Chúng ta

Bãi bỏ tính trung lập của Internet, FCC đối diện nguy cơ hầu tòa

Thứ hai, 18/12/2017 | 08:44 GMT+7

Quy tắc trung lập Internet (Net Neutrality) vừa bị Ủy ban truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) bác bỏ, đồng nghĩa các nhà cung cấp Internet tại nước này được trao quyền tạo ra những bất công trên mạng.

Net Neutrality ngăn cản các nhà cung cấp Internet (ISP) bóp băng thông (giới hạn lưu lượng truy cập) của các dịch vụ đối thủ cạnh tranh. Chẳng hạn, nhà mạng AT&T không được phép làm giảm tốc độ truy cập vào Apple Music hay Spotify, ép buộc người dùng chuyển sang dịch vụ âm nhạc của nhà mạng này.

v4jpdY9-5609-1513499213.png

Truyền thông Mỹ minh hoạ Internet như con đường. Và bên phải là hình ành dự báo sau khi FCC bãi bỏ tính trung lập của Internet. Ảnh: Imgur.

Nhưng quy ước văn minh được đưa ra dưới thời Tổng thống Obama vừa bị FCC đánh dấu chấm hết. Các ông trùm viễn thông Mỹ giờ đây chỉ cần công khai việc ứng dụng, dịch vụ, website nào sẽ bị chặn, hạn chế truy cập hoặc thu thêm phí, theo The Verge.

Đây được coi là chiến thắng lớn của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Mỹ bởi từ nay, họ có thể đặt quyền ưu tiên cho các nội dung khác nhau chạy trên Internet theo hướng mà họ thấy “phù hợp”.

Lý giải cho quyết định mới, Chủ tịch FCC Ajit Pai cho rằng việc bãi bỏ Net Neutrality sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng vì các nhà cung cấp dịch vụ Internet, như AT&T hay Comcast, có thể mang đến nhiều lựa chọn hơn.

thousands-of-identical-message-4117-4372

Chủ tịch FCC Ajit Pai, một người cũ từ nhà mạng Verizon được Tổng thống Trump bổ nhiệm vào chức vụ mới. Ảnh: BI.

"Chúng tôi đang giúp đỡ người tiêu dùng và thúc đẩy cạnh tranh", ông Pai khẳng định. "Các nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng sẽ có nhiều động lực để xây dựng mạng lưới, đặc biệt tại các khu vực kém phát triển".

Không hài lòng với quyết định của FCC, báo chí Mỹ chìm trong giận dữ và tuyệt vọng. The Verge giật dòng tít: "FCC vừa giết chết Net Neutrality", trong khi Fortune nói: "Chào từ biệt, Net Neutrality".

Không chỉ giới truyền thông, nhiều ông lớn công nghệ đã lên tiếng phản ứng khá gay gắt quyết định bãi bỏ quy định về trung lập Internet của FCC. Họ cho biết sẽ đệ đơn lên tòa án để phản đối quyết định này.

Chia sẻ trên The Verge, Tim Berners-Lee, kỹ sư người Anh và là người sáng tạo World Wide Web, cũng lên tiếng phản đối sự thay đổi chính sách này của FCC. Theo Tim, các ISP sẽ có quyền quyết định người dùng có thể truy cập website nào và tốc độ mỗi website này là bao nhiêu. Nói cách khác, họ có thể quyết định công ty nào thành công trên mạng, những tiếng nói nào được lắng nghe  và tiếng nói nào bị dập tắt.

fcc15n-5-web-5618-1513499213.jpg

Cuộc bỏ phiếu của FCC diễn ra sau thời gian dài gây tranh cãi trên mạng xã hội. Sau khi đưa ra đề xuất bỏ Net Neutrality đầu năm nay, FCC đã nhận vô số "gạch đá" từ 22 triệu ý kiến phản hồi. Tính chất nghiêm trọng của sự việc lớn đến nỗi tất cả bài viết lên trang nhất hôm ấy của New York Times đều xoay quanh chủ đề bảo vệ Net Neutrality. Trong vòng 24 giờ, có hơn 200.000 cuộc gọi đến văn phòng Quốc hội Mỹ nhằm phản đối quyết định trên. Ảnh: USToday.

Trong khi đó, Netflix sẽ là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi quyết định này bởi họ đang cung cấp dịch vụ truyền hình trên Internet, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của một vài ISP lớn trong nước. Trên Twitter của hãng này đăng tải thông tin rằng họ rất thất vọng về quyết định của FCC. Đây là một quyết định sai lầm và nó sẽ cản trở sự đổi mới, sáng tạo. Họ sẽ cùng với các doanh nghiệp khác phản đối quyết định này của FCC.

Trên blog chính thức, Mozilla cũng cho biết công ty vô cùng thất vọng vì quyết định của FCC và quyết định này đã khiến Internet không còn “mở”. Hãng này kêu gọi người dùng hãy cùng đệ đơn lên Quốc hội và tòa án để chống lại quyết định này.

Twitter cũng bày tỏ quan điểm, rằng quyết định của FCC đã “thổi bay” tính sáng tạo và tự do trên Internet. “Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến của mình để bảo vệ tính mở của Internet, nỗ lực để đảo ngược quyết định sai lầm này”, hãng viết.

>> CEO Bùi Quang Ngọc khuyến khích khởi nghiệp từ FPT Telecom

Chi Vy

Ý kiến

()