Chúng ta

Chủ tịch FPT Software mời sinh viên đang đi học trở thành đồng nghiệp

Thứ hai, 2/4/2018 | 15:53 GMT+7

Anh Hoàng Nam Tiến mong muốn sinh viên các ngành kỹ thuật - công nghệ gia nhập FPT Software ngay khi còn ngồi ghế giảng đường để bắt đầu hành trình tạo ra những sản phẩm công nghệ Made in Vietnam vươn ra toàn cầu.

“Đến Đại học Bách khoa TP HCM khiến tôi nhớ lại ngày mình còn là sinh viên; khi đó, máy tính còn rất ít, khác hẳn các bạn bây giờ”, Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến khai mạc trận Bán kết Cuộc đua số phía Nam.

DSC-6459-JPG-2964-1522655686.jpg

Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến.

Trước đó, hồi tháng 4/2017, Chủ tịch FPT Sofware gắn với sự kiện tuyên bố cuối tháng 10 đơn vị này sẽ trình làng chiếc ô tô đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ tự hành do kỹ sư FPT Software nghiên cứu. Ngay sau đó, giới truyền thông bày tỏ sự nghi ngờ. Tuy nhiên, đúng ngày 30/10, tại F-Town, campus của công ty tại quận 9, TP HCM, chiếc ô tô ứng dụng công nghệ tự hành do kỹ sư FPT Software phát triển đã chính thức lăn bánh thu hút sự chú ý của cộng đồng, kể cả các trang công nghệ quốc tế. Theo anh Tiến, thành quả được gặt hái do nhiều năm nay FPT Software đã đầu tư cho mảng nghiên cứu và phát triển mảng công nghệ xe tự lái.

“Tôi thấy tự hào khi các bạn đang làm những điều mà cả thế giới đang làm”, anh Tiến khẳng định. “Các bạn hãy tự tin rằng những chiếc xe tự hành hiện nay trên thế giới, kể cả các hãng hiện đại nhất, cũng đang làm”.

Theo người đứng đầu Nhà Phần mềm, mới đây, FPT Software vừa được một trong những hãng ô tô lớn nhất Nhật Bản mời cùng làm xe không người lái. “Ở Nhật, họ cam kết năm 2020 xe không người lái sẽ chạy trên đường và họ mời FPT tham gia. Hôm nay, tôi muốn mời các bạn ngay ngày mai trở thành thành viên của FPT Software”.

DSC-8628-1509501617-660x0-4282-152265568

Xe tự lái do FPT phát triển phần mềm có thể tự căn làn, rẽ cũng như xác định các vật thể trên đường để tự động phanh hoặc vòng tránh vật cản.

Anh Tiến cho rằng, khi gia nhập FPT, các sinh viên đã chọn cho mình con đường là vươn ra toàn cầu. Từ FPT, thanh viên Việt Nam sẽ đến châu Âu, Mỹ, Nhật... và trở thành những chuyên gia về điều khiển tự động, nhận dạng hình ảnh, thiết kế vi mạch, phân tích dữ liệu lớn hay trí tuệ nhân tạo... và đối thủ sẽ là những tập đoàn lớn nhất thế giới. “Tôi rất mong các bạn ngay ngày mai thôi, khi vẫn đang ngồi ở ghế giảng đường, sẽ trở thành thành viên của FPT. Rất nhiều chuyên gia công nghệ của FPT đã đi ra nước ngoài ngay từ khi còn là sinh viên”, Chủ tịch FPT Software gợi mở.

Chia sẻ về tầm nhìn và tương lai, anh Hoàng Nam Tiến mong thế hệ trẻ sẽ có những suy nghĩ khác, hành động khác thế hệ đi trước. Theo đó, suốt 19 năm qua, FPT Software đã lập trình hàng triệu dòng code theo yêu cầu của khách hàng. Nhưng những sản phẩm công nghệ Made in Vietnam trên thị trường còn rất ít.

“Tôi mong rằng, từ sân chơi với những chiếc ô tô nhỏ bé này sẽ tạo nên những sản phẩm công nghệ Made in Vietnam bán ra toàn cầu trong tương lai”, anh Tiến nhấn mạnh. “Những chiếc ô tô không người lái hiện nay có khoảng 60 triệu dòng lệnh phần mềm, trong đó có khoảng 45.000 dòng lệnh do FPT Software lập trình. Tôi tin rằng từ sân chơi này sẽ có hàng triệu dòng lệnh khác do các bạn tạo ra”.

Trận Bán kết phía Nam xác định 4 đội vào Chung kết Cuộc đua số: DUT Stark và NII (ĐH Bách khoa Đà Nẵng), Sophia (ĐH CNTT TP HCM) và BK-PIF (ĐH Bách khoa TP HCM. 

Trước đó, trong trận Bán kết tương tự tại Hà Nội đã xác định các đội vào Chung kết gồm: Proptype và Win Win Spiral (ĐH FPT); Đội MTA Race 4 Fun (Học viện Kỹ thuật quân sự); Đội UET Fastest (ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội). 

>> Đà Nẵng toàn thắng trên sân nhà Sài Gòn tại Bán kết Cuộc đua số

Nguyên Văn

Ý kiến

()