Chúng ta

Chuyên gia Google: ‘Kỹ sư công nghệ ít ngoại tình’

Thứ sáu, 26/2/2016 | 10:32 GMT+7

Theo anh Nguyễn Thành Nhân, chuyên gia Google Research, người đang sống và làm việc tại thung lũng Silicon, nơi được mệnh danh là chiếc “rốn công nghệ” của toàn cầu, kỹ sư công nghệ ít ngoại tình. 

Chuyên gia từ thung lũng Silicon cho rằng một số thông tin liệt kê kỹ sư công nghệ vào dạng “dễ ngoại tình” là không chính xác. Để minh chứng cho câu trả lời, anh Nhân đưa ra những con số đáng lưu ý. Số lượng nhân viên nữ ở Google chiếm 20% trong khi con số này là 0% tại Chailabs, “nhà cũ” của anh. “Nếu ngoại tình thì phải có một nam, một nữ. Ví dụ trong một công ty có 8 nam và 2 nữ thì tỷ lệ ngoại tình ở nam là 12,5% và nữ là 50%. Nếu có ngoại tình thì nữ phải nhiều hơn nam”, chuyên gia Google dí dỏm phân tích.

Năm 2008, nhà lập trình từng có thời gian thực tập và trải nghiệm công việc tại Google. Sau đó anh từ chối lời mời về làm việc chính thức mà đầu quân cho Chailabs trong thời gian khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, lúc mà mọi người đổ xô chạy khỏi nước Mỹ. Tuy nhiên, khi Facebook thâu tóm công ty này, anh Nhân quyết định ra đi. “Facebook tuyên bố họ giành được 10% thời gian của mọi người trên thế giới. Tôi quyết định rời đi vì thấy nó đã gây lãng phí 10% thời gian của mọi người”, anh phân bày. Quyết định này đã khiến chuyên gia mất đi 2 triệu USD nhưng không làm anh hối tiếc.

nhan-1-2188-1456373656.jpg

Anh Nguyễn Thành Nhân chia sẻ những câu chuyện về công việc và cuộc sống cùng người FPT tại tòa nhà FPT Tân Thuận, quận 7, TP HCM. Ảnh: V.N.

Trở lại với Google, anh Nhân vẫn không thôi ý nghĩ hướng về quê hương. “Tôi luôn tin rằng người Việt Nam rất giỏi”, anh khẳng định. Với suy nghĩ đó, chuyên gia công nghệ đã bằng cách này hay cách khác tiếp sức cho những mầm xanh công nghệ để vươn ra biển lớn. Nhà lập trình sẵn sàng là chiếc cầu nối đưa sinh viên Việt đến thực tập tại Google. Nếu giới thiệu được ứng viên làm việc chính thức cho gã khổng lồ, anh sẽ nhận được 4.000 USD cho mỗi hồ sơ. Song chuyên gia luôn từ chối những cơ hội như thế để rộng mở với những hồ sơ thực tập, thứ mà anh không nhận được một xu nào khi giới thiệu thành công.

Trong những cuộc trò chuyện, tiềm năng và sự tài giỏi của người Việt luôn được chuyên gia công nghệ nhấn mạnh và dẫn chứng bằng những con số cụ thể. Mỗi ngày Google nhận đến 5.000 hồ sơ nộp vào. Trong số đó, tỷ lệ người Việt thành công đạt đến 15%. Anh Nhân đánh giá đây là một con số khá cao.

Vì sao Google được bình chọn là công ty tốt nhất để làm việc? Chuyên gia từ thung lũng Silicon cho rằng, điều đầu tiên là dựa vào văn hóa chia sẻ. Mọi người tại đây chia sẻ kiến thức và học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển. Khi một dự án được chạy, cần có người đánh giá và đưa ra nhận xét, đây cũng là lúc sự gắn kết được siết lại mạnh mẽ hơn. “Thứ hai là mọi người trong nhóm đều giỏi nên sẽ thúc đẩy khả năng của bạn”, anh cho hay.

DSC-0178-JPG-8130-1456373656.jpg

Người dẫn dắt buổi trò chuyện là anh Vũ Anh Tú, Phó TGĐ FPT Telecom. Ảnh: V.N.

Ở thung lũng Silicon, anh Nhân thường bắt đầu ngày làm việc của mình lúc hơn 8h sáng sau khi đưa con đến trường và kết thúc lúc 5h chiều để kịp đón con tan lớp. “Đi làm sớm và ăn sáng giúp ngày làm việc dài hơn và cũng làm được nhiều việc hơn”, anh chia sẻ. Buổi trưa, chuyên gia sẽ đánh một giấc ngắn tại “nap pod” - hộp ngủ của Google hay trên ghế mát xa. Sau mỗi lần thức giấc như thế anh cảm thấy được tái tạo năng lượng và như có thêm một ngày mới. “Google luôn đánh giá công việc theo kết quả nên giờ giấc khá thoải mái, thậm chí có thể ngồi nhà làm. Đó là sự khác nhau giữa những công ty thế hệ mới và cũ”, anh Nhân tiết lộ.

Vài năm qua nhà lập trình còn đầu tư vào các start-up. Tính đến nay, anh đã “góp một tay” vào 13 dự án lớn nhỏ. Lý do mà chuyên gia Google đưa ra là muốn hỗ trợ để người khác thành công và tất nhiên bản thân anh cũng nhận ra tiềm năng từ các dự án. Là người đã có một số vốn kinh nghiệm trong địa phận này, anh Nhân cho rằng để kêu gọi được đầu tư không phải là chuyện đơn giản.  

“Để tránh ảo tưởng về start-up, nên tập trung vào các bài toán thực tế và giải nó chứ không nên tự mình đặt ra các bài toàn rồi giải”, nhà đầu tư đưa ra lời khuyên. Mặc dù đã nắm trong tay khá nhiều dự án nhưng chuyên gia từ Google khẳng định, đầu tư là lĩnh vực anh tham gia với tinh thần nghiệp dư vì “nghề chính của tôi vẫn là viết code”.

DSC-0292-JPG-8454-1456373656.jpg

Chuyên gia Google giải đáp thắc mắc của người FPT sau buổi trò chuyện. Ảnh: V.N.

“Cần cù bù thông minh” là kim chỉ nam trong cuộc sống của nhà lập trình. Anh luôn khiên tốn thừa nhận những thành quả mình đạt được đến hôm nay đơn giản chỉ xuất phát từ sự chăm chỉ và chịu khó tìm tòi. “Nếu bạn nghĩ mình thông minh thì rất dễ dẫn đến lười biếng”, anh diễn giải.

Đối với start-up, chuyên gia từ Google tiết lộ điều bí ẩn nằm sau con số 6 “thần thánh”. Đó là số lượng thành viên xuất phát điểm trong một số khởi nghiệp thành công mà nổi bật là Steve Jobs và các cộng sự sau khi rời Apple. Anh Nhân chia sẻ, khởi nghiệp trong nội bộ sẽ được ưu tiên khi dự án đó mang tính cải thiện chất lượng trong công ty. “Còn nếu muốn làm cái mới, nên chọn hình thức khởi nghiệp riêng”, anh chia sẻ. 

Đánh giá về các khởi nghiệp trong lòng FPT, chuyên gia từ Google cho rằng một số dự án ở tập đoàn nhận được những phản hồi tốt như FPT Play, Sendo.vn... “Tuy nhiên mọi thứ vẫn còn quá sớm để nói về sự thành công. Khi một dự án nhận được đầu tư, đó chỉ mới là khởi đầu và thời gian sẽ là lời giải hoàn hảo nhất cho câu hỏi này”.

Chiều 23/2, anh Nguyễn Thành Nhân, chuyên gia từ Google Research, đã đến gặp gỡ và chia sẻ những câu chuyện về công việc, cuộc sống cá nhân tại thung lũng Silicon cũng như giải đáp những câu hỏi của người FPT tại phòng hội nghị, tòa nhà FPT Tân Thuận, quận 7, TP HCM. Sự kiện được truyền hình trực tuyến bởi Truyền hình FPT trên Chungta.vn.

Nguyễn Thành Nhân, sinh năm 1983, là cựu học sinh lớp chuyên Toán - Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Đại học Simon Fraser, Canada, giành được nhiều giải thưởng về khoa học công nghệ, Thành Nhân đã có thời gian thực tập ở Google. Sau khi thực tập, Thành Nhân nhận được thư thuyết phục ở lại làm việc của Google, nhưng anh đã từ chối và quyết định chọn đầu quân cho một công ty công nghệ cao ở Bắc Mỹ.

Đến năm 2010, Thành Nhân trở lại làm việc cho Google và lập những thành tích đáng nể trong việc làm tăng doanh thu cho gã khổng lồ. Giám đốc tài chính Google từng viết thư với nội dung: “Mức tiến bộ đột phá của nhóm Nhân là nguồn gốc sự phát triển của Google và bạn chính là nguồn oxy để tăng trưởng cho Google”.

>> Chuyên gia Google: 'Cần cù bù thông minh'

Yến Nhi

Ý kiến

()