Chúng ta

Chuyên gia tiết lộ chuyện khởi nghiệp của Foody và Tiki

Thứ năm, 21/5/2015 | 16:10 GMT+7

Đằng sau sau những khoản tiền đầu tư khổng lồ của CyberAgen Ventures là những câu chuyện thú vị. Trưởng đại diện CyberAgent Ventures tại Việt Nam và Thái Lan Dzung Nguyen đã tiết lộ về bí mật này trong phần chia sẻ tại Techday 2015.

Khởi nghiệp đã trải qua hơn nửa thế kỷ ở Mỹ, tiếp sau đó là các thị trường lớn như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và bây giờ là Ấn Độ. Anh Dzung Nguyen cho biết, thị trường tiếp theo mà các quỹ đầu tư đang hướng đến là Đông Nam Á. Lý do sự nổi lên của thị trường này vì đây là nơi có dân số trẻ, đông, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh, đặc biệt là sự bùng nổ của kỷ nguyên điện thoại di động thông minh.

DSC-2510-1-9256-1432189952.jpg

Anh Dzung Nguyen, Trưởng đại diện CyberAgent Ventures, trình bày chủ đề điểm nhấn của Ngày Công nghệ năm nay: Khởi nghiệp - trước hơn 300 khán giả. 

Theo thống kê, có khoảng 15 dự án khởi nghiệp lớn ở Đông Nam Á đã gây được 2,3 tỷ USD, trong

Anh Dzung Nguyen tên thật là Nguyễn Mạnh Dũng. Anh tốt nghiệp thạc sĩ ngành Kinh tế - Tài chính ở Nhật.

Anh làm việc bán thời gian cho CyberAgent Ventures từ tháng 2/2008 và chính thức gia nhập công ty này sau khi tốt nghiệp đại học Hosei tháng 4/2009.

Anh là trưởng đại diện của CyberAgent Ventures tại Việt Nam và Thái Lan, chịu trách nhiệm cho các khoản đầu tư vào CleverAds, Tiki, Foody và nhiều công ty khác. 

đó Lazada chiếm 700 triệu USD. Việt Nam đang đứng sau người đi đầu Đông Nam Á về khởi nghiệp là Indonesia, quốc gia sở hữu các dự án khởi nghiệp có giá trị và tầm ảnh hưởng nhất trong khu vực thời điểm hiện tại. Theo anh Dzung Nguyen, Việt Nam có tất cả những gì mà các thị trường khác có. Tuy nhiên, các dự án khởi nghiệp ở nước ta đang vướng phải một số vấn đề. “Đó là câu chuyện của chính phủ, trường học, của các tập đoàn lớn trong nước và về mặt tạo ra những động lực, tầm nhìn cho giới trẻ khởi nghiệp”, anh Dzung chia sẻ. 

Bài toán lớn của các dự án khởi nghiệp Việt Nam là thiếu đầu ra và thiếu những nhà đầu tư tin tưởng để dám đầu tư một số tiền lớn vào các dự án. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đứng trước một cơ hội lớn khi các nhà đầu tư đang xem Đông Nam Á là một thị trường chung và đầy hứa hẹn, sau Trung Quốc và Ấn Độ

Anh Dzung cho biết, số lượng các dự án được đầu từ từ 5.000-300.000 USD là rất nhiều, nhưng số nhà đầu tư có thể đầu tư tiền triệu, thậm chí là hàng triệu USD đang rất hạn chế. Nó phụ thuộc rất lớn vào giá trị và tầm nhìn của dự án. Mặc dù vậy, nếu có sự hỗ trợ đúng đắn và đặt ra những chiến lược cụ thể thì các dự án vẫn có cơ hội phát triển và đi ra nước ngoài.

DSC-2518-JPG-2904-1432189952.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình rất hứng thú trước những chia sẻ của diễn giả Dzung Nguyen.  Anh liên tục đặt câu hỏi và có lời khen ngợi trước những câu trả lời của đại diện CyberAgent Ventures. 

Anh Dzung Nguyen lấy Foody làm ví dụ. Dự án này được xây dựng cách đây gần 3 năm. CyberAgent Ventures đã đầu tư ngay từ lúc Foody chỉ là một ý tưởng. Đây cũng chính là nơi tự mình tìm kiếm các nhóm có khả năng triển khai ý tưởng ấy. Sau 3 năm xây dựng, anh Dzung cho biết, Foody hiện nay đã gây được một số vốn đáng kể và hiện đang bước ra khu vực. Cụ thể, Foody đang đánh vào các thị trường Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Singapore. Tại Việt Nam, Foody đang là một trong những sản phẩm tăng trưởng nhanh chóng. Mỗi tháng có 8 triệu lượt người truy cập Foody. Từ đó, anh Dzung nhấn mạnh, tất cả quỹ đầu tư đều sẵn sàng góp tiền cho những dự án có tầm nhìn xa, và Foody là một dự án như thế.

Một dự án khác mà CyberAgent Ventures đã đầu tư và thành công là Tiki. Những ngày đầu, người sáng lập trang bán hàng trực tuyến này phải làm mọi việc từ gói hàng, giao hàng cho đến ngủ ở gara với mức lương chỉ 2 triệu đồng một tháng. Mặc dù là một công tử có tất cả mọi thứ, nhưng ông chủ Tiki vẫn không nề hà bất cứ việc gì trong những bước đầu khởi nghiệp. Chính điều đó đã gây ấn tượng mạnh với CyberAgent Ventures. “Anh phải làm mọi thứ để chứng minh cho nhà đầu tư là anh có thể làm bất cứ điều gì để thành công và anh cần sự hỗ trợ của chúng tôi”, anh Dzung nhấn mạnh.

Có thể nói, tất cả các nhà đầu tư mạo hiểm đôi khi chỉ mới dừng lại ở điểm “thích thì đầu tư”. Một khi họ đã thích thì họ không quan tâm bất cứ điều gì. “Thực ra, đầu tư là đầu tư về con người”, đại diện CyberAgent Ventures chia sẻ. Chỉ cần người sáng lập dự án tin tưởng, kiên trì, không ngừng cố gắng và không từ bỏ thì khả năng nhận được đầu tư là “trong tầm tay”.

Theo anh Dzung Nguyen, khởi nghiệp có thể xuất phát từ một dự án nhỏ, trong một phạm vị nhỏ rồi từ từ mở rộng. Tiki ban đầu chỉ bán sách tiếng Anh cho những người thích đọc sách có thứ tiếng này. Những người làm Tiki mua sách từ Mỹ về và bán cho những người có nhu cầu trong một phân khúc nhỏ. Khi đã có một lượng khách hàng ổn định cũng như gây dựng được tên tuổi ở một vị trí nhất định, lúc ấy mở rộng cũng chưa muộn. Tiki đang làm rất tốt điều đó khi giờ đây đang mở rộng sang những ngành hàng khác.

DSC-2523-JPG-1876-1432189952.jpg

Khán giả hào hứng đặt câu hỏi cho diễn giả khách mời của Ngày Công nghệ 2015. 

Trả lời câu hỏi của một khán giả về "suy nghĩ gì trước một dự án khởi nghiệp cạnh tranh với chính công ty cũ mình đang làm", anh Dzũng không ngần ngại khẳng định: “Đó là việc rất bình thường”. Anh cho biết, ở CyberAgent Ventures có rất nhiều nhân viên đã tách ra khởi nghiệp và cạnh tranh trực tiếp với chính công ty cũ. Việc mà CyberAgent Ventures làm là đầu tư luôn vào những dự án đó vì quan điểm của công ty này là cạnh tranh công bằng để cùng phát triển.

Nếu một dự án, dù cho có là đối thủ với mình chăng nữa, mà thành công thì khoản đầu tư của CyberAgent Ventures cũng thành công. Còn nếu họ thất bại, xem như ủng hộ niềm tin cũng như tiếp sức cho một dự án tiềm năng. “Trong thị trường, cạnh tranh là điều tất yếu, nhưng nếu một nhân viên đánh cắp thông tin mật của công ty cũ để ra khởi nghiệp thì lại là một câu chuyện khác”, anh Dzung  quả quyết.

“Khởi nghiệp là một chủ đề lớn được nhiều người quan tâm. Nhưng làm cách nào để khởi nghiệp thành công là một vấn đề cần được mổ xẻ rất nhiều. Anh Dzung Nguyen đã trình bày góc nhìn toàn diện của một nhà đầu tư trước các dự án khởi nghiệp, bên cạnh việc đưa ra những ví dụ rất thực tiễn các dự án này tại Việt Nam. Từ đó, tôi đã có cái nhìn cụ thể hơn về khởi nghiệp và làm sao để thu hút nhà đầu tư. Đây là một chủ đề rất thú vị của Ngày Công nghệ năm nay”, Trần Hải Âu, nhân viên FPT Software bày tỏ.

“Phần chia sẻ hay đấy”, Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết sau sự kiện. “Có hai điểm đáng chú ý là đam mê của người khởi nghiệp và cách đánh giá dự án của người đầu tư”.

Yến Nhi

Ảnh: Hà Dương

Ý kiến

()