Chúng ta

Cách Chính phủ Estonia vận hành như công ty công nghệ

Thứ hai, 4/3/2019 | 10:11 GMT+7

Theo chính phủ Estonia, để chuyển đổi số, điều quan trọng nhất là ý chí chính trị, niềm tin của người dân và sự hợp tác giữ khu vực công và tư.

Theo Quartz, Estonia thường được mô tả là một xã hội kỹ thuật số công nghệ cao. Phần lớn các dịch vụ công ở quốc gia Baltic 1,3 triệu dân này đã được cung cấp trực tuyến 24/7, tính toàn vẹn dữ liệu được đảm bảo với công nghệ block-chain. Người dân có thể nhận kết quả xét nghiệm y tế và đơn thuốc, đóng thuế hoặc thậm chí mua xe trực tuyến mà không cần phải đến văn phòng đăng ký xe. Chỉ có cưới xin, li dị và chuyển giao tài sản là 3 thao tác không được số hóa bởi vì chính phủ tin rằng những việc này cần phải có sự xuất hiện của toàn bộ những người liên quan.

estonian-crowd-with-flags-2846-155166369

Estonia là quốc gia "kỹ thuật số" đầu tiên trên thế giới.

Tại sao phải “dành cả thanh xuân” để xếp hàng chờ đợi một mảnh giấy chứng minh bạn là bạn? Chính phủ Estonia đã phải học cách cung cấp các dịch vụ công hiệu quả như cách mà Amazon bán sách: không có sự hiện diện vật lý, không có chi phí ứng dụng, không có giờ mở và đóng cửa. Công dân Estonia mong đợi rất nhiều từ chính phủ, hy vọng rằng nếu khu vực tư nhân liên tục đổi mới, chính phủ cũng nên như vậy.

Trả lời Quartzbà Kersti Kaljulaid, Tổng thống thứ 5 và đương nhiệm của Estonia đặt vấn đề, nếu bạn có thể dễ dàng mua sách trực tuyến, thực hiện giao dịch ngân hàng và đăng nhập vào mạng xã hội trong vài giây, thì tại sao một dịch vụ công có thể hoạt động tốt như thế? Nếu mọi người có thể quản lý tài chính trực tuyến, tại sao không phải là tài khoản dịch vụ xã hội? Nếu bạn có thể nhận được thông báo vào điện thoại khi nào hàng bạn mua sẽ đến, liệu bạn có thể nhận được văn bản nhắc nhở từ chính phủ để gia hạn giấy phép lái xe? Đối với chính phủ Estonia, hoàn toàn hợp lý khi cung cấp dịch vụ điện tử cho công dân giống như cách các công ty tư nhân làm.

Lịch sử chuyển đổi số ở Estonia

Khi tách khỏi Liên Xô năm 1991, Estonia là một quốc gia nghèo, cần xây dựng một nhà nước hiện đại, hiệu quả và dân chủ. Cải cách cần được thực hiện ở mọi lĩnh vực. Sau khi giành lại độc lập, họ không có mạng lưới cơ quan thuế, không có văn phòng dịch vụ xã hội nào. Chính phủ lâm thời đã nhìn nhận thiếu sót này là một cơ hội để tái thiết đất nước theo một cách khác, một xã hội mới với những bước chuyển mình đầy sáng tạo. Estonia trở thành một quốc gia luôn luôn thử nghiệm những điều mới mẻ, những ý tưởng chính sách mới với giá cả phải chăng, như ý tưởng số hoá.

Nhưng sự lựa chọn công nghệ ban đầu không phải là một điều dễ dàng. Họ muốn khai thác tiềm năng của công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) để cung cấp dịch vụ công cộng rẻ hơn và cho phép khu vực nông thôn dễ dàng tiếp cận. Quyết định đầu tư nguồn lực khan hiếm của một quốc gia mới độc lập vào việc xây dựng các kết nối internet và trang bị các trường học và thư viện công cộng với các điểm truy cập mạng miễn phí đã được đánh giá là rất rủi ro. Việc sửa chữa điện, đường, tòa nhà hay trường học được hy sinh để đầu tư vào các công nghệ mới.

Mặc dù giai đoạn đầu rất khó khăn, nhưng khi nhìn lại, quyết định này đã mang lại cho xã hội Estonia động lực để thực hiện một bước nhảy số, thay đổi nhiều lĩnh vực. Học sinh được học hành và tiếp xúc máy tính từ nhỏ, đã mang các kỹ năng mới có được về nhà và “lan tỏa” công nghệ cho cha mẹ và ông bà họ. Đầu tư vào máy tính và kết nối internet được khuyến khích ưu tiên trong các gia đình.

Kinh nghiệm của Estonia cũng cho thấy rằng việc ứng dụng công nghệ cơ bản, được nhiều người sử dụng, sẽ mang lại kết quả tốt hơn so với công nghệ tiên tiến mà chỉ có một số ít người tiếp cận. Hay các công nghệ phổ biến, chi phí thấp được toàn xã hội sử dụng mang lại lợi ích lớn hơn nhiều so với những công nghệ độc quyền.

Công dân ảo

Với một nền tảng số cơ bản đã có, Estonia đã xây dựng nền tảng trực tuyến cho các dịch vụ công. Từ gần hai thập kỷ nay, người Estonia được chính quyền cấp một thẻ công dân điện tử kèm một mã định danh số (digital ID pin). Nhờ vậy, họ có thể thực hiện bất kỳ giao dịch điện tử nào từ nộp thuế đến trả tiền vé xe buýt ở mọi nơi, mọi lúc. Họ có thể sử dụng thẻ này khi đi qua biên giới ở châu Âu. Thẻ đã phát triển thành một “hộ chiếu điện tử” cho công dân Estonia.

Việc ứng dụng các công nghệ mới sẽ trở nên vô nghĩa nếu không có khung pháp lý hỗ trợ để đảm bảo việc sử dụng có trách nhiệm. Chữ ký, bảo mật và quyền kết nối mạng của mọi người được pháp luật bảo vệ. Đồng thời, công dân có trách nhiệm bảo vệ thẻ công dân của họ, nếu họ để người khác sử dụng thì họ cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý.

Việc sử dụng thẻ công dân điện tử này đã tiết kiệm nhiều chi phí. Hệ thống chữ ký và xác thực số được sử dụng bởi toàn bộ dân số được ước tính tiết kiệm tới 2% GDP hàng năm. Hiệu quả của các dịch vụ điện tử này đã vượt xa chi phí đầu tư.

Xã hội số cũng đã thúc đẩy văn hóa của các công ty công nghệ sáng tạo. Hiệu quả kinh tế vĩ mô của ngành CNTT-TT thậm chí còn lớn hơn gần 7% GDP của Estonia. Mật độ “kỳ lân” của Estonia là khoảng 4 trên một triệu công dân - một con số ấn tượng đối với một đất nước mà chưa đến 30 năm trước rất nghèo nàn và hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại.

Sự đổi mới cũng nằm trong quá trình đưa doanh nghiệp, người dân và chính phủ lại gần nhau. Cơ sở hạ tầng số của chính phủ cũng được sử dụng bởi các ngân hàng và các công ty tư nhân khác với yêu cầu bảo mật và tin cậy cao, và tất cả công ty tư nhân cũng được tự do phát triển các dịch vụ trên nền tảng có sẵn. Estonia là một ví dụ điển hình về mối quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư. 

Niềm tin và bảo mật

Việc đưa mọi dịch vụ lên nền tảng trực tuyến đặt ra một câu hỏi cho Estonia, đó là hệ thống này liệu có đảm bảo an toàn cho thông tin và tài khoản người sử dụng? Chính phủ tin rằng có thể đảm bảo an toàn cho công dân trong xã hội số. Các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ và bảo mật tất cả dữ liệu của công dân rất quan trọng, nhưng không đủ. Cơ sở pháp lý phải được điều chỉnh để đảm bảo quyền thực thi của đất nước trong bảo vệ dữ liệu.

Tất nhiên, không có thứ gọi là bảo mật tuyệt đối. Nhưng có thể dễ dàng chứng minh rằng công nghệ số có thể bảo mật nhiều hơn so với giấy tờ truyền thống. Định dạng số cung cấp nhiều quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân hơn định dạng giấy, miễn là không gian pháp lý quy định các quy tắc rõ ràng về thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu. Người dân Estonia biết rằng mọi việc truy cập, can thiệp vào cơ sở dữ liệu công sẽ được ghi lại và đánh dấu thời gian dựa trên blockchain, và các quan chức biết rằng đó là hành vi phạm tội hình sự. Điều này tạo thêm niềm tin giữa công dân, nhà nước và dịch vụ điện tử.

Điều thậm chí còn quan trọng hơn là dữ liệu công dân Estonia không thuộc về nhà nước Estonia. Việc dữ liệu cá nhân có trong cơ sở dữ liệu chung không có nghĩa là nhà nước Estonia sở hữu nó, mà nó thuộc về công dân. Bất cứ lúc nào, công dân có quyền biết và kiểm soát những gì xảy ra với dữ liệu này. Điều này làm cho xã hội kỹ thuật số minh bạch hơn nhiều so với xã hội bên ngoài.

Chống tin tặc

Rủi ro là một phần không thể tránh khỏi của bất kỳ xã hội nào. Và theo cách tương tự như các quốc gia thực hiện các biện pháp để bảo mật dữ liệu giấy truyền thống của họ trước các mối đe dọa khác nhau, chẳng hạn như lũ lụt, hỏa hoạn hoặc trộm cắp, chính phủ Estonia cũng đang làm như vậy đối với dữ liệu số của mình.

Năm 2007, Estonia trở thành đối tượng của một loạt các cuộc tấn công mạng, có nguồn gốc chủ yếu từ các địa chỉ IP của Nga. Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh, Estonia trở thành nơi đặt trụ sở của Trung tâm Phòng vệ Tấn công mạng của NATO, nơi tiến hành các cuộc tập trận phòng thủ không gian mạng quy mô lớn.

Mùa hè năm 2017, Estonia tuyên bố mở đại sứ quán dữ liệu tại Luxembourg, nơi lưu trữ các bản sao của tất cả dữ liệu, để bảo mật thông tin của chính phủ trong trường hợp bị tấn công quân sự hoặc tấn công mạng. Các máy chủ này nằm trong lãnh thổ có chủ quyền của Estonia ở Luxembourg (như trường hợp của bất kỳ đại sứ quán nào).

Cũng năm 2017, họ đã phải sửa một lỗ hổng kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến ít nhất một nửa số thẻ công dân điện tử. Chưa có vụ hack nào xảy ra, nhưng họ vẫn phản ứng nhanh chóng khi nhận thức được vấn đề, yêu cầu công dân cập nhật thẻ trực tuyến hoặc đến văn phòng cảnh sát để nhận thẻ mới. Đột nhiên, các phương tiện truyền thông xã hội đưa tin tràn ngập về sự “kinh khủng” khi phải đứng xếp hàng và chờ đợi. Có thể thấy, sau khi tránh được việc xếp hàng trong hai thập kỷ, người dân dường như không sẵn sàng chấp nhận quay về với văn phòng vật lý và giấy tờ truyền thống.

Chuyển đổi số ở các quốc gia khác

Theo nữ tổng thống Estonia, mỗi nước là một nền văn hóa, do đó phải tìm con đường riêng của mình. Bà tin rằng tất cả các chính phủ điện tử phải được thiết kế riêng để đáp ứng các nhu cầu cụ thể của từng quốc gia. Estonia cũng bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về cách mà họ đã làm, nhưng mọi quốc gia phải sử dụng công nghệ để thúc đẩy mô hình quản trị của họ. Để chuyển đổi số, các quy trình cần được xem xét, hệ thống và kiện toàn lại, quá trình này cũng đã tạo ra hiệu quả nhất định.

Estonia không còn là một “người khổng lồ nhỏ bé” đứng một mình. Đức đã cấp cho công dân thẻ công dân số, và Phần Lan hiện đã tham gia với Estonia trên một nền tảng trao đổi dữ liệu, nghĩa là họ sẽ sớm có thể trao đổi dữ liệu qua biên giới. Cũng có những điều đáng kinh ngạc đã xảy ra ở châu Phi, nơi có tiềm năng lớn để bước vào kỷ nguyên kỹ thuật số nhanh hơn nhiều quốc gia khác.

Theo tổng thống Estonia, việc phải đi sớm xếp hàng ở một văn phòng công để đăng ký thay đổi địa chỉ sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Ví dụ Estonia cho thấy khu vực công có thể thay đổi một cách hiệu quả mà không mất nhiều thập kỷ. Điều đó không quan trọng cho nước lớn hay nhỏ, tất cả những gì chúng ta cần là ý chí chính trị, niềm tin của người dân và sự hợp tác khu vực công-tư để chuyển đổi số. Đây là điều không thể tránh khỏi với các quốc gia, công dân sẽ sớm yêu cầu sự thuận tiện trong dịch vụ công tương tự từ như cách họ mua hàng qua mạng.

>> Ông Phương Trầm: ‘FPT phải mang đến một mô hình mọi người muốn noi theo’

Hà An

Ý kiến

()