Chúng ta

Chuyên gia bảo mật FPT chỉ cách chống điện thoại gián điệp

Thứ tư, 25/6/2014 | 11:54 GMT+7

Thành viên Ban Công nghệ FPT, chuyên gia bảo mật Nguyễn Minh Đức đã chỉ ra một số dấu hiệu để người sử dụng nhận biết điện thoại đang bị xâm nhập.

> Điều khiển máy tính từ xa bằng Android  

Phòng cảnh sát Phòng chống tội phạm công nghệ cao - PC50 vừa cho biết: 14.000 điện thoại ở Việt Nam bị nghe lén. Mọi dữ liệu trên điện thoại sử dụng hệ điều hành Android khi cài đặt phần mềm Ptracker sẽ bị chiếm quyền điều khiển.

Vụ việc này được phát hiện khi nhà chức trách điều tra Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng kinh doanh phần mềm nghe lén điện thoại, vi phạm Luật công nghệ thông tin. Theo cơ quan điều tra dù khách hàng có mua phần mềm hay không, ngay từ khi cài bản dùng thử Ptracker, điện thoại đã chính thức bị chiếm quyền điều khiển.

14.000 điện thoại ở Việt Nam bị nghe lén. Ảnh minh họa.

14.000 điện thoại ở Việt Nam bị nghe lén. Ảnh minh họa.

Tất cả dữ liệu như danh bạ, tin nhắn, các cuộc gọi đi - đến, âm thanh ghi âm xung quanh, hình ảnh, video, thống kê lịch sử truy cập trang web, lộ trình di chuyển, vị trí hiện tại của máy... sẽ được phần mềm lưu lại và đẩy lên máy chủ chỉ khoảng 5-10 phút. Máy chủ này được công ty thuê lại.

Khi phần mềm được lưu lại máy chủ, nhân viên kỹ thuật của Công ty Việt Hồng có thể xem, xóa, khai thác nội dung dữ liệu đó mà không cần tới tài khoản, mật khẩu của người đã mua phần mềm Ptracker. Nếu khách hàng nộp tiền thì Công ty Việt Hồng sẽ cấp tài khoản để khách hàng xem, khai thác nội dung dữ liệu trên máy chủ.

Cũng từ việc đăng ký phần mềm giám sát trên, khách hàng chỉ cần đăng nhập vào trang web của công ty là có thể xem lại tất cả thông tin của máy điện thoại bị giám sát. Phần mềm này còn có khả năng ra lệnh điều khiển từ xa như: Ghi âm xung quanh, nghe âm thanh xung quanh, quay video, chụp ảnh, bật tắt 3G. Ngoài ra, người dùng phần mềm có thể sử dụng điện thoại bất kỳ rồi nhắn tin với các cú pháp định sẵn.

Việc này khiến nhiều người dùng điện thoại lo lắng. Theo chuyên gia bảo mật của FPT, các phần mềm có tính năng gián điệp được thiết kế với mục tiêu không cho nạn nhân - chủ sở hữu chiếc điện thoại bị cài đặt biết có sự tồn tại của nó. Tuy nhiên, họ có thể dựa vào một số dấu hiệu sau để nhận biết điện thoại của mình bị xâm nhập.

Chuyên gia bảo mật Nguyễn Minh Đức chỉ một số dấu hiệu để người dùng nhận biết điện thoại của mình bị xâm nhập. Ảnh: S.T.

Chuyên gia bảo mật Nguyễn Minh Đức chỉ một số dấu hiệu để người dùng nhận biết điện thoại của mình bị xâm nhập. Ảnh: S.T.

Thứ nhất, 3G có thể bị kích hoạt bất kỳ lúc nào mà người dùng không chủ đích bật. “Có thể kẻ xấu đã bật 3G của người dùng để lấy các dữ liệu tin nhắn, hình ảnh, e-mail, danh bạ, video từ điện thoại lên máy chủ của chúng”, anh Đức cho hay.  

Thứ hai, điện thoại thỉnh thoảng có biểu hiện hình tam giác nhỏ trên góc màn hình. Đấy là biểu hiện của định vị GPS đã được bật. Điều đó cho thấy có thể một phần mềm nào đấy đã kích hoạt tính năng này.

Thứ 3, cước 3G tăng đột biến do lưu lượng mạng bị lợi dụng để gửi dữ liệu ra bên ngoài; Ngoài ra còn các biểu hiện khác như pin đang chạy khỏe đột nhiên hết nhanh…

Theo anh Đức, cách đơn giản để kiểm tra điện thoại có bị cài đặt các phần mềm độc hại không, là người dùng vào thư mục cài đặt để biết những phần mềm nào đang tác động vào các thư mục ảnh, GPS, tin nhắn…

Sau khi sàng lọc, thấy phần mềm nào lạ, không dùng bao giờ nhưng đã được cài đặt và tác động vào các thư mục quan trọng, người dùng có thể gỡ bỏ để đảm bảo an toàn cho máy. Người dùng có thể cài đặt phần mềm Mobile Security trong kho ứng dụng CH Play hay Play Store trên điện thoại.

Đây là phần mềm hữu hiệu giúp người dùng phát hiện các phần mềm nằm trong diện nghi ngờ, cảnh báo phần mềm đó có độc hại hay không, hoặc phần mềm đó có đang tìm cách gửi dữ liệu ra ngoài không, để người dùng xử lý.

Trong tình huống không thể cứu vãn được điện thoại, theo chuyên gia FPT, người dùng cần sao lưu dữ liệu quan trọng trên máy tính hoặc e-mail, sau đó cài lại toàn bộ dữ liệu ban đầu của nhà sản xuất. Nếu không thông thạo công nghệ, người sử dụng điện thoại nên đến các trung tâm bảo hành chính hãng để nhờ trợ giúp.

Ngư Nhi

Ý kiến

()