự thay đổi về “chất” của FPT Software. 

Không khí dồn dập tới mức chị Cao Thị Đoan Thương nhận xét: “Buổi phỏng vấn tập trung ở hai mức cao 4, 5 là chủ yếu khiến tôi cảm thấy như ra trận mạc. Hồi hộp nhưng đầy quyết tâm dù phỏng vấn không phải là điểm mạnh của tôi”. 

Ngoài đợt Tiền đánh giá (Pre-appraisal) chốt lịch chính thức cho dự án khiến team phải làm việc OT ba tuần liền để chuẩn bị hồ sơ dữ liệu, dấu mốc đáng nhớ nhất với anh Hy và các thành viên là giai đoạn nước rút - vòng đánh giá cuối (Final), trùng ngay dịp Tết nguyên đán. “Mọi kế hoạch ăn chơi trước, sau Tết gác lại hết. Tuần cao điểm, anh em làm việc tới 16 giờ mỗi ngày”, anh Hy tiết lộ. 

Anh Nguyễn Trường Hiệp, Quản lý dự án tại FPT Software (PM), thành viên áp dụng của dự án CMMi (Champion Team), người được chọn tham gia phỏng vấn cùng các chuyên gia đánh giá vẫn còn nhớ cảm giác “thốn” khi thấy những gì được học như bay biến. “Các anh em bảo nhau môn này như Thái Cực Kiếm của Trương Tam Phong, học xong không nhớ mới thi triển được. Quả không sai. Tôi đã thực hành thuần thục trong quá trình chuẩn bị nên cứ trả lời như thực tế thôi”. 

Trong suốt buổi phỏng vấn kéo dài hơn 2 giờ, vị Trưởng chuyên gia đánh giá (Lead Appraiser) đã “quây” anh Hiệp bằng một loạt câu hỏi về quản lý định lượng dự án (Quantitative Project Management). “Lúc ấy, thực hành thế nào thì nói thế thôi chứ chẳng kịp suy nghĩ. Sau câu cuối, bác buột miệng nói “Great” (tuyệt vời) làm tôi thở phào nhẹ nhõm”, anh Hiệp chia sẻ.

CMMI-Project-fpt-software-1-7698-1505451

Anh Thái Quang Hy (giữa), thuyền trưởng của đội CMMi nhà Phần mềm, cùng thành viên ban dự án.

Bảo vệ chuẩn CMMi 5 version 1.3 thành công, nhận HC Chiến công FPT hạng Nhì và 20 triệu đồng cho tập thể dự án đã xong, nhưng với anh Hy và các thành viên, cuộc chiến CMMi còn nhiều bộn bề bởi con số dự án áp dụng CMMi ở FPT Software vẫn còn khiêm tốn. 

Tháng 6 vừa qua, nhà Phần mềm đã thành lập bộ phận chuyên trách CMMi (CMMi Specialist). Dự kiến, đến 30/4/2018, FPT Software sẽ hoàn thành việc áp dụng và đưa chuẩn CMMi mới nhất vào đời sống, các dự án của công ty.

CMMi (Capability Maturity Model Integration) được phát triển tại Viện Kỹ nghệ Phần mềm Mỹ (Viện SEI - nay đổi thành Viện CMMI) tại trường ĐH Carnegie Mellon ở Pittsburgh. Chứng chỉ có giá trị trên quy mô toàn cầu, xác định mức độ trưởng thành năng lực của các công ty trong hoạt động xây dựng phần mềm và những dịch vụ liên quan. Trước năm 2005, Viện SEI còn sử dụng mô hình đánh giá CMM. Điểm khác biệt là CMMi được tích hợp từ nhiều mô hình, phù hợp cho cả những doanh nghiệp phần cứng và tích hợp hệ thống, chứ không chỉ đơn thuần áp dụng cho doanh nghiệp sản xuất phần mềm như CMM. 

>> FPT Software - Hitachi Healthcare: một thập kỷ 'chung thuyền'

Dung Nguyên

Ý kiến

()