Chúng ta

4 đội mạnh nhất vào chung kết SMAC Challenge

Thứ sáu, 5/9/2014 | 15:48 GMT+7

Ứng dụng tốt, demo trơn tru, 4 đại diện của ĐH FPT, Học viện Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật Quân sự và ĐH Công nghệ (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) đã vượt qua các đội tuyển khác, có mặt tại chung kết SMAC Challenge 2014.

Vòng 2 cuộc thi “Thi viết ứng dụng di động tương tác thông minh điều khiển robot” - SMAC Challenge - đã diễn ra sôi nổi tại tầng 13, tòa nhà FPT Cầu Giấy tối ngày 4/9. Ở vòng này chỉ có 10 đội tranh tài thay vì 16 như trước.

Cuộc thi lần này được Ban tổ chức nhận định là có nhiều ứng dụng mang tính xã hội cao và thương mại được. Trong đó, ứng dụng “Robot bán vé tàu thông minh” do đội FU-Agile (ĐH FPT) phát triển được Ban giám khảo là PGS-TS. Lương Chi Mai, Viện phó Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Khoa học và Công nghệ VN, TS. Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, và “Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng đánh giá cao.

v

Đội FU-Agile được đánh giá cao với ứng dụng "Robot bán vé tàu thông minh", giành được điểm cao nhất vòng 2 SMAC Challenge.

Với ứng dụng của mình, FU-Agile biến robot thành nhân viên hỗ trợ khách hàng tìm và đặt vé đơn giản; cung cấp mọi thông tin về hành trình tàu; tư vấn thông minh về các chương trình khuyến mại, lịch trình di chuyển...

Ứng dụng này sẽ giúp ích rất nhiều cho những người chọn tàu hỏa làm phương tiện giao thông. Đại diện FU-Agile cho hay, ý tưởng của đội xuất phát từ việc FPT vừa thắng thầu dự án cung cấp hệ thống bán vé điện tử Tổng cục Đường sắt Việt Nam.

Ý tưởng tốt, trình bày ứng dụng trơn tru và đầy đủ nhất trong các đội nên FU-Agile đã xuất sắc giành vé vào chung kết SMAC Challenge.

Xếp sau FU-Agile, ứng dụng “Bác sĩ gia đình” của đội Trying (Học viện Bưu chính Viễn thông) được nhận xét là có thể mang vào thực tế. Các kỹ sư CNTT tương lai của Học viện Bưu chính Viễn thông đã giúp robot có chức năng phát hiện bệnh và tư vấn sức khoẻ, như chế độ ăn thích hợp theo thể trạng mỗi thành viên, phát hiện bệnh dựa vào nhịp tim, huyết áp...; hỗ trợ điều trị bệnh (nhắc bệnh nhân uống thuốc đúng giờ); và bảo vệ sức khoẻ.

d

Ban giám khảo (từ phải qua): PGS-TS. Lương Chi Mai, TS. Trần Thế Trung và "Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng ấn tượng với sự tiến bộ của sinh viên.

Ban giám khảo ấn tượng với ứng dụng này, trong đó phần nhận biết người bị đột quỵ được ghi nhận là có “cửa sáng để phát triển về sau”.

Cũng liên quan đến ứng dụng trong gia đình, “Thông điệp tới TV” của SMAC-MTA (Học viện Kỹ thuật Quân sự) giúp người dùng có thể tương tác với TV qua giọng nói; tìm kiếm chương trình, kênh... theo ý; giúp thư giãn và tiết kiệm thời gian khi tìm kiếm chương trình hay trên TV.

Tương tự, ứng dụng “Robot làm trợ lý giáo viên” do thành viên đội UET-Invincible (ĐH Công nghệ) phát triển cũng có thể ứng dụng trong cuộc sống. Ứng dụng này trợ giúp giáo viên hướng tới việc giúp họ những công việc khác bên cạnh việc giảng dạy để có thể tập trung vào việc giảng dạy và nghiên cứu hơn.

Theo dõi chương trình, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình cho biết, anh ấn tượng với các bạn trẻ bởi chỉ trong một tháng đã xây dựng được những sản phẩm có tính ứng dụng cao. “Một số sản phẩm sẽ sớm có mặt trên thị trường trong thời gian tới và kiếm được doanh thu”, anh khẳng định.

c

Dù nhiều đội không được lọt vào vòng chung kết nhưng 1 tháng tham gia trại hè công nghệ đã giúp các em tiếp cận được xu hướng công nghệ mới trên thế giới.

Đồng quan điểm, PGS-TS. Lương Chi Mai nhận xét: “Trong một tháng các bạn đã tích hợp các công nghệ và đối mặt với những bài toán không đơn giản. Các bạn đáng được khen ngợi khi làm việc với tốc độ như vậy”. Cô cũng tiết lộ mình rất thích khi đến với cuộc thi này.

“Giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng là một người ngoại đạo trong lĩnh vực công nghệ, do đó, ấn tượng của anh với SMAC Challenge là “những bạn sinh viên công nghệ bởi không có sự tranh đấu như các cuộc thi khác”.

“Nhìn cách các bạn mày mò, nghiên cứu, tôi tin tưởng sau này các bạn sẽ phát triển ra những sản phẩm có ích cho cuộc sống. Đây cũng là điều mà cuộc thi mong muốn”, anh tin tưởng.

Sau phần thi này các đội sẽ có một tháng để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm để tranh tài trong vòng chung kết, dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới. 4 đội tham gia ba phần thi, gồm: Nghệ thuật, Trí tuệ và Sức mạnh. Ở phần Nghệ thuật, các đội sẽ lập trình cho robot nhảy múa trên nền nhạc. Ở phần Trí tuệ, các đội lập trình cho robot nghe hiểu và trả lời bộ câu hỏi ngẫu nhiên từ Ban tổ chức. Các đội sẽ thi đối kháng với nội dung tìm đường trong sân đấu và hoàn thành nhiệm vụ do Ban tổ chức đưa ra ở phần Sức mạnh.

Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi SMAC Challenge 4 bao gồm: Giải Nhất 15 triệu đồng, đội giành giải Nhì và giải Ba lần lượt nhận 10 triệu đồng và 5 triệu đồng. Bên cạnh đó, các thành viên trong đội đạt thứ hạng cao còn có cơ hội được tham gia vào dự án nghiên cứu khoa học của Ban Công nghệ FPT. Năm 2013, đội Học viện Bưu chính Viễn thông đã giành giải Nhất cuộc thi này.

Hình ảnh vòng 2 cuộc thi SMAC Challenge

Triệu Mẫn

Ý kiến

()