Chúng ta

'Chưa thể có xe tự hành ở Việt Nam trong tương lai gần'

Thứ sáu, 14/4/2017 | 11:38 GMT+7

Chị Phạm Trang Phương Dung, Giám đốc Vận hành Uber HCM, đã có những chia sẻ thực tế về triển vọng của xe không người lái tại Việt Nam. Với những điều kiện hiện tại, chị nhận định Việt Nam sẽ phải mất rất lâu nữa mới có thể đưa xe tự hành vào hoạt động tại các hệ thống giao thông công cộng.

Ngày 13/4, những sinh viên xuất sắc nhất của cuộc thi lập trình xe không người lái - Cuộc đua số do Tập đoàn FPT tổ chức đã cùng tham dự sự kiện Open Camp tại làng phần mềm FPT Hòa Lạc (Hà Nội) và Tân Thuận (TPHCM). Với chủ đề “Nền tảng hôm nay - Vững bước tương lai”, sinh viên đã được nghe các diễn giả đến từ các tập đoàn công nghệ (FPT, Uber), start-up (Sendo), công ty về tuyển dụng (Navigos) chia sẻ kinh nghiệm lựa chọn và định hướng nghề nghiệp; được trang bị những kiến thức nền tảng về công nghệ và kỹ năng mềm để phục vụ cho học tập cũng như trong công việc. Buổi chia sẻ đã được tổ chức dưới hình thức video trực tuyến để sinh viên ở cả 2 đầu cầu có thể nghe chia sẻ từ cả 4 diễn giả. 

Phần đầu buổi thảo luận, các bạn sinh viên đã được nghe Kiến trúc sư giải pháp Bùi Kiên Cường và chuyên gia tuyển dụng đến từ Navigos Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ về những công nghệ đang là "hot trend" trên thế giới, triển vọng việc làm của sinh viên công nghệ thông tin cũng như cách học tập, rèn luyện và định hướng như thế nào để sau khi ra trường có thể tìm được công việc phù hợp, có mức thu nhập cao. 

1-7829-1492138032.jpg

Anh Bùi Kiên Cường chia sẻ về những công nghệ đang là xu thế của thế giới.

Anh Bùi Kiên Cường, người từng có nhiều năm làm việc tại công ty công nghệ hàng đầu Amazon đánh giá việc các bạn sinh viên đi theo con đường lập trình, tìm hiểu sâu về Trí tuệ nhân tạo (AI), Khoa học máy tính (Computer Vision)... là một lựa chọn rất đúng đắn. Cả thế giới đang "chìm đắm" vào việc nghiên cứu và phát triển các lĩnh vực này, nên việc theo đuổi và nghiên cứu sâu về chúng sẽ tiền đề giúp các bạn mở toang cánh cửa vào làm việc tại những công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới. 

Bước sang chủ đề xe tự lái, chị Phạm Trang Phương Dung - Giám đốc Vận hành Uber Việt Nam cho biết, trong dịp sang Mỹ công tác cách đây 3 tuần, chị đã được trực tiếp nhìn thấy khoảng 10 chiếc xe không người lái do Uber phối hợp cùng các đối tác thực hiện. Những chiếc xe này được tích hợp những công nghệ hiện đại, bao gồm hệ thống laser, cảm ứng và hệ thống camera làm "mắt thần" giúp chiếc xe di chuyển chính xác và cảm nhận được không gian xung quanh.

17910731-10208602248789481-202-7504-4282

2 CEO trẻ tuổi chia sẻ về tính khả thi của xe tự hành tại Việt Nam.

Theo chị Dung, hầu hết những chiếc xe không người lái tại Mỹ hiện chỉ đang được thử nghiệm trên các tuyến đường cao tốc, bởi những con đường này có ít phương tiện giao thông di chuyển, ít chướng ngại vật, không có đường vòng và không có các trường hợp xe băng ngang đột ngột,... Máy tính trong xe không người lái phải có khả năng xử lý rất nhanh, được tối ưu thuật toán để khi có xe khác vụt qua là nó phải tính được ngay hướng di chuyển.

"Nhiều chuyên gia trên thế giới nhận định, xe không người lái ở Mỹ sẽ chưa được thương mại hóa ít nhất trong 10 năm nữa, và để người dùng bỏ tiền ra mua càng khó hơn. Mặc dù chúng sẽ giúp giảm tỉ lệ tai nạn giao thông hay giảm tắt đường, rất tốt cho xã hội, nhưng chi phí sản xuất một chiếc xe không người lái là rất đắt - 500.000 USD, vậy ai sẽ sẵn sàng mua nó?", chị Dung nói thêm.

2-8517-1492138032.jpg

Các bạn sinh viên chăm chú lắng nghe phần chia sẻ và đã đưa ra nhiều thắc mắc trực tiếp tới các diễn giả. 

Khi được hỏi nhận định về tương lai của xe không người lái tại Việt Nam, chị cho rằng việc đưa xe không người lái về Việt Nam ở thời điểm hiện tại là không khả thi. Người bình thường lái xe trên đường phố Việt Nam đã khó, giờ gặp máy lái thì càng khó hơn, nhiều người đi xe máy mà thậm chí cả người đi xe hơi ở Việt Nam chưa tuân thủ tốt luật lệ giao thông.

Bên cạnh đó chị cũng chia sẻ sự băn khoăn về khả năng thương mại hóa xe tự lái ở Việt Nam: "Xe thường đã đắt rồi, chưa biết xe không người lái (nếu có) ở Việt Nam sẽ đắt đến mức nào? Với lại hệ thống giao thông công cộng ở Việt Nam tương đối phức tạp, sẽ gây ra nhiều khó khăn cho những chiếc xe tự hành trong việc nhận diện và cảm nhận không gian xung quanh".

Trong khi đó, anh Trần Hải Linh - người được biết đến là CEO trẻ tuổi nhất tại FPT tỏ ra có niềm tin vào tính khả thi của xe tự hành tại Việt Nam: “Khoảng cách về mặt công nghệ giữa Việt Nam và các nước như Mỹ không xa, nhưng cái khó là về mặt hạ tầng, pháp lý và hành vi - các mặt này không thuộc về công nghệ mà là vấn đề xã hội. Biết đâu ở Mỹ cần 10 năm để thương mại hóa xe không người lái thì Việt Nam chỉ cần 12 năm không chừng”.

Cuộc đua số, diễn ra từ tháng 11/2016 đến tháng 5/2017, là cuộc thi lập trình điều khiển xe không người lái và đua xe trên sa hình mô phỏng đường phố thật tại Việt Nam. Cuộc thi đã thu hút hơn 500 thí sinh từ 26 trường đại học trên cả nước tham dự. 8 đội thi xuất sắc nhất lọt vào vòng chung kết đã được FPT trang bị xe ô tô mô hình, các thuật toán cơ bản… để lập trình xe không người lái. Hiện các đội thi đang gấp rút hoàn thiện giải thuật điều khiển xe không người lái để chuẩn bị cho đêm chung kết toàn quốc dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 5. 

Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi lên tới 700 triệu đồng. Bao gồm: 01 giải Nhất trị giá 450 triệu đồng (gồm 01 chuyến trải nghiệm 7 ngày tại Mỹ cho các thành viên đội thi và 03 laptop); 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba, mỗi giải trị giá 20 triệu đồng; 08 giải thưởng cho đội giành giải nhất vòng sơ loại, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, trường có đội thi đạt giải nhất sẽ nhận được 50 triệu đồng tiền mặt. 

Đức Anh

Ý kiến

()